<A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=276&amp;ChannelID=71" resizable="yes" toolbar="yes" titlebar="yes" scrollbars="yes" menubar="yes" statusbar="yes" location="yes">“Giáo sư, Phó Giáo sư - Danh hiệu hay chức vụ”</A>

Cần nhìn thẳng vào sự thật!

Cần nhìn thẳng vào sự thật!
Chúng ta hiện có khoảng 21.000 cán bộ khoa học, Thái Lan chỉ có 6.400; nhưng hiệu quả nghiên cứu khoa học của ta tụt hậu so với Thái Lan 20 năm…
Cần nhìn thẳng vào sự thật! ảnh 1
Hiệu quả nghiên cứu khoa học của ta tụt hậu so với Thái Lan 20 năm

Với chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế nước ta hiện nay (GDP tăng với một tốc độ cao so với đa số các nền kinh tế trên thế giới) chúng ta dễ lạc quan có suy nghĩ là Việt Nam đang thực sự rút ngắn khoảng cách tụt hậu phát triển của mình so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, những phân tích cụ thể các chỉ số kinh tế toàn cầu dựa trên những số liệu gần đây của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP đang cảnh báo rằng nước ta thực ra vẫn đang tụt hậu phát triển ngày một xa so với các nước phát triển của ASEAN và thế giới.

Nói riêng về lĩnh vực khoa học & giáo dục (KHGD), khoảng cách tụt hậu của Việt Nam cũng rất lớn. Đã từ lâu ta vẫn quen với những thống kê về số giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS), tiến sỹ (TS) trên đầu người như những chỉ số về sự phát triển tri thức và khoa học (KH) của đất nước. Thậm chí có ý kiến chủ quan khá phổ biến là nước ta tuy nghèo nàn lạc hậu nhưng vẫn có một nền tri thức và KH vào loại phát triển của khu vực.

Mặc dù quan điểm này không phải hoàn toàn không có cơ sở, nhưng đã đến lúc chúng ta phải “hội nhập quốc tế ” hơn trong việc đánh giá nền KHGD của đất nước. Thí dụ, cộng đồng KH thế giới đánh giá tiềm năng khoa học & công nghệ (KHCN) chủ yếu dựa vào số công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) đã được công bố trong các tạp chí KH quốc tế và số bằng phát minh sáng chế (PMSC) đã được các cơ quan bảo hộ PMSC quốc tế cấp. Trong một chuẩn mực như vậy, ta sẽ thấy ngay một nền kinh tế nghèo, lạc hậu bao giờ cũng đi kèm với một nền KHCN kém phát triển, tụt hậu xa so với quốc tế.

Theo những thống kê gần đây1, trong 5 năm vừa qua cộng đồng KH thế giới đã công bố khoảng 3,5 triệu công trình NCKH, trong đó phần đóng góp của các nhà bác học châu Âu là khoảng 37%, của Hoa Kỳ là 34% và của nhóm các nước công nghiệp phát triển tại châu á-Thái Bình Dương là 22%. Các quốc gia còn lại của thế giới, đại diện cho khoảng 70-80% dân số toàn cầu sống tại các nước nghèo đang phát triển ở các châu á, Phi và Mỹ La tinh chỉ đóng góp được khoảng 7% số công trình NCKH. Chúng ta không thể xem nhẹ những con số này khi biết rằng Hoa Kỳ cũng là nơi sản xuất ra khoảng 30-40% tổng sản phẩm kinh tế của toàn thế giới, tương đương với tỷ lệ các công trình KH do các nhà bác học Mỹ đã công bố (chưa nói, nếu kể tới số các nhà bác học đã đoạt giải thưởng Nobel khoa học trong những năm qua hoặc số các bằng PMSC đã được cấp thì tỷ lệ áp đảo sẽ nghiêng về Mỹ). 

Ngoài ra lĩnh vực giáo dục & đào tạo (GDĐT) của Mỹ, mặc dù bị chi phối bởi một nền kinh tế thị trường lớn nhất thế giới, phải trải qua một quá trình kiểm tra sát hạch chất lượng giảng dạy, đào tạo và NCKH rất khắt khe hàng năm, nhưng các kết quả kiểm tra và thứ tự xếp hạng của các trường đại học (ĐH) luôn được công bố rộng rãi, nhờ đó mà chất lượng giáo dục ĐH của Mỹ luôn được duy trì ở mức rất cao, thực sự đóng góp đào tạo các chuyên gia đầu ngành tầm cỡ quốc tế cho các ngành KHCN khác nhau.

Thực tế cho thấy ở đâu có nền kinh tế phát triển cao thì ở đó cũng là nơi có nền KHGD phát triển. Một số các nhà KH có tâm huyết với sự nghiệp phát triển KH của nước ta cũng đã từng tiến hành những thống kê số các công trình KH đã công bố của cộng đồng các nhà KH Việt Nam [2] và thấy rằng sự tụt hậu của chúng ta hiện vẫn rất lớn. Thí dụ, trong số lượng và chất lượng công trình KH công bố trên các tạp chí quốc tế thì Việt Nam còn đứng sau Thái Lan khoảng 20 năm (không có gì là ngạc nhiên nếu ta biết rằng về tổng sản phẩm quốc nội GDP khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với Thái Lan cũng là khoảng 20 năm2.

Rất có thể khoảng cách này đang có khuynh hướng trở nên ngày một xa hơn trong tình hình phát triển hiện nay của khu vực. Ngoài các nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân chủ quan đưa đến tình trạng tụt hậu này là chúng ta vẫn chưa thực sự có được một cơ chế xây dựng nhân lực KHGD đúng đắn và hợp lý. Có lẽ đây là một lĩnh vực cần có nhiều thay đổi gấp và chúng ta phải xây dựng được càng sớm càng tốt một cơ chế đánh giá và tuyển chọn nhân lực KHGD theo chuẩn mực quốc tế.

