Chưa chốt phương án một kỳ thi quốc gia năm 2015

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị sáng 29/7. Ảnh: Như Ý
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị sáng 29/7. Ảnh: Như Ý
"Bộ GD-ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi; có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn”.

Dự hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014, sau khi nghe thảo luận về các phương án cho "một kỳ thi THPT quốc gia", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói như vậy.

Sáng 29/7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm học tới. Bộ GD-ĐT đã công bố 3 phương án tổ chức kì thi quốc gianhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào các đại học-cao đẳng-TCCN để trưng cầu ý kiến.

Việc xét tốt nghiệp sẽ dựa trên kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi) sẽ không còn.

Đáng chú ý nhất là bản dự thảo phương án "một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia" đưa ra các phương án khác nhau về môn thi. Với phương án "thi theo môn", thì sẽ có 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Với phương án thi theo "5 bài thi", thì 8 môn Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý sẽ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi: Toán, bài thi Ngữ văn, Ngoại ngữ,Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Với phương án "thi theo 4 bài", 11 môn học sẽ được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: Toán – Tin, Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ.

Điểm chung của các phương án do Bộ GD-ĐT công bố là kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ thực hiện ngay vào năm 2015.

Tại hội nghị, ngoài sự hiện diện của giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành trên cả nước còn có sự xuất hiện của lãnh đạo nhiều tỉnh thành. Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện nhiều bộ, ban ngành.

Chưa thể chốt

Là tỉnh miền núi nên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt cho rằng nên sử dụng phương án 1.

Nếu làm ngay học sinh, giáo viên khu vực miền núi sẽ khó khăn với phương án tích hợp liên môn

Đồng tình với phương án 1, ông Bùi Đức Cường, Giám đốc sở GD-ĐT Thái Nguyên cho rằng thi theo phương án này phù hợp tình hình thực tế ở các địa phương..

Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cũng nghiêng về phương án này. Ông cho rằng đổi mới thì các trường phổ thông cần có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị, điều chỉnh. Kết hợp với đổi mới ra đề thi như năm 2014, vẫn sẽ có những chuyển biến tích cực đảm bảo mục tiêu đặt ra của kì thi quốc gia.

Phương án 2 có nhiều ưu điểm nhưng theo ông Sơn tới 2016 khi đã chuẩn bị kĩ thì mới nên thực hiện.

Phương án 3 là phương án tiếp nối phương án 2 nhưng phải sau một thời gian thực hiện kì thi quốc gia, có tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thận trọng.

Trong khi đó Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nghiêng về phương án 2 và cho rằng có thể thực hiện ngay trong năm 2015.

Theo ông Minh, việc Bộ đề xuất theo hướng “thi theo bài” cũng đặt ra các bước ban đầu sẽ chỉ tổng hợp câu hỏi của các môn khác nhau trong bài thi tổng hợp liên môn. Chỉ sau khi việc dạy học ở bậc phổ thông đã điều chỉnh thì đề thi mới ra theo các câu hỏi mang tính tổng hợp, vận dụng kiến thức liên môn. Vì vậy sẽ không lo bị xáo trộn như lo lắng của nhiều người.

Ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng phương án 2 là hay nhưng thực hiện ngay từ 2015 e hơi vội. Vì thế trước mắt nên thực hiện phương án 1 trong một năm, sau đó, khoảng năm 2016 thì thực hiện phương án 2 và sau năm 2020 thì thực hiện phương án 3.

Để thực hiện đổi mới kì thi quốc gia tốt cũng cần nhanh chóng có những điều chỉnh mạnh ở tuyển sinh ĐH-CĐ, xóa bỏ việc thi thi theo khối. Với phương án 1 mà Bộ GD-ĐT đề xuất thi mục đích này vẫn có thể thực hiện được ngay trong năm sau mà không gây xáo trộn cho nhà trường và người học.

Giám đốc sở GD-ĐT Kiên Giang lo lắng việc khi các lãnh đạo đến họp mới được phát phương án để thảo luận, hơn 1 tiếng đồng hồ sau được yêu cầu phát biểu để lựa chọn theo hướng nào là không khả thi.

Tương tự, ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho rằng về lâu dài có thể chọn phương án 2, nhưng trước mắt nên chọn phương án 1 cho phù hợp tình hình thực tế.

Về lâu dài khi đã đổi mới chương trình, SGK theo hướng tích hợp thành công thì tiến tới triển khai phương án 2.

Trong khi đó, Giám đốc sở GD-ĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho rằng việc bộ phát phương án cho đại biểu khi đến dự rồi sau hơn 1 tiếng yêu cầu phát biểu chọn phương án là không khả thi. “Chúng tôi sẽ về lấy ý kiến thầy cô, học sinh,..đến tháng 8 mới có thể gửi phương án lựa chọn về cho bộ” – bà Giang cho hay.

Cũng theo bà Giang nếu theo phương án nào thì ngoại ngữ không nên là môn bắt buộc khi trình độ dạy - học môn này không đồng đều và nên để nơi nào làm tốt thì tự nguyện triển khai.

Chưa chốt phương án một kỳ thi quốc gia năm 2015 ảnh 1 Ảnh: Như Ý
Làm quyết liệt nếu đổi mới có lợi cho xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng mọi đổi mới nếu có lợi cho xã hội, khó khăn cho ngành giáo dục thì vẫn nên làm.

Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiệm cận được với mục tiêu đổi mới, thì phải quyết tâm và phải đổi mới quyết liệt, đi đến cùng.

Theo Phó Thủ tướng đổi mới thi cử phải gắn liền với đổi mới chương trình, SGK trong tương lai.

Phương án 1 và 2 thực chất là một phương án, không bắt học sinh thi hết các môn. Phương án 3 là “học gì thi nấy”. Phương án 1 và 2 chỉ khác nhau ở chỗ thi theo môn và thi theo bài. Các bài liên môn hiện tại chưa có tích hợp mà chỉ tổng hợp kiến thức các môn học. Vì thế, chưa có gì trái với chương trình hiện tại.

“Bộ GD-ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi, có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết những phương án đưa ra hiện mới dừng ở mức thảo luận, tiếp thu ý kiến. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, phân tích để có cơ sở quyết định phương án cuối cùng.

Theo Văn Chung
Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.