Chọn môn thi THPT quốc gia 2015: Sử-Địa lép vế, Lý-Hóa lên ngôi

Ngoài việc thí sinh nộp ảnh gốc, năm nay phải nộp thêm ảnh file mềm để đăng tải lên hệ thống (ảnh minh họa: giám thị kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi ĐH,CĐ 2014).
Ngoài việc thí sinh nộp ảnh gốc, năm nay phải nộp thêm ảnh file mềm để đăng tải lên hệ thống (ảnh minh họa: giám thị kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi ĐH,CĐ 2014).
TP - Ngày 1/4, theo quy chế, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia, nhưng nhiều trường THPT trên cả nước vẫn chưa có thí sinh đăng ký hồ sơ. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, năm nay, các môn xã hội tiếp tục lép vế, thậm chí nhiều trường không có thí sinh nào đăng ký thi môn Sử và Địa lý.

Chưa vội nộp hồ sơ

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú (TPHCM) cho biết, kết thúc ngày đầu tiên nhận hồ sơ thí sinh nhưng nhà trường vẫn chưa nhận được hồ sơ nào.

Theo ông Độ, nguyên do của việc chưa nộp hồ sơ là thí sinh chưa muốn vội vàng, vẫn còn nhiều lúng túng trong việc chọn môn thi, thủ tục thi. Cụ thể, về thủ tục, nhiều học sinh vẫn chưa có giấy chứng minh nhân dân (CMND) nên nhà trường tạo điều kiện cho thí sinh về nhà làm giấy tờ. Bên cạnh đó, học kỳ 2 các em vẫn chưa thi xong nên tâm lý vẫn chưa thoải mái để làm hồ sơ.

“Làm hồ sơ đăng ký dự thi là việc làm quan trọng nên cần phải có sự đồng thuận từ học sinh lẫn cả gia đình, vì thế, trường không vội vàng cho học sinh làm hồ sơ ngay mà để các em có thời gian nghiên cứu, tránh các sai sót hay sửa đổi sau khi làm hồ sơ”.

Ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 (TPHCM)

Ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 (TPHCM) cho biết, theo quy chế thì 1/4 bắt đầu nhận hồ sơ của học sinh nhưng nhà trường vẫn khuyến cáo học sinh không nên vội vàng đăng ký.

Theo ông Giang, ngay khi nhận được hồ sơ đăng ký dự thi từ Sở GD&ĐT TPHCM, nhà trường đã photo cho học sinh, giáo viên mỗi người một bản để nghiên cứu đồng thời dự kiến dành khoảng 1 tuần để các em lựa chọn. “Làm hồ sơ đăng ký dự thi là việc làm quan trọng nên cần phải có sự đồng thuận từ học sinh lẫn cả gia đình, vì thế, trường không vội vàng cho học sinh làm hồ sơ ngay mà để các em có thời gian nghiên cứu, tránh các sai sót hay sửa đổi sau khi làm hồ sơ”, ông Giang nói.

Đồng tình với Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, quận 2 (TPHCM) cho biết : ngoài việc phát hồ sơ để học sinh nghiên cứu, sắp tới nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn phụ huynh và học sinh đăng ký thủ tục dự thi, hạn chế các sai sót, nhầm lẫn…

Tương tự, các trường THPT tại Hà Nội hôm qua cũng hầu như chưa có thí sinh nào nộp hồ sơ. Một cán bộ tuyển sinh tại một trường THPT ở Hà Nội cho biết: Tới thứ Bảy, ngày 4/4 mới có hoạt động đầu tiên là tập huấn về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường có 0% thí sinh thi Sử, Địa

Tuy chưa nhận được hồ sơ nào từ học sinh đăng ký dự thi nhưng theo khảo sát sơ bộ, học sinh nhiều trường THPT tại TPHCM tiếp tục chọn các môn tự nhiên, bỏ qua môn xã hội.

Tại Trường THPT Thành Nhân, ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm nay trường không có học sinh nào chọn thi môn Sử và Địa lý. Cụ thể, trường có 200 học sinh lớp 12 nhưng có đến 80% học sinh chọn thi môn Lý; 12% học sinh chọn môn Hóa; 8% học sinh chọn môn Sinh và 0% học sinh chọn hai môn Sử và Địa lý.

Bà Phạm Thị Thúy Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 9 cho biết, năm học này nhà trường có 340 học sinh lớp 12, trong đó có 60% học sinh chọn môn Hóa, 40% chọn thi môn Địa và Vật lý còn lại chỉ khoảng 10% học sinh chọn môn Sử, 8% chọn môn Sinh để dự thi.

“Việc chọn môn thi đã được nhà trường dự đoán từ trước bởi ngay từ đầu năm học, trường đã tạo điều kiện để thí sinh chọn ban học và khối thi, từ đó định hướng để giáo viên ôn tập cho học sinh”, bà Vinh nói.

Tương tự, Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) cũng có rất ít học sinh dự thi chọn các môn xã hội mà tập trung vào môn tự nhiên. Ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm cho biết, theo khảo sát sơ bộ trong số 450 học sinh lớp 12 đăng ký môn tự chọn môn thi chỉ có khoảng 5% học sinh chọn môn thi Sử, có khoảng 50 - 60% học sinh chọn môn tự chọn là Lý và Hóa, các môn khác như Sinh và Địa lý chiếm tỷ lệ ở mức trung bình. Trường THPT Nhân Việt có 120 học sinh lớp 12 thì chỉ có 3,1% số em chọn môn Sử; 14,3% chọn môn Địa; môn Lý  33,7%; Hóa 40,8%; Sinh 6,1%.

Tại Hà Nội, tới hôm qua Trường THPT Việt Đức mới chỉ biết được những con số tương đối khảo sát được từ trong tháng 3: 656/648 học sinh của trường thi với mục đích vào ĐH, chỉ có 8 thí sinh thi với mục đích tốt nghiệp. 452 thí sinh chọn thi thêm môn Vật lý, 234 -Hóa học, 175-Địa lý, 49- Sinh học và chỉ có 22 thí sinh chọn thi môn Lịch sử. Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, nói: tổ hợp các môn thi thuận lợi cho thí sinh và các em tập trung vào các môn thi tự nhiên nhiều hơn xã hội, nhiều nhất là Vật lý và ít nhất là Lịch sử;  không có học sinh thi cả 8 môn; thí sinh thi nhiều nhất là 5 môn và cũng có rất ít em chọn thi nhiều môn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.