Cô giáo suốt 21 năm gieo chữ dưới chân núi bất chấp tật bệnh

Cô Cil Jẹ đang soạn giáo án dù bệnh nặng
Cô Cil Jẹ đang soạn giáo án dù bệnh nặng
Ở chân núi Lang Biang thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, có một cô giáo người K’ Ho suốt 21 năm bị bệnh bướu cổ hành hạ phải đối đầu với bệnh tật, với biết bao gian khổ, nhọc nhằn nhưng vẫn quyết không bỏ nghề.

Đó là cô Cil Jẹ ( 47 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) mặc dù 21 năm bị bệnh Basedow hành hạ. 

Dù khó khăn, vất vả như thế nhưng cô vẫn quyết không bỏ nghề, hàng ngày vẫn thầm lặng gieo chữ cho con em đồng bào cả Kinh lẫn người Thượng nơi đây. 

Nhiều khi bị bướu hành hạ đến không ăn được cơm, thậm chí không thể nói chuyện,… nhưng cô vẫn âm thầm chịu đựng, chống chọi với bệnh tật. Hằng ngày vẫn đứng lớp dạy dỗ học trò nên được các đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh quý trọng.

27 năm “trồng” người

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người K’ Ho có đông anh chị em tại xã nghèo Xã Lát (nay là thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương). Hàng ngày, phải đối mặt với cái đói cái nghèo và bệnh tật, để được đến trường, cô Cil Jẹ phải làm đủ công việc, đã có lần cô suýt phải bỏ học.

Cô Cil Jẹ nhớ lại: “Hồi đó, buôn làng nằm heo hút giữa núi rừng hoang vu dưới chân núi Lang Biang, để có cái ăn, cái mặc, gia đình tôi phải lên rừng hái rau, nhặt quả rừng, trồng ngô, trồng sắn sống qua ngày. Nhiều lúc gia đình không có đồ ăn, tôi phải nhịn đói để đến trường, thậm chí phải bỏ học để lên rừng hái rau, gùi than,… đem ra chợ bán”.

Thế nhưng, với lòng đam mê, hiếu học từ nhỏ, cô Cil Jẹ đã thức khuya, dậy sớm sáng học con chữ, chiều về làm đủ công việc để phụ giúp gia đình, cố gắng theo đuổi việc học. Thời gian trôi qua, từ bậc tiểu học, cho đến trung học, rồi tới khi tốt nghiệp một trường trung học Sư phạm tại Đà Lạt cô Cil Jẹ đều đặn là học sinh khá giỏi của trường.

Cách đây 27 năm, cô bước vào nghề giáo viên sau khi tốt nghiệp một trường trung học Sư phạm tại Đà Lạt. Khi mới là cô giáo tập tành bước vào nghề, cô được điều về dạy tại trường tiểu học Đạ Sar.

Thời bấy giờ, ngôi trường chỉ là những ngôi nhà gỗ lắp ghép, dựng tạm, cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì. Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn, nhiều nhà ăn không đủ no nên đối với các em và gia đình, con chữ, tri thức là vô nghĩa. Để vận động đưa các em đến trường là một vấn đề khiến cô ăn không ngon, ngủ không yên.

Nhưng nhờ lòng yêu nghề, yêu trò đã giúp cô giáo K’ Ho vượt qua tất cả khó khăn. Cô Cil Jẹ tâm sự: “Ngày đó, ngôi trường tiểu học Đạ Sar nằm giữa núi rừng, thiếu cơ sở vật chất, học trò không có ý thức học tập, thường xuyên bỏ học để lên rừng, lên nương, rẫy với bố mẹ, nhiều hôm trường lớp trống trơn”.

Quyết tâm không từ bỏ công việc, hàng ngày, trên những con đường mòn của làng, trước từng căn nhà, dấu chân và hình ảnh cô Cil Jẹ vẫn đều đặn xuất hiện. Cô đến vận động phụ huynh đưa con em đến trường, vận động tăng gia sản xuất.

Do nhận thức đa số người dân địa phương thời đó còn hạn chế, nên cô Cil Jẹ đã gặp rất nhiều khó khăn. Có gia đình nhìn thấy cô thì lẫn trốn không muốn tiếp xúc.

Cô cho biết: “Có lần khi đi vận động các em đến trường, một phụ huynh thẳng thừng nói, học làm gì, học có đem lại cơm ăn, áo mặc không, thà lên nương, lên rẫy còn có cái để ăn. Dạy học như cô còn nghèo hơn chúng tôi, học không giàu được đâu!”.

