Dự thảo quy chế thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Bộ mong nhận được những góp ý, phản biện

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm áp lực và tốn kém (trong ảnh thí sinh trường THPT Quang Trung - Hà Nội sau khi làm xong bài thi môn Vật lý năm 2014). Ảnh: Ngọc Châu.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm áp lực và tốn kém (trong ảnh thí sinh trường THPT Quang Trung - Hà Nội sau khi làm xong bài thi môn Vật lý năm 2014). Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Ngày 18/12 Bộ GD&ĐT đã công bố hai dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “Bộ GD&ĐT mong muốn được nhận những ý kiến góp ý, phản biện có trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo”.

Ông Nguyễn Vinh Hiển nói:

Quy chế thi THPT quốc gia được xây dựng theo hướng đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng và độ tin cậy của kết quả thi. Để xây dựng dự thảo, Bộ đã tham khảo ý kiến của một số sở GD&ĐT, trường ĐH, trường THPT và cả một số cơ quan truyền thông.

Theo luật định, từ giờ đến khi ban hành chính thức quy chế sẽ có khoảng thời gian điều chỉnh nội dung tối thiểu là 45 ngày. Trong khoảng thời gian này, Bộ GD&ĐT mong muốn nhận được những ý kiến góp ý, phản biện có trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo.

Trong quy chế không thể hiện, nhưng được biết Bộ GD&ĐT cũng đã có ý định dời ngày tổ chức kỳ thi dù trước đây đã từng ban hành quyết định về việc này?

Đúng vậy. Theo quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào khoảng giữa tháng 6/2015, tức là ở khoảng giữa các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.

Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường, Bộ dự kiến sẽ dời thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sang đầu tháng 7 (từ ngày 1 đến hết ngày 4), tương ứng với thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt I những năm trước đây.

Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Có ý kiến cho rằng việc Bộ quy định những em được miễn thi ngoại ngữ do có chứng chỉ quốc tế uy tín được điểm tối đa môn này khi xét tốt nghiệp THPT là không cần thiết. Họ cho rằng thay vì chia tổng điểm thi cho 4 tương ứng 4 môn thì với những em diện đó Bộ chỉ cần chia 3 để lấy điểm bình quân (do các em chỉ phải dự thi 3 môn). Ông nghĩ sao?

Theo quy chế hiện hành, việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Dự thảo quy chế mới vẫn giữ nguyên tắc xét này. Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Cũng theo quy định của Bộ, thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho VN) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT hiện hành.

Do đó, các thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT là hợp lý.

Do nguyên tắc xét điểm để công nhận tốt nghiệp có khâu xét tổng điểm 4 môn nên thí sinh dự thi sẽ có lợi thế là điểm môn nọ “gánh” cho điểm môn kia. Ví dụ nếu một em có điểm thi ngoại ngữ cao thì điểm môn khác có thấp một chút thì cũng không có vấn đề gì nếu điểm bình quân lớn hơn mức tối thiểu theo quy định.

Như tôi đã phân tích ở trên, những em đạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có uy tín đều giỏi ngoại ngữ, nếu cho các em miễn thi môn này mà không quy ra điểm tương ứng thì sẽ thiệt cho các em. Việc miễn thi môn Ngoại ngữ cho các thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực để thay đổi cách dạy, học và thi môn ngoại ngữ theo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Nhưng tôi cũng lưu ý, quy chế thi THPT quốc gia không quy định cụ thể việc sử dụng điểm thi để dự tuyển (xét tuyển hoặc thi tuyển) vào ĐH, CĐ. Vì vậy, em nào muốn dự tuyển vào những trường ĐH, CĐ có yêu cầu điểm môn Ngoại ngữ thì phải tìm hiểu quy định cụ thể của trường để thực hiện.

Những năm trước, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT không phải đóng góp bất kỳ khoản nào trừ tiền mua phôi bằng, còn thí sinh thi ĐH-CĐ thì phải đóng lệ phí. Vậy năm nay Bộ GD&ĐT sẽ quy định như thế nào về việc này, thưa ông?

Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình.

Cụ thể, thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí; Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

Trước đây, các tỉnh sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có khoảng trên 10% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bộ GDĐT đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi.

Như vậy Bộ GD&ĐT có cơ sở để tin tưởng rằng kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.