Cô giáo đam mê sáng tạo đồ chơi cho trẻ

Cô Lê Thị Hiền Hảo đang hướng dẫn trẻ cùng chơi Bộ đồ chơi lý thú.
Cô Lê Thị Hiền Hảo đang hướng dẫn trẻ cùng chơi Bộ đồ chơi lý thú.
TP - 13 năm trong nghề, cô giáo Lê Thị Hiền Hảo sở hữu gần chục bộ sản phẩm đồ chơi tự chế, giành nhiều giải thưởng cấp thành phố, quốc gia.  Ngày dạy học, đến đêm cô lại thức soạn giáo án, sáng tạo đồ chơi cho trẻ.

Mang niềm vui đến với con trẻ

Vốn thích mầy mò, sáng tạo từ nhỏ cô Hảo đã tự làm những sản phẩm hand made. Khi có con nhỏ, cô ít khi ra chợ mua đồ chơi cho con vì cho rằng, đồ đắt tiền, nguồn gốc, xuất xứ tốt thì nhà không đủ điều kiện trong khi đồ rẻ tiền lại được làm từ nhựa độc hại. Các con cô được mẹ làm cho những sản phẩm nhỏ xinh như: ô tô, bộ đồ hàng, túi xách đi chợ, búp bê…Khi dạy học ở Trường mầm non Bạch Dương (Đà Nẵng), thấy trẻ có quá ít đồ chơi, về nhà cô cũng nảy nhiều ý tưởng để làm sao các con có sản phẩm học mà chơi.

Từ ngày gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, cô sáng tạo ra gần chục bộ sản phẩm dạy học hữu ích. Nhiều bộ hiện được các trường mầm non trong quận Ngũ Hành Sơn và TP Đà Nẵng đem về áp dụng dạy học, cải thiện bộ đồ chơi vốn nghèo nàn cho trẻ. Các bộ đồ chơi tự chế của cô Hảo nhìn qua tưởng đơn giản nhưng lại rất đa năng. Ví như, Bộ đồ chơi lý thú chỉ là sự lắp ghép của các ống nước nhựa có chiều dài ngắn khác nhau.

Thế nhưng, từ các mảnh ghép này lại có thể tạo nhiều trò chơi vận động cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo như: ném bóng rổ, nhảy cao, nhảy thấp, đá bóng vào gôn, trẻ lăn cùng bóng…Điểm ưu của trò chơi này là đồ chơi có thể dễ dàng lắp ghép để cho trẻ chơi trong nhà hoặc ngoài trời và tháo rời để cất đi một cách nhanh gọn. Nguyên liệu để tạo nên sản phẩm cũng có sẵn ngay ở các cửa hàng bán ống nước. Khi chế tạo sản phẩm ban đầu cô Hảo còn đến xin những đoạn ống ngắn, cửa hàng cắt dư thừa về tận dụng để lắp ghép.

Một trong những sản phẩm khác của cô Hảo khiến trẻ thích thú chính là Bảng học vui cùng bé. Với kích cỡ chỉ khoảng 80cm, rất nhẹ để trẻ có thể cầm quan sát nhưng bảng là một kho tàng kiến thúc lý thú cho trẻ khám phá con số, hiện tượng thiên nhiên. Cô Hảo tạo ra những đám mây, mặt trời, mặt  trăng và tất cả con số thể hiện ngày, giờ trong tháng nhỏ li ti, giấu sau các thanh trượt trên bảng. Khi trẻ cầm bảng, gạt tay qua các thanh trượt, bảng sẽ hiển thị hôm nay là ngày bao nhiêu, thời tiết mưa hay nắng cũng như giờ nào mới nhìn thấy mặt trăng.