Những lời nói như thế chỉ khiến cô Cil buồn chút ít. Vì cô hiểu rằng nhận thức của một vài người đối với việc học con chữ còn chưa đúng đắn. Chính vì thế cô Cil vẫn không tự ái mà vẫn đều đặn đến vận động, có khi cả hàng chục lần.

Cũng may, bản thân cô cũng là người K’ Ho nên việc vận động, thuyết phục gia đình đưa con đến trường dễ nhận được sự đồng cảm hơn. Đến nay, đã 27 năm đứng lớp, nhiều thế hệ học trò của cô Cil Jẹ, có nhiều người đang đi học, nhiều người đã ra trường và thành đạt.

Nhiệt huyết với nghề

Hơn 27 năm gắn bó với nghề, là quảng thời gian cô phải đối mặt biết bao gian khổ, nhọc nhằn và đặc biệt gần 21 năm trôi qua, cô Cil Jẹ đã phải chống chọi với bệnh tật.

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp trường trung học Sư phạm, cô Cil Jẹ dạy tại trường Đạ Sar sau đó chuyển về trường Trần Quốc Toản công tác cho đến nay. Năm 1994, sau khi sinh đứa con thứ hai, cô Jẹ phát hiện mình bị bướu ở cổ, nhưng cũng vì kinh tế khó khăn nên cô không đi khám.

Cô Cil Jẹ nhớ lại: “Trong lúc đang dạy các học trò đánh vần, bỗng nhiên tôi cảm thấy khó chịu trong người, chân tay bủn rũn nên phải về nhà nghỉ ngơi, thấy tôi quằn quại vì đau, chồng con chạy đi kêu một ông y sỹ trong làng xem bệnh và nghi ngờ bị bướu cổ nên ông dặn phải lên bệnh viện khám.

Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đi khám nên tôi đành cắn răng chịu đựng. Đến năm 1996, cục bướu to hơn, tôi cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu, nên đã đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để khám, tại đây các y bác sỹ bảo tôi bị bệnh Basedow”.

Cô giáo suốt 21 năm gieo chữ dưới chân núi bất chấp tật bệnh ảnh 1

Cô giáo Cil Jẹ luôn tâm huyết với công việc giảng dạy

Ông Krăn Nui (48 tuổi) chồng cô Cil Jẹ cho biết: “Thời gian đó, đồng lương ít ỏi không đủ để nuôi hai con ăn học và tôi thì không có công việc ổn định. Khiến cho vợ dẫu bệnh tật, sau giờ lên lớp vẫn phải vội vàng chạy về nhà tranh thủ thời gian lên nương, rẫy trồng ngô, sắn cùng tôi”.

“Đã có lúc bị bệnh tật hành hạ không nói chuyện được, rồi nghe phụ huynh lo lắng việc mình bệnh như vậy sẽ không truyền đạt hết kiến thức cho học sinh khiến tôi từng nghĩ mình sẽ nghỉ dạy.

Nhưng ánh mắt ngây thơ của những đứa trò nhỏ, nghĩ tới các em không hiểu bài, không biết con chữ như người ta tôi lại lo lắng, tự nhủ bản thân phải cố gắng tiếp tục truyền dạy con chữ cho các em” - cô giáo Cil Jẹ chia sẻ.

Đến năm 2012, cục bướu ở cổ ngay càng càng to, bướu độc phát triển ngày một nhanh, chèn lên dây thanh quản khiến giọng nói của cô không được rõ ràng. Nhiều lần bác sĩ khuyên không được nói và hát nhiều, do bướu gây ảnh hưởng đến năng dây thanh quản.

Nhưng ngoài các môn chính cô giáo Cil Jẹ còn phụ trách môn Âm nhạc nữa nên buộc lòng phải nói, phải hát để học trò hiểu bài. Những lúc như vậy cơn đau lại hành xác cô, nhưng cô giáo Cil Jẹ vẫn kiên trì đứng lớp.

Hiện nay, định kỳ 2 ngày, cô lại đến khoa Y học hạt nhân, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để thăm khám và định kỳ 3 tháng phải đi xạ trị và uống thêm nhiều thuốc đông y để duy trì cuộc sống.

Niềm vui lớn nhất của cô là được nhìn thấy ánh mắt ngây thơ của học trò và các con ngày càng khôn lớn. Tổ ấm hiện tại có hai đứa con, hiện con gái lớn đang học năm 3 trường Đại học Đà Lạt.

Cô Cil Jẹ chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đang gom góp tiền để tôi mổ cục bứu, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên tôi không biết sức khỏe mình sẽ ra sao, nhưng còn sức, còn nói chuyện đứng lớp được là tôi sẽ cố gắng hết mình”.

Theo Theo Công an TPHCM
MỚI - NÓNG