Chuyện buồn của giám đốc bệnh viện phụ sản vào một tiết học cấp 2

Chuyện buồn của giám đốc bệnh viện phụ sản vào một tiết học cấp 2
TPO - Xâm hại tình dục trẻ em chưa bao giờ nóng như hiện nay. Những sự việc đau lòng vẫn hàng ngày được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một tiết học về sức khỏe sinh sản vị thành niên được trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội tổ chức vừa qua đối với học sinh 2 lớp 8 của trường cho thấy giáo dục giới tính trong nhà trường vô cùng quan trọng.

Được chuyên gia chia sẻ một cách trực tiếp các vấn đề liên quan đến giới tính như tình dục an toàn, độ tuổi nào mới được quan hệ tình dục... học sinh của trường THCS Chu Văn An lúc đầu còn rụt rè, thậm chí có lúc còn căng thẳng nhưng sau đó, các em đều sẵn sàng “mở lòng” để thắc mắc những điều mình còn vướng mắc.

Một câu chuyện buồn

Cô Nguyễn Thị Bích Lại, giám đốc trung tâm phát triển kỹ năng xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, diễn giả của tiết học đã rất khéo léo khi lồng ghép kiến thức về giới tính với những câu chuyện mà cô là người được trải nghiệm. Đó là câu chuyện của một bạn gái ở Sóc Sơn hay câu chuyện của gia đình một tiến sĩ.

Nhưng có lẽ, câu chuyện buồn nhất trong tiết học ngày hôm đó chính là câu chuyện của Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Ánh cho biết trong cuộc đời “hành nghề” của mình tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ nhỏ tuổi nhất từng sinh con tại bệnh viện đó là một sản phụ 13 tuổi. Do không được gia đình quan tâm, nên đến khi gần sinh gia đình mới biết. Chính vì vậy, cháu đã phải sinh mổ.

“Cơ thể của một cô bé 13 tuổi đã bị vắt kiệt sức trong suốt quá trình mang thai. Đến khi sinh, phải mổ. Chứng kiến những đau đớn của một đứa trẻ, ai cũng xót xa” – bác sĩ Ánh kể. Từ câu chuyện thực tế, bác sỹ Ánh mong muốn các em hãy ghi nhớ những bài học về sức khỏe sinh sản để tự bảo vệ mình.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Lại trình bày cho các em học sinh biết quy tắc bàn tay và quy tắc không chạm vào đồ lót để giúp các em có thể nhận biết được những hành vi xấu, xâm hại đến mình.

“Quy tắc bàn tay là quy tắc đã được cả thế giới áp dụng. Đó là gần mình nhất (ngón cái) chính là bố mẹ, là người thân yêu nhất nên có thể thoải mái. Nhưng cũng phải hết sức chú ý khi đã lớn cũng không nên quá gần. Ngón thứ hai là ngón trỏ, chính là thầy cô, anh chị em ruột cũng gần nhưng không sát, ngón thứ ba là bà con hàng xóm, ngón thứ tư là người quen, ngón thứ năm là người xa lạ.” – bà Nguyễn Thị Bích Lại chia sẻ.

Bà cũng đưa ra quy tắc không chạm vào đồ lót. Theo đó, ngoài trường hợp bắt buộc phải gặp bác sĩ, nhân viên y tế để khám chữa bệnh, các em tuyệt đối “không cho ai nhìn vào, chạm vào, sờ vào, giao hợp vào khu vực mặc đồ lót trên cơ thể.

“Kể cả người khác yêu cầu mình nhìn, chạm vào khu vực đồ lót của họ cũng không được. Đó là một trong những hành động thể hiện sự xâm hại tình dục” – bà Lại nhấn mạnh thêm.

Với cương vị là một chuyên gia nhưng cũng là một phụ huynh, bà Lại cho rằng, bộ phận sinh dục của các em vị thành niên cũng giống như một cái cây non, cần được chăm sóc, bảo vệ. Nếu chẳng may bị tổn thương, nó sẽ để lại những “vết sẹo” không bao giờ xóa được. Do đó, bà Lại cho rằng ở lứa tuổi từ 10 -17, dù có tình yêu tuổi học trò cũng tuyệt đối không được quan hệ tình dục.

Trường học phải là nơi an toàn

Dự tiết học từ đầu đến cuối, ông Lê Hồng Vũ, trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ, cho biết đây là chuỗi hoạt động nằm trong chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS.

“Trong giáo dục kỹ năng sống có truyền thông, hoạt động trải nghiệm trong ngoài nhà trường. Trong đó có cả giáo dục kỹ năng, hiểu biết về giới tính. Chúng tôi muốn xây dựng tiết học để giáo viên các trường THCS đến học tập, tham khảo cách làm. Các trường trên toàn quận đều triển khai CLB vị thành niên để giáo dục giới tính. Không để mất bò mới lo làm chuồng. Lớp 8, 9 học sinh đang chuyển từ thiếu niên sang thanh niên nếu không giáo dục tốt, được trải nghiệm kiến thức về giới tính thì sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt học tập hàng ngày” – ông Vũ cho hay.

Cũng theo ông Vũ, vừa qua, vấn đề xâm hại tình dục đối với trẻ đáng báo động. Có nguyên nhân xuất phát từ gia đình,  từ xã hội và chính bản thân các cháu. Đó chính là sự  thiếu hiểu biết, các cháu không biết như thế là vi phạm pháp luật, như thế là xấu để tố cáo. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng là cần thiết nhưng làm thế nào để trường học thực sự là nơi an toàn nhất, học sinh có những sân chơi lành mạnh là điều cần thiết, đáng quan tâm.

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, cho biết thêm việc giáo dục giới tính từ trước tới nay vẫn được nhà trường lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa hoặc các giờ học như giáo dục công dân, sinh học… Tuy nhiên, sau các vụ xâm hại tình dục nổi lên gần đây cho thấy, chỉ lồng ghép sẽ không đủ. Các em cần được các chuyên gia tư vấn, giải đáp các kiến thức, kỹ năng này một cách trực diện và chuyên sâu.

Năm 2015 - 2016, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thẩm định nội dung, hỗ trợ tài chính và phối hợp với Trung tâm Phát triển kỹ năng xã hội triển khai chương trình “Chăm sóc sức khỏe sinh sản Vị thành niên” tại 30 trường học trên địa bàn Hà Nội, đồng thời biên soạn cuốn “Cẩm nang chăm sóc sức khỏe sinh sản Vị thành niên – tài liệu dành cho cha mẹ”.

Hơn 12.000 học sinh của 60 trường THPT đã được trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, gợi ý kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý tuổi dậy thì; vấn đề khó nói của các em trong tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục đã được tư vấn giải đáp tận tình; Các em được chia sẻ kỹ năng phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, đối phó với tệ nạn xâm hại tình dục và phòng tránh HIV/AIDS.

Khoảng 200 giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn sinh học, môn giáo dục công dân và cán bộ y tế nhà trường đã được nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ năng truyền thông mới và hấp dẫn.

MỚI - NÓNG