Bỏ biên chế giáo viên: Hiệu trưởng phải công tâm, minh bạch

Bỏ biên chế giáo viên, giảng viên nên có bước đi thận trọng, làm từng bước và làm đâu chắc đấy
Bỏ biên chế giáo viên, giảng viên nên có bước đi thận trọng, làm từng bước và làm đâu chắc đấy
Hoan nghênh chủ trương thí điểm chuyển viên chức giảng viên, giáo viên sang chế độ hợp đồng, ông Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng thời cho rằng, đây là chủ trương rất hay, phù hợp với lộ trình phát triển giáo dục.

Làm đâu chắc đấy 

Ông Thạch phân tích: Bộ GD&ĐT không thực hiện thí điểm bỏ biên chế đối giáo viên mầm non, tiểu học, THCS là phù hợp với thực tiễn khách quan.

"Đối với bậc THPT, đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp nên có thể thực hiện thí điểm chuyển viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng. Tuy nhiên, cần làm từng bước, làm đâu chắc đấy và làm đâu thắng đấy" - ông Thạch trao đổi.

Cũng theo ông Thạch, bậc THPT nên chia thành hai loại: Một loại phổ thông mà định hướng nghề nghiệp cao, có khả năng xã hội hóa cao, ít dùng ngân sách Nhà nước (có thể là những trường chất lượng cao); một loại khác là các trường 100% lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước, như các trường: Ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Vì thế, nếu có thể thì áp dụng thí điểm bỏ biên chế ở các trường loại 1.

"Phải hiểu rằng, bỏ biên chế không có nghĩa là Nhà nước không quan tâm, mà nên hiểu là thay thế phương thức "bao cấp" sang phương thức quản lý mới hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đã đến lúc chúng ta phải cải cách từ công tác quản lý đến việc sử dụng nguồn kinh phí (nếu được Nhà nước đầu tư) và đẩy mạnh tự chủ trong các trường học. Tất nhiên tự chủ không có nghĩa là thả nổi, muốn làm gì thì làm" - ông Thạch thẳng thắn nêu quan điểm, đồng thời đặt vấn đề: Nếu bỏ biên chế thì cũng cần đổi mới cách đánh giá cán bộ, giáo viên sao cho đúng và công khai, minh bạch, chất lượng.

Hiệu trưởng phải công tâm, minh bạch 

Bỏ biên chế giáo viên: Hiệu trưởng phải công tâm, minh bạch ảnh 1

Ông Trịnh Ngọc Thạch

Đối với bậc giáo dục đại học, ông Thạch cho rằng, chúng ta phải quay lại quá khứ một chút: Năm 2003, Nhà nước đã không sử dụng biên chế trong giáo dục đại học nói chung. Ngay tại Pháp lệnh công chức chức 2003 có đề cập: "... Biên chế lúc này không phải là biên chế cấp nguồn ngân sách mà là vị trí việc làm trong giáo viên. Từ tháng 1/2003 về sau sẽ không tuyển dụng bằng hình thức biên chế, mà tuyển bằng hình thức hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc".

Bên cạnh đó, các văn bản Nhà nước cũng quy định: Dịch vụ giáo dục thuộc loại dịch vụ công nên sử dụng lao động bằng hợp đồng làm việc và quy định người lao động phải có một năm thử việc nếu trúng tuyển. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tiếp tục ký hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định chứ không phải là biên chế.

"Như vậy, câu chuyện về hợp đồng giáo viên, giảng viên cũng không có gì mới lạ. Tuy nhiên, để làm được việc này yêu cầu người thủ lĩnh phải là người hết sức công tâm, minh bạch từ công tác tài chính cho đến việc đánh giá cán bộ, giáo viên, giảng viên. Cùng với đó, phải đổi mới nhận thức, đổi mới cơ chế.

Mặt khác, phải phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, hội đồng sư phạm nhà trường" - ông Thạch trao đổi đồng thời đề xuất: Cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, Luật Viên chức và phải coi giảng viên, giáo viên là những người làm công việc đặc thù, với chức danh nghề nghiệp đặc thù.

Theo Theo Giáo dục thời đại
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.