Cô Hảo cho biết, ở lớp trẻ có quá ít đồ chơi trong khi hàng ngày các con vận động, khám phá rất nhiều. Ý nghĩ phải làm cho trẻ được bộ đồ chơi nào để các con vui cứ thôi thúc. Vì thế, nhiều đêm, sau khi cho các con ăn uống, ru ngủ đến 23 giờ đêm cô mới chong đèn ngồi soạn giáo án và thiết kế đồ chơi.

Như bộ đồ chơi Bảng học vui cùng  bé cô phải làm trong nửa tháng mới hoàn thành. Từng con số, chi tiết nhỏ li ti đòi hỏi người làm phải gọt giũa, đính vào bảng cầu kỳ, cẩn thận. Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ niềm vui như vỡ òa khi hoàn thành được một sản phẩm, nhìn thấy trẻ hào hứng, xúm xít vào chơi tim cô lại đập rộn ràng. Đặc biệt hơn, tất cả các sản phẩm cô sáng tạo đều giành được các giải thưởng sáng tạo cấp thành phố. Nhiều trường mầm non hiện cũng dùng chính bộ sản phẩm của cô để dạy học.

Nỗi niềm nghề trông trẻ

Yêu trẻ con từ nhỏ, tốt nghiệp phổ thông Lê Thị Hiền Hảo nộp thẳng hồ sơ vào trường Cao đẳng Sư phạm mầm non Đà Nẵng. Đỗ điểm cao, năm 2003 cô tốt nghiệp và được nhận về Trường mầm non Bạch Dương, quận Ngũ Hành Sơn. Cô gắn bó với nghề dạy trẻ đến nay ngót 13 năm.

Chồng cô Hảo là công an công tác tại trại giáo dưỡng xa nhà. Một nách hai con nhỏ, đứa lên 4, đứa lên 6 cô Hảo kể: “Ngày nào mình cũng dậy từ 4 giờ để nấu ăn sáng, cho con ăn rồi chở con đến lớp. 6 giờ hơn phải có mặt ở trường chuẩn bị bữa sáng cho trẻ”. Nhớ đến những ngày đó, cô nghẹn giọng ngậm ngùi: “Nhiều ngày, con ốm nằm viện phải nhờ bà ngoại vào trông. Sáng mẹ đến lớp, trưa chạy vội về nấu cháo xách vào viện cho con, tối lại trắng đêm trực con sốt. Ấy thế mà cũng qua”.

Thủa mới vào trường, cô được giao trông lớp trẻ 3 tuổi. Ấn tượng với cô là những đứa trẻ ngày đầu được mẹ cha đưa tới lớp khóc giãy đòi về, đòi bế.  Khi đó, cô phải ôm trẻ vào lòng vỗ về, an ủi, cưng nựng dần dần trẻ cảm thấy tin tưởng mới chịu chơi. Sau nhiều ngày cô trò cùng hoạt động, quen thân với bạn nhiều bạn lại thích đến lớp, yêu trường.

Có lần cô đi Hà Nội nhận giải thưởng giáo viên giỏi mấy ngày. Khi về đến lớp, lũ trẻ ùa ra ôm chân, vui ríu rít như thể mẹ chúng vắng nhà nhiều ngày. Rồi có trẻ khi vào lớp bị khuyết tật ngôn ngữ, khó khăn khi giao tiếp với cô giáo và bạn bè cô lại dành nhiều thời gian cho riêng con để luyện, nắn từng từ. Nhiều ngày sau, con tiến bộ rõ rệt. “Với trẻ, chỉ cần dành tình yêu thương cho chúng là chúng sẽ quấn quýt, yêu thương mình bằng một tình yêu khó nói lắm”, cô chia sẻ.

Năm 2014, cô Lê Thị Hiền Hảo được vinh danh là giáo viên giỏi toàn quốc. Năm 2016, cô lọt vào danh sách 126 giáo viên tiêu biểu xuất sắc được lựa chọn từ hơn 1 triệu giáo viên toàn quốc. Cô đã nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Giải nhất Cuộc thi Thiết kế sản phẩm dạy học cấp thành phố nhiều năm liền.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.