Biến tướng học hè giá... chát

Một thông báo lịch học hè cho phụ huynh học sinh
Một thông báo lịch học hè cho phụ huynh học sinh
TPO - Từ ngày 1/8, nhiều trường Tiểu học, THCS tại Hà Nội đã đón học sinh trở lại trường. Thông thường, thầy cô dạy hè các môn như Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Tuy nhiên, có trường phổ biến phụ huynh làm đơn tham gia câu lạc bộ kỹ năng sống nhưng thực chất chỉ học lại kiến thức cũ rích của năm trước.

Ngán ngẩm với học hè

Năm nay, con chị Thu Hương (Hoàng Mai - Hà Nội) sẽ vào lớp 3. Chính vì vậy, sau khi nghỉ hè được gần 2 tháng, đến 1/8 vừa qua chị cho con quay trở lại lớp.

Chị Hương cho biết: “Con nghỉ hè khá dài gần 2 tháng. Ngoài thời gian đi nghỉ cùng gia đình, về quê chơi với ông bà thì thời gian còn lại không có ai trông con, nhốt con trong nhà 24/24h thì không đành, vác mãi con lên cơ quan cũng không được. Chính vì vậy cho con đến lớp học thêm, vừa củng cố kiến thức, vừa cho con vui chơi cùng bạn bè”.

Chị Hương tiết lộ thêm, học thêm tại trường các con sẽ học cả ngày nhưng chỉ vào thứ 2, thứ 3 và thứ 4 với các môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh.

“Đi học thêm thôi mà cũng tốn kém. Chỉ 12 ngày học nhưng con cũng phải đóng 1,5 triệu. Ngoài học ở trường, con còn muốn được học bơi, học vẽ…, tính ra chi phí mấy tháng hè cũng lên tới 10-15 triệu đồng. Hai đứa mất đứt tiền tích cóp của bố mẹ cả năm”- chị Hương cho biết.

Một phụ huynh có con học ở trường Tiểu học cho rằng, với 12 buổi học Toán- Văn. Sáng học bài, chiều cô chữa lại bài mà phải đóng tới hơn 1 triệu là khá đắt.

“Dù thấy học lại kiến thức như thế không cần thiết lắm nhưng vẫn phải cho con đến học vì ở nhà mãi cũng chán. Đến trường vừa học lại kiến thức cũ, chớm học kiến thức mới nhưng vì không điểm danh, không áp lực nên con đi học cũng lớt phớt lắm. Nhiều lớp, sĩ số đi học thêm chỉ tầm 30 học sinh/59 học sinh.”- phụ huynh này chia sẻ.

Tương tự, tại một trường THCS ở quận Đống Đa, Hà Nội phụ huynh học sinh được thông báo đóng tiền học tăng cường tháng 8 từ ngày 7/8 đến ngày 15/8 học sinh học 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh trong đó tiếng Anh học 2 buổi sẽ đóng 1,2 triệu còn nếu học tiếng Anh 1 buổi thì chỉ 1 triệu.

Tại một trường Tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), thầy cô yêu cầu nếu phụ huynh có nhu cầu cho con đi học hè sẽ làm đơn tham gia câu lạc bộ Kỹ năng sống nhưng thực chất là chỉ học lại môn Toán và Tiếng Việt của năm cũ. Số tiền học là 500 nghìn, học sinh chỉ học thứ 2,3 và 4 chưa kể tiền nước 10 nghìn/ngày.

Một phụ huynh có con học thêm hè cho hay, đây là hình thức để cho con quay lại làm quen với trường lớp sau 2 tháng nghỉ học ở nhà.

“Năm nào chả thế, đây là hình thức thôi, cứ vẽ ra là bảo học kĩ năng sống. Cô thì phát mẫu đơn xin tham gia câu lạc bộ bắt bố mẹ căn cứ vào đó để viết tay và kí vào. Mang tiếng là học kỹ năng sống mà có học chữ nào, chỉ là học lại Văn - Toán. Đây là hình thức lách luật, treo đầu dê bán thịt chó mà thôi”- 1 phụ huynh cho hay

Chị Thanh Dung ở ngõ Văn Chương cho rằng, chị rất muốn các con được tham gia các khóa học về kĩ năng chứ học lại các môn Tiếng Việt, Toán để làm gì.

