'Chẩn bệnh' cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Trình độ cao, kỹ năng kém?

Tình trạng sinh viên, thạc sĩ thất nghiệp chiếm số lượng khá lớn tại Việt Nam (Ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý
Tình trạng sinh viên, thạc sĩ thất nghiệp chiếm số lượng khá lớn tại Việt Nam (Ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý
TP - Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Con số này một lần nữa lại được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại phiên chất vấn Quốc hội vừa qua. Nguyên nhân do đâu? Các chuyên gia về nhân sự và giáo dục cùng mổ xẻ vấn đề này với PV báo Tiền Phong.

Bà Trần Thu Hương, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, công ty TNHH Shihen Việt Nam cho biết 5 năm trở lại đây, sinh viên mới ra trường về cơ bản đã trang bị cho mình vốn ngoại ngữ tối thiểu để viết được  CV (hồ sơ xin việc), đủ giới thiệu khái quát về bản thân. “Nhưng chỉ dừng ở đó, số đông chưa thể trao đổi hoàn toàn bằng ngoại ngữ trong 1 buổi phỏng vấn. Các kiến thức học tại trường gần như chưa đủ để đáp ứng công việc. Ví dụ như, công ty mình là lĩnh vực điện tử, nhiều ứng viên học điện tử, tỏ ra rất hiểu biết (kiểu như em mở tung điện thoại ra, sửa được main điện thoại) nhưng khi công ty đưa cho một bản mạch, yêu cầu đọc tên các linh kiện gắn trên đó, các mạch cấu thành, dòng điện đi theo hướng nào... thì chịu” – bà Hương cho hay.

Phân tích về tình trạng sinh viên, thạc sĩ thất nghiệp chiếm số lượng khá lớn tại Việt Nam, PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng vừa qua, dư luận chưa công bằng khi “đổ” nguyên nhân thất nghiệp tại các trường đào tạo. Theo ông Vinh, một trong những nguyên nhân  quan trọng là do sự phát triển của kinh tế xã hội. Doanh nghiệp mở ra ít, đóng cửa nhiều nên việc làm mới không có.

“Bây giờ nguồn thu của các trường chủ yếu phụ thuộc vào học phí. Có nhiều trường đã tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu. Điều cốt yếu là chúng ta đang thiếu dự báo chính xác nhu cầu nguồn nhân lực, thiếu quy hoạch tổng thể”.      

           PGS Đoàn Quang Vinh, ĐH Đà Nẵng

Trong khi đó, tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chất lượng giáo dục ĐH đang là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, các số liệu đánh giá khác nhau, nhưng ngay tổ chức năng suất châu Á Thái Bình Dương làm việc với chúng ta có lần nói, nhìn chung ở Việt Nam trình độ càng cao thì kỹ năng so với mặt bằng thế giới càng kém. Nếu phân làm 3 tầng  thì những người quản lý cao, tức là trình độ cao nhất thì có tới 80% số nhân lực của Việt Nam khi các công ty đa quốc gia đăng tuyển đánh giá chưa đạt yêu cầu, phải bồi dưỡng tiếp. Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao nhưng làm trực tiếp thì tỷ lệ này tùy từng ngành nghề từ 40-60% chưa đạt yêu cầu phải đào tạo bổ sung. Điều đáng ngạc nhiên là những người lao động kỹ thuật đơn giản thì chỉ có khoảng 20% cần phải đào tạo tiếp.

Thiếu quy hoạch, dự báo tổng thể

Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, PGS Đoàn Quang Vinh, ĐH Đà Nẵng cho rằng hiện đang có một thực tế là tốc độ đào tạo của nhà trường lớn hơn tốc độ xã hội cần. “Bây giờ nguồn thu của các trường chủ yếu phụ thuộc vào học phí. Có nhiều trường đã tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu. Điều cốt yếu là chúng ta đang thiếu dự báo chính xác nhu cầu nguồn nhân lực, thiếu quy hoạch tổng thể” – ông Vinh cho hay. Mặt khác, theo ông Vinh, không chỉ các trường phải đáp ứng nhu cầu xã hội mà bản thân sinh viên cũng phải đáp ứng nhu cầu xã hội. Với các doanh nghiệp, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng không mong họ chủ động tìm đến trường mà chỉ mong họ sẵn sàng giúp khi trường cần.

Trong khi đó, bà Trần Thu Hương, công ty TNHH Shihen Việt Nam cho rằng các trường ĐH đào tạo chuyên ngành rộng quá. Các trường nghĩ tạo ra khoa có lĩnh vực đào tạo rộng để tạo điều kiện cho sinh viên dễ tìm việc, nhưng xét về khía cạnh nhà tuyển dụng, thì các doanh nghiệp lại cần người chuyên môn sâu. Còn với các kỹ năng mềm, bà Hương cho rằng  mỗi năm, các trường nên gửi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp 1 tháng  thôi, chỉ cần đến mà xem cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Đồng ý với ý kiến của PGS Đoàn Quang Vinh, GS,VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội  đưa ra ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay. Ở cấp vĩ mô nhất là phụ thuộc vào sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế, kinh tế không tăng trưởng thì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Vì vậy, sinh viên thất nghiệp là đương nhiên, chưa kể họ không có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai việc sinh viên tốt nghiệp không có việc làm phải được đánh giá một cách chính xác hơn. Nguyên nhân thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Chất lượng đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bởi vậy, điều này cũng tác động đến chuyện sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.

Theo GS,VS Đào Trọng Thi, hai nguyên nhân có thể giải quyết được đó là chất lượng nguồn nhân lực và tăng hiệu quả tính dự báo của thị trường lao động. Các trường ĐH cũng đã nhận thức được vấn đề này nhưng cần thời gian để có chuyển biến rõ rệt. Còn hiệu quả dự báo, GS Đào Trọng Thi cho rằng, quy hoạch nguồn nhân lực của Việt Nam cần chi tiết hơn, cụ thể hơn. Nếu quy hoạch tốt sẽ giải quyết được những bất cập trong nội bộ nguồn nhân lực của đất nước. 

“Quy hoạch nguồn nhân lực không phải là nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.  Đơn vị trực tiếp nhất là Bộ LĐTB&XH, vì đây là đơn vị phụ trách điều phối theo dõi việc làm, thị trường lao động.  Nhưng vẫn cần sự phối hợp của các bộ khác. Công tác này phải có sự thống nhất chỉ đạo của chính phủ và do tất cả các bộ ngành cùng phối hợp làm. Từ quy hoạch nguồn nhân lực mới ra được quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành giáo dục và ngành LĐTB&XH” - GS,VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp

Chiều 2/12, Bộ LĐ-TB&XH công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2016. Đáng chú ý, bản tin lần đầu cập nhật về biến động của lực lượng lao động theo từng khu vực sở hữu.

 Theo đó, tổng số lao động trong khu vực nhà nước quý 3 giảm hơn 187.000 người so với quý 2, và giảm 184.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giảm mạnh nhất là người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (giảm 124.000 người so với quý 2), tổ chức nhà nước giảm 49.000 người…

Trong khi đó, lao động làm việc trong cơ quan lập pháp, tư pháp dù quý 3 giảm 43.000 người so với quý 2, nhưng lại tăng tới 83.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả của quá trình tinh giản biên chế, và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính hết quý 3/2016, Việt Nam có 54,43 triệu lao động, trong đó chiếm 20,9% là lao động có bằng cấp từ 3 tháng trở lên. Cùng thời gian, cả nước có hơn 1,11 triệu lao động thất nghiệp, tăng tới 29.000 người so với quý trước đó.      

Lê Hữu Việt

MỚI - NÓNG