Bộ Nội vụ yêu cầu Vĩnh Phúc báo cáo việc tuyển dụng giáo viên

Sự thay đổi đột ngột của UBND tỉnh Vĩnh Phúc khiến nhiều thí sinh bức xúc.
Sự thay đổi đột ngột của UBND tỉnh Vĩnh Phúc khiến nhiều thí sinh bức xúc.
Trao đổi nhanh với phóng viên sáng 6/1 về câu chuyện tuyển dụng viên chức giáo viên ở Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Bộ sẽ yêu cầu Vĩnh Phúc báo cáo vụ việc để làm rõ và sớm thông tin lại để dư luận được biết”.

Để tìm hiểu thêm về việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc lo ngại “tiêu cực” trong kì thi tuyển viên chức giáo dục nên đã đứng ra tổ chức thi tuyển thay cho huyện, thị, phóng viên đã làm việc trực tiếp với các bên liên quan và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc.

Tỉnh không đứng ra tổ chức sẽ… vỡ trận

Chiều 5/1, Ông Bùi Minh Hồng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục ở các huyện, thị ở năm trước đã có phản ánh chuyện tiêu cực như hiện tượng đánh dấu bài thi, điểm bài thi và nội dung không hợp lý… nhưng tỉnh vẫn chủ trương để cho UBND huyện, thị làm, ai sai thì xử lí. Sau đó thấy có nhiều vấn đề tỉnh phải giải quyết, rất nhức đầu.

Ở kì thi năm nay, đã có rất nhiều tin nhắn, thư phản ánh tới lãnh đạo UBND tỉnh những vấn đề tiêu cực trước kì thi. Có nhiều ý kiến lo đợt thi lần này không rõ ràng, có người lo sợ làm được bài mà không được tuyển, kết quả không ổn nên kiến nghị tỉnh chủ trì kì thi để làm nghiêm ngặt. Chúng tôi cũng sợ vỡ trận nếu địa phương không làm nghiêm nên sau khi họp bàn, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức kì thi ở tỉnh.

Nói thêm về quyết định “bất ngờ” này, ông Phạm Quang Tuệ - Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Vĩnh Phúc giải thích: Đầu tiên chúng tôi vẫn để các huyện làm và có hướng dẫn của Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, trong thời gian nộp hồ sơ có phát sinh, mật độ các ý kiến phản ánh của dư luận ngày càng tăng, gần như ngày nào Chủ tịch tỉnh và phó Chủ tịch tỉnh cũng có tin nhắn về lo lắng các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Trong các đơn thư phản ánh về Sở cũng có yêu cầu tỉnh đứng ra tổ chức kì thi này.

“Từ ngày thành lập tỉnh, sở Nội vụ đã nhiều lần đứng ra tổ chức thi tập trung ở tỉnh và chưa lần nào để người dân kiện. Có lẽ do cách làm chặt chẽ như vậy nên lần này người dân tin tưởng, mong muốn tỉnh làm” - ông Tuệ bộc bạch.

Nói là vậy nhưng theo xác minh của chúng tôi, phần lớn đơn thư phản ánh đều không có đủ cơ sở để khẳng định có tiêu cực trước kì thi, không có địa chỉ người gửi rõ ràng…Vậy lý do gì để có sự thay đổi bất ngờ này?

Giải đáp thắc mắc này, ông Tuệ nhấn mạnh: Cần phải phòng ngừa trước, nếu để sự việc xảy ra rồi thì việc giải quyết sẽ rất là phức tạp. Việc thẩm tra cần có thời gian. Việc thi thì gấp, đạn đã lên nòng, không thể kéo dài thêm được. Tổ chức như vậy để ngăn chặn nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra.

