Cần đào tạo giáo viên tại 'thực địa'

Các chuyên gia nói cần đào tạo giáo viên ngay tại “thực địa”. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Các chuyên gia nói cần đào tạo giáo viên ngay tại “thực địa”. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đào tạo giáo viên như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới đối với giáo dục phổ thông? Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội thảo khoa học quốc tế do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây.

Thu hút người giỏi vào sư phạm

Theo GS Owen Jeremy Hicks, trường ĐH Western Australia, cần thay đổi tư duy về lớp học. Lớp học không còn được hiểu theo khái niệm cứng là phòng học mà là không gian học. “Người học có thể học được ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, miễn là học được. Vì vậy, giáo viên không phải là người ngồi trước học sinh để giảng bài. Mà giáo viên có vai trò là người hướng dẫn, định hướng học sinh” – GS Owen Jeremy Hicks nói. Đây là thách thức đặt ra đối với giáo viên hiện nay.

Trong bài tham luận của mình, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ đến từ Viện Phát triển giáo dục và Văn hóa Việt Nam và TS Mai Văn Tỉnh, đến từ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đưa ra những khuyến cáo về những tác động của  cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xác định vai trò của giáo viên trong thế kỷ XXI. “Trong kỷ nguyên số hóa này, người thầy làm việc trong cơ sở giáo dục ĐH phải hiểu được sự khác nhau giữa “học về”  và “học để” và thực hiện cái “học để” nhằm đạt kết quả  đầu ra” – TS. Mai Văn Tỉnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo GS. Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội,  đổi mới giáo dục muốn thành công phải có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. GS. Đinh Quang Báo lấy ví dụ như Phần Lan là đất nước tự hào vì nền giáo dục đứng đầu thế giới, họ chọn 10% người giỏi nhất vào sư phạm, hay như các nước Hàn Quốc, Singapore, chỉ 20% - 30% người giỏi  được lựa chọn vào sư phạm.  Còn ở Việt Nam hiện nay, những người giỏi không lựa chọn sư phạm.

“Tôi có may mắn là giai đoạn năm 1997 – 2006 khi tôi làm hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, những ngày đó, tuyển được những sinh viên giỏi nhất vào trường. Như ngành toán của tôi, 27 điểm mới đỗ. Nhưng bây giờ, người giỏi không lựa chọn sư phạm. Thậm chí nhiều trường sư phạm còn không tuyển sinh được. Nhiều trường chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu dự kiến.  Nên bây giờ phải có chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm” – GS Đinh Quang Báo nói.

Đào tạo như y nội trú

Ngoài chính sách thu hút được người giỏi, theo GS Đinh Quang Báo, các trường sư phạm phải xây dựng được chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỷ trọng được GS. Đinh Quang Báo đưa ra là 15%  đại cương, 60% chuyên ngành và 25% nghiệp vụ sư phạm (bao gồm cả thực tập sư phạm).

“Đào tạo theo phương thức tổ chức sinh viên trải nghiệm nghề nghiệp chỉ thực hiện hiệu quả tại trường phổ thông. Các trường phổ thông thực hành cần phải được xây dựng thành các trường phổ thông liên kết phát triển nghề. Đó là cách học về dạy ngay trên thực địa, tại lớp học thực giống như bác sĩ nội trú học tại giường bệnh, trên lâm sàng”. 

GS Đinh Quang Báo

GS. Đinh Quang Báo cũng đưa ra giải pháp đào tạo giáo viên lý tưởng: mô hình quản lý hệ thống sư phạm – phổ thông. “Đào tạo theo phương thức tổ chức sinh viên trải nghiệm nghề nghiệp chỉ thực hiện hiệu quả tại trường phổ thông. Các trường phổ thông thực hành cần phải được xây dựng thành các trường phổ thông liên kết phát triển nghề. Đó là cách học về dạy ngay trên thực địa, tại lớp học thực giống như bác sĩ nội trú học tại giường bệnh, trên lâm sàng” – GS Đinh Quang Báo giải thích.

Cũng theo GS. Đinh Quang Báo, ở Việt Nam những năm 1976 – 1987 đã có mô hình đào tạo vừa học vừa làm của GS Nguyễn Khánh Toàn, tiếc rằng thời đó, vấn đề hội nhập chưa có, là giai đoạn đất nước đang thiếu giáo viên nên mô hình đó không được mặn mà.

“Các trường sư phạm hiện nay quay trở lại mô hình này rất khả thi. Sinh viên đến trường phổ thông đóng vai là một thành viên trong nhà trường, được tắm mình trong văn hóa nhà trường. Mỗi ngành đào tạo giáo viên phải có ít nhất 1 giảng viên làm việc tại trường thực hành sư phạm. Sinh viên được biên chế theo nhóm về học tại cùng một trường phổ thông và những người hướng dẫn cũng được biên chế cố định theo nhóm sinh viên. Như vậy, giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm thành ê kíp cộng tác đào tạo giáo viên” – GS Đinh Quang Báo nói thêm.

Trước đó, tại hội thảo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, khung năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm và vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường sư phạm cần thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận và nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng hiện nay trên cơ sở tiếp cận chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.

MỚI - NÓNG