Cần nhìn lại nhà giáo đại học

Cần nhìn lại nhà giáo đại học
Một vấn đề trung tâm của giáo dục (GD), đặc biệt GD đại học (ĐH), là vấn đề đội ngũ nhà giáo - có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Có một nền ĐH tốt thì mới có nền trung học tốt và nền tiểu học tốt. Những điều đạt hay không của Giáo dục hiện nay cũng từ đó mà ra.
Cần nhìn lại nhà giáo đại học ảnh 1
Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi

Trước tiên là sự quan niệm sai về vai trò của giáo sư ĐH. Người giáo sư ĐH phải đồng thời là nhà nghiên cứu. Chức vụ là như vậy,  nó gắn với nhu cầu của xã hội. Cho nên,  quan niệm giáo sư ĐH như là một  “hàm” hay một “chức danh” cao quí mà Nhà nước phong thưởng cho những cá nhân xuất sắc vì những công trình cá nhân của họ là một quan niệm không có cơ sở khoa học.

Hiện nay, có câu hỏi: “Ở ta, có quá nhiều GS, PGS không?”. Câu hỏi  không chính xác thì câu trả lời không thể đúng. Nếu giáo sư ĐH là một “hàm” hay một “chức danh”, thì ở ta quá nhiều GS (và PGS), và ở các nước khác không hề có. Nếu giáo sư ĐH là một “chức vụ”, thì ở ta quá ít.

(Nêu một thí dụ so sánh: Ở Pháp dân số ít hơn ta, số giáo sư đại học (professeurs des universités) hiện nay là 19.655, và  số maitres de conférences (một danh hiệu khó dịch ra tiếng Việt, vì bằng cấp tối thiểu là tiến sĩ và lý lịch khoa học tương đối cao) là 35.301, tổng cộng là 54.956 nhà giáo ĐH cơ hữu, không kể các phụ giảng viên cơ hữu hay giảng viên theo hợp đồng có bằng tiến sĩ hay không, giáo viên thỉnh giảng, các nghiên cứu viên thấp hay cao như loại directeurs de recherche CNRS tham gia giảng dạy một số giờ, cũng không kể các nhà giáo của hệ tư lập. Số luận án tiến sĩ bảo vệ ở Pháp là khoảng trên 1 vạn mỗi năm).

Quan niệm về giáo sư ĐH nói riêng và nhân sự nói chung tất nhiên gắn liền với cách tổ chức ĐH. Việc tách rời các viện nghiên cứu cơ bản ra khỏi các ĐH  (theo kiểu Liên Xô cũ mà các nhược điểm đã được thấy rõ) là điều bất cập, nhưng lại đang tồn tại ở ta.

Trong một xã hội trọng vọng danh hiệu như nước ta, một phần đội ngũ quản lý cũng vì chức danh mà được trao trọng trách. Kéo theo đó là tất cả các quan niệm về cách tổ chức hệ thống các trường ĐH, phần lớn quan niệm như những trường dạy nghề cao cấp, tuyển sinh quá sớm, học cơ bản chưa đủ đã chuyên vào học kỹ thuật nghề nghiệp, cho nên vào đời lao động khó cập nhật, khó đáp ứng được với nhu cầu thị trường luôn luôn thay đổi trong một khung cảnh toàn cầu hóa, ảnh hưởng đến công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp … nói chung.

Đặc biệt cũng có thể kể tới hệ thống đại học sư phạm tách rời thành một khối riêng biệt, chú trọng nhiều đến những phương pháp giảng dạy trong khi nội dung hiểu biết lại chưa tương xứng, ảnh hưởng rất nhiều đến nền giáo dục trung học, tiểu học. Nhiều điều còn lại cũng phụ thuộc vào vấn đề nhà giáo, thí dụ như câu hỏi “GD có là hàng hóa không ?” cho thấy rằng “cầu” thì có nhưng lấy đội ngũ nhà giáo nào để “cung” cho có chất lượng ?

Cho nên, hãy nhìn lại vấn đề nhà giáo đại học, quan niệm chức vụ của họ là gì, trước khi bàn về vai vế cao thấp, đánh giá theo số lượng công trình theo kiểu này hay theo kiểu kia, vv. Rồi sau đó hãy bàn đến các vế khác trong việc chấn hưng.

MỚI - NÓNG