Trong lĩnh vực KHCN hiện chúng ta có một số lượng cán bộ KH khá lớn, khoảng 21.000 người so với khoảng 6400 người làm KHCN của Thái Lan [2], trong khi về hiệu quả NCKH ta lại tụt hậu so với Thái Lan khoảng 20 năm. Với ranh giới giữa các công việc hành chính và NCKH không rõ ràng như hiện nay ta khó mà xác định được bao nhiêu người trong số 21.000 cán bộ KH trên đang thực sự tham gia NCKH.

Ngoài ra, tiêu chí để thuyên chuyển, nâng ngạch công chức của cán bộ KHCN vẫn dựa vào thâm niên “ngồi lâu lên lão làng” là chính và không có tiêu chí cao về năng lực chuyên môn, thí dụ như đối với nghiên cứu viên (NCV) cao cấp (chức danh cao nhất trong ngạch công chức NCKH) chỉ là 5 công trình hoặc đề tài KH đã được hội đồng KHCN các cấp nghiệm thu (không nhất thiết phải là công trình đã công bố ở các tạp chí KH). Do đó, hiện không ít các vị trí NCV chính và NCV cao cấp đang thuộc về những người hoặc không có năng lực NCKH hoặc đã chuyển sang làm công việc hành chính thuần tuý từ lâu. Một hiện trạng tương tự cũng dễ thấy trong việc phong chức danh GS và PGS của Việt Nam3.

Cùng với những quan niệm chưa đúng với chuẩn mực quốc tế về chức vụ và danh hiệu mà Cụ Lê Văn Giạng và GS Nguyễn Văn Đạo đã nêu  ra, những bất cập trong việc phong chức danh GS và PGS đang đưa đến một nghịch lý là trong khi Việt Nam đứng đầu khối ASEAN về số lượng GS, chất lượng GDĐT và NCKH của các trường ĐH Việt Nam lại tụt hậu so với các nước láng giềng từ 30 đến 50 năm. Cùng với ranh giới không rõ ràng giữa các công việc quản lý hành chính và giảng dạy, hiện rất khó mà xác định được bao nhiêu người trong số các GS của Việt Nam đang thực sự tham gia công việc GDĐT.

Hơn nữa ở Việt Nam chúng ta thường coi trọng phần danh hiệu của một chức danh GS, ít quan tâm đến trách nhiệm và công việc thực sự đằng sau chức vụ đó nên chúng ta vẫn chưa có một cơ chế để sát hạch và bãi miễn chức danh công chức trong KHGD. Kết quả là số lượng GS, PGS và TS vẫn đang gia tăng trong khi sự tụt hậu của KHGD Việt Nam so với thế giới lại đang ngày một xa hơn. Nhìn sang các nước công nghiệp phát triển ta thấy ngay rằng, một vị trí GS ở một trường ĐH không chỉ đòi hỏi khả năng giảng dạy giỏi mà còn đòi hỏi đối tượng phải là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực KH gắn với vị trí GS đó, để đáp ứng được những yêu cầu cao của NCKH và GDĐT.

Hoàn toàn tương tự đối với vị trí công chức có chức danh tương tự như NCV cao cấp của ta ở các Viện hoặc Phòng thí nghiệm quốc gia ở các nước phát triển, đó cũng phải là chuyên gia đầu ngành có khả năng lãnh đạo một tập thể các nhà KH, độc lập chủ trì những đề án NCKH lớn. Chính vì lý do đó, việc tuyển chọn (và bãi nhiệm) nhân sự cho các vị trí quan trọng này, mà thường được đãi ngộ cao từ ngân sách GDĐT và NCKH của Trường hoặc Viện, phải dựa trên những tiêu chí khắt khe và cạnh tranh nhất cho năng lực chuyên môn.

Thường các vị trí này được đưa ra tuyển chọn công khai với những yêu cầu như (ngoài thâm niên tối thiểu trong lĩnh vực KHGD) nhân sự phải có nhiều công trình KH chất lượng cao đã công bố trong 5 năm gần nhất ở các tạp chí KH quốc tế, cùng với thư giới thiệu của ít nhất 3 nhà KH đầu ngành tầm cỡ quốc tế... Chúng tôi muốn nhấn mạnh chữ tuyển chọn bởi vì một vị trí GS bao giờ cũng gắn liền với ngân sách GDĐT và NCKH của một trường ĐH và vì thế trường ĐH giữ quyền trực tiếp tuyển chọn người xứng đáng nhất vào vị trí GS đó, nhà nước nắm quyền quản lý vĩ mô GDĐT, NCKH và không đứng ra tiến hành phong chức danh GS hay PGS như Việt Nam đã và đang làm.

Đã đến lúc nhà nước ta phải có những thay đổi cơ bản trong cơ chế đánh giá và tuyển chọn nhân lực cho các chức danh KHGD dựa trên các kinh nghiệm và phương pháp đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, làm sao cho năng lực giảng dạy và nghiên cứu KH phải gắn bó với công việc thực sự của mỗi chức danh KHGD.  

Tài liệu tham khảo

1.Ahmed Zewail, “Global science and global peace”, Tạp chí Europhysicsnews số 35/1, 2004, trang 9.

2.Phạm Duy Hiển, “Việt Nam công bố bao nhiêu công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế”, Tạp chí Vật Lý Ngày Nay số 2 (61) tháng 4-2004 (Hội Vật Lý VN), trang 1.

3.Phóng sự “Quá nhiều giáo sư, nước vẫn nghèo”, Báo Lao Động cuối tuần số 95/2004, ngày 4-4-2004.

MỚI - NÓNG