Chuyển cao đẳng, trung cấp sang Bộ LĐ-TB&XH: Nhiều trường kêu gặp khó

Chuyển cao đẳng, trung cấp sang Bộ LĐ-TB&XH: Nhiều trường kêu gặp khó
TP - Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TPHCM ngày 16/1, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay mạng lưới giáo dục nghề nghiệp có 1.989 cơ sở và tất cả các tỉnh, thành phố đều có trường trung cấp, cao đẳng (CĐ-TC). T

Tuy nhiên, theo Bộ này việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu đề ra. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chương trình đào tạo nhiều nội dung còn mang tính hình thức, cơ sở vật chất hạn chế, chất lượng đào tạo còn thấp… Nhiều đại biểu cho rằng chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp - Báo cáo từ Bộ  LĐ-TB&XH cho hay.

Tại hội nghị, đại diện nhiều trường bày tỏ lo ngại việc chuyển giao các trường CĐ-TC từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường cao đẳng Viễn Đông cho rằng, nhiều trường đang gặp khó về việc xác định chỉ tiêu, mở ngành, đào tạo giáo viên, liên thông… Bà Lê Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng trường trung cấp Y dược Lê Hữu Trác than: “Thời gian qua chúng tôi tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, gửi đơn kiến nghị đến các ban ngành trung ương nhưng đến nay vẫn không một lời giải thích. Chúng tôi rất lo lắng và hiện tại đang phải giảm lương, thắt lưng buộc bụng…”.

Trước những lo lắng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH có văn bản giải thích rõ với các trường đồng thời cho rằng dù đã chuyển giao cho Bộ LĐ-TB&XH nhưng Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để ban hành các văn bản, chính sách. “Việc chuyển giao này chỉ có thuận lợi hơn cho các trường chứ không phải gây thêm khó khăn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ngoài ra, ông Đam cũng nêu lên một thực trạng vô lý hiện nay là nhiều trường không tuyển sinh được, mỗi năm chỉ tuyển vài chục em học sinh nhưng lại có cơ sở hoành tráng, được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng trong khi trường đông học sinh thì cơ sở lại hạn chế. “Sắp tới chúng ta phải tự chủ, cương quyết không duy trì bao cấp. Tự chủ phải cho người ta toàn quyền tổ chức bộ máy quản lý, lập phòng nào, ban nào, đề bạt ai phải để họ quyết định nhưng không đồng nghĩa với cắt tiền ngân sách mà có lộ trình cụ thể”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

MỚI - NÓNG