“Đi học các con được củng cố lại kiến thức sau mấy tháng hè cũng tốt nhưng nếu các con được nhà trường dạy nhằm cung cấp những bài học kĩ năng khác thì sẽ tốt hơn nhiều, phụ huynh cũng sẽ thích thú cho con đi học hè hơn là chỉ học mãi như thế này”- chị Dung cho hay.

Biến tướng học hè giá... chát ảnh 1 Một tin nhắn thông báo đóng tiền học hè
Có cần một mùa hè Toán - Văn nữa không?

Nói về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, có rất nhiều điều học sinh cần học hơn là việc nhồi nhét kiến thức cho con trong những ngày nghỉ hè này.

TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho rằng, muốn học gì đi chăng nữa thì cha mẹ cũng phải hỏi ý kiến các con trước khi quyết định, để các con không có cảm giác bị thiếu tôn trọng.

Theo bà Hương, cả năm trẻ phải ở trường học tập. Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng sống và đạo đức của trẻ rất bị hạn chế. Các cha mẹ tiếp tục nhồi nhét kiến thức sẽ khiến con mệt mỏi, nản, chán ghét việc học tập và học tập sẽ không hiệu quả” - bà Hương nói.

“Với 9 tháng học liên tục ở trường, liệu trẻ có cần nhiều toán văn đến mức phải có một mùa hè toán văn nữa không?”- TS Hương đặt câu hỏi.

Theo TS Hương, chúng ta, ai cũng biết, với một con người, cần học hỏi rất nhiều điều. Ngoài các kiến thức trong trường học cũng đã quá quen thuộc với các bạn nhỏ, học sinh cần học thêm rất nhiều những kĩ năng khác.

Đơn cử, các em có thể học về kĩ năng: Cách chăm sóc và phục vụ bản thân (ăn uống, vệ sinh, đi lại, ….).  Kĩ năng giao tiếp lịch sự, lễ phép: Thưa gửi nói năng, cảm ơn xin lỗi, chào hỏi,…. Giao tiếp với các đối tượng khác nhau (bạn bè, thày cô giáo, người lớn tuổi…); Đến phòng tránh tai nạn (hỏa hoạn, ngập lụt, đuối nước, bỏng, xâm hại, tai nạn thương tích…); Kĩ năng làm việc nhóm, làm việc cá nhân,…

Hay các kĩ năng về quan sát, nghiên cứu: Học cách tìm tòi, khám phá những điều lý thú trong cuộc sống; Học tập và sinh hoạt theo thời gian biểu đề ra hay cách thích ứng với môi trường,…

Tuy nhiên, TS Hương cho rằng,  trong trường học hiện nay, nội dung học ôn tập hè vẫn là toán và văn. Dường như những đứa trẻ bị bao vây bởi các môn khoa học mà chúng đã phải dành 9 tháng mỗi năm của đời mình cho chúng. Dường như các trường học luôn thấy tầm quan trọng lớn lao quá mức của các môn học này mà bỏ qua các nội dung quan trọng khác

Theo TS Hương, vì bất cứ lý do gì thì việc các trường lựa chọn Toán Văn để ôn tập hè cũng là việc khiến trẻ cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi. Nếu đừng về phương diện lợi ích cho chính đứa trẻ, nên chăng, các trường chọn lựa những phần nội dung không thể có trong chương trình học chính khóa bởi sự quá tải về nội dung cũng như hạn hẹp về mặt thời gian.

“Khi đó, chắc chắn sẽ sẽ hào hứng học tập hơn, chương trình hè cũng hấp dẫn và hữu ích hơn với học sinh. Điều đó sẽ giúp trẻ phấn khởi tràn đầy năng lượng đón chào một năm học mới sắp đến gần”- TS Hương nhận định.

Ths Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt cho rằng, suốt 9 tháng, học sinh đã bị "giam" trong 4 bức tường của trường học, về nhà lại phải quay cuồng với bài tập. Thế giới của các con bị bó hẹp, những trải nghiệm với môi trường bên ngoài rất nghèo nàn.

Cũng theo bà Lan Anh, cha mẹ nên tìm các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ, tự phục vụ bản thân giúp trẻ tương tác, rèn được ngưỡng chịu đựng của bản thân trong những hoàn cảnh không có bố mẹ.

MỚI - NÓNG