Liên quan việc thí sinh dự thi xong rồi thì UBND tỉnh mới ra công văn thông báo nguyên tắc xác định người trúng tuyển theo cách thức mới, giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cho biết: Trước khi công bố điểm 15 ngày chúng tôi đã có thông báo. Sau đó 15 ngày chúng tôi không nhận được ý kiến, thắc mắc nào phản hồi về nội dung này. Hết thời hạn trên tỉnh mới có biên bản bàn giao điểm và lên điểm cho thí sinh. Nếu công bố điểm xong rồi mới đưa ra cách xét tuyển thì sai.

Ông Tuệ cũng thừa nhận, nếu có thông báo các xác định trúng tuyển trước kì thi sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên do công việc gấp gáp nên văn bản được ban hành sau kì thi nhưng lúc đó chưa có kết quả thi nên vẫn đảm bảo được tính nghiêm túc và công bằng.

“Việc xác định trúng tuyển theo chỉ tiêu chung của tỉnh là nhằm nâng chất lượng giáo viên. Nguyên tắc bài thi chung, chấm chung, giám khảo chung thì không nên phân biệt mà phải công bằng cho thí sinh. Sau này để tránh chuyện giáo viên nông thôn chuyển về thành thị, nơi không tốt xin về nơi tốt. chúng tôi yêu cầu tất cả phải làm việc ít nhất 5 năm mới được xem xét chuyển công tác” - Giám đốc Phạm Quang Tuệ nói.

“Vượt mặt” nhiều quy định?

Trước câu hỏi, khi nghe có phản ánh tiêu cực thì UBND tỉnh, Sở Nội vụ có thể tăng cường, thanh tra giám sát…Vậy tại sao lại không thực hiện mà UBND tỉnh phải đứng tổ chức?

Giải đáp câu hỏi này, giám đốc Sở Nội vụ Phạm Quang Tuệ nói: Trước tình hình đơn thư, tin nhắn như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh có gọi ngay tôi sang gấp. Các phương án được tôi đưa ra: Một vẫn để cho huyện tổ chức thi nhưng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; Thứ hai rút về, tập trung thi ở tỉnh.

Lúc đó Chủ tịch UBND tỉnh hỏi tại sao rút về và làm như vậy có vi phạm không. Tôi nói không vì trong phân cấp Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh có nói việc tuyển dụng viên chức giao cơ sở làm, nếu trong quá trình làm có vướng mắc phức tạp thì tùy trường hợp UBND sẽ xem xét quyết định không tổ chức thi cấp huyện. Cách làm này cũng phù hợp quy định tại khoản 2, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ trương này đã được Chủ tịch tỉnh đồng tình

Bộ Nội vụ yêu cầu Vĩnh Phúc báo cáo việc tuyển dụng giáo viên ảnh 1

Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND không có một dòng nào quy định tỉnh được phép đứng ra tổ chức thi tuyển thay cho huyện, thị.

Tuy nhiên, trên thực tế khi kiểm tra Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi không thấy có dòng thông báo nào đề cập đến việc tỉnh đứng ra tổ chức thi tuyển thay cho huyện, thị.

Theo ông Tuệ, điều này được quy định ở khoản 2 điều 13 của Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND nhưng thực tế ở điểm này nêu rõ: UBND tỉnh chỉ cho ý kiến về thời gian, nội dung, hình thức, trình tự và thủ tục tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ; công chức cấp xã theo Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chế tuyển dụng công chức cấp xã của UBND tỉnh trên cơ sở vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và số lượng người làm việc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khi đó, ở Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ cũng như ở Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND đã phân cấp rất rõ ràng cho UBND huyện, thị trong việc tuyển dụng viên chức.

Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc không phải là đơn vị ra thông báo tuyển dụng nhưng lại thành lập Hội đồng thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT năm 2014 của tỉnh. Điều này là không đúng với tinh thần của Nghị định 29/2012/NĐ-CP…

Nguồn tin cuối buổi sáng nay cho biết, Bộ Nội vụ đã yêu cầu Vĩnh Phúc lên báo cáo vụ việc. Trong ngày hôm nay, Vĩnh Phúc phải lên làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.