Chưa bộ nào quản lý dạy nghề

Chưa bộ nào quản lý dạy nghề
TP - Chiều 27/11, Quốc hội (QH) thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp. Khi thảo luận, dự án luật đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm này cho cơ quan cụ thể nào của Chính phủ thì ý kiến đại biểu còn khác nhau và đề nghị có sự nghiên cứu, cân nhắc trước khi quyết định. 

Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu QH về vấn đề này. Trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (tỷ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ LĐ, TB&XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99/336 phiếu (29,4%) đề nghị giao cho Bộ GD&ĐT... Ý kiến đại biểu về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu QH nhất trí. 


Do vậy, QH đã giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật Dạy nghề hiện hành là: Giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Hiện nay giáo dục nghề nghiệp bị phân tách thành hai bộ phận do hai bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ LĐ, TB&XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp và cao đẳng nghề; Bộ GD&ĐT quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. 

Điều này dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực; gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo; trùng lặp về ngành nghề đào tạo; khác biệt trong xây dựng chương trình đào tạo dẫn tới khó khăn trong liên thông. 

Dự thảo luật quy định Bộ LĐ,TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên không được quá bán đại biểu QH tán thành.

MỚI - NÓNG