Có nên bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT?

Bằng tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có nhiều thay đổi do chỉ có một kỳ thi. Ảnh:Nguyễn Duy
Bằng tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có nhiều thay đổi do chỉ có một kỳ thi. Ảnh:Nguyễn Duy
Trong khi nhiều giáo viên ủng hộ bằng THPT không cần ghi hình thức đào tạo và xếp loại tốt nghiệp thì một số người lo ngại việc này sẽ làm học sinh mất động lực học tập.

Lê Thị Hoàng Vy (trường THPT Bà Điểm, TP HCM) cho biết, sẽ rất bất công cho học sinh khi không ghi xếp loại tốt nghiệp trên bằng. Nếu có sự thay đổi, tại sao Bộ không công bố ngay từ đầu mà có điểm thi rồi Bộ mới thực hiện.

"Những năm trước có ghi xếp loại tốt nghiệp, tại sao giờ không ghi? Cầm tấm bằng tốt nghiệp mà không ghi xếp loại, em thấy không có giá trị lắm", Vy nói.

Những năm trước, bằng THPT có ghi học sinh tốt nghiệp loại giỏi, khá, trung bình... Ở mục hình thức đào tạo sẽ ghi học sinh tốt nghiệp hệ THPT, bổ túc, vừa học vừa làm. Tuy nhiên, năm nay bằng tốt nghiệp sẽ bỏ 2 mục này. Học sinh được đào tạo theo hình thức nào cũng được cấp bằng tốt nghiệp giống nhau. Trên bằng, chỉ ghi đã được công nhận tốt nghiệp.

Học sinh thi 4 môn để xét tốt nghiệp THPT, trong đó, 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Điểm trung bình của 4 môn thi cộng với điểm trung bình lớp 12 chia đôi phải đạt từ 5 trở lên, học sinh sẽ đậu tốt nghiệp.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt cho rằng, chỉ nên bỏ ghi hình thức đào tạo trên bằng chứ không nên bỏ xếp loại. Bởi nó sẽ đánh đồng và cào bằng học sinh, khiến các em không còn sự cố gắng vươn lên.

"Nếu bỏ xếp loại thì nên bỏ luôn kỳ thi THPT quốc gia rồi xét công nhận tốt nghiệp. Chứ thi mà không xếp loại thì rất khập khiễng", ông Hiếu nói.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cũng kịch liệt phản đối việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp. Ông này cho rằng, cách tính điểm tốt nghiệp năm nay sẽ khiến học sinh đổ xô đi học thêm các môn Toán, Văn, Anh. Việc bỏ xếp loại tốt nghiệp sẽ càng khiến học sinh đi học thêm và học lệch nhiều hơn.

"Chắc chắn học sinh chỉ chú trọng học 4 môn để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Những môn khác chỉ học cho có. Giáo viên cũng cắt bớt chương trình môn phụ để tập trung cho các môn thi tốt nghiệp và đại học. Lúc đó, việc đào tạo sẽ rất méo mó. Học sinh sẽ không được phát triển một cách toàn diện như khẩu hiệu của ngành", vị Hiệu trưởng nói.

Ông này nói thêm, 3 năm học phổ thông đều xếp loại học lực. Đến khi tốt nghiệp lại không ghi loại tốt nghiệp thì rất khó coi. Nếu không theo dõi quá trình học tập của học sinh, làm sao đánh giá các em khi bằng tốt nghiệp không ghi loại khá hay giỏi, trung bình.

Trong khi đó, các nhà quản lý giáo dục và tuyển dụng lại ủng hộ việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM - cho biết, năm nay có gần 13.000 học sinh THCS rớt lớp 10 công lập. Khi bỏ xếp loại và hình thức đào tạo, học lớp 10 tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường trung cấp sẽ không còn tâm lý e ngại hay tự ti.

"Việc này sẽ giúp các trường trung cấp, trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường dân lập và tư thục tuyển sinh tốt hơn và giảm áp lực lên các trường công lập", ông Đạt nói.

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - cho rằng, khi tuyển sinh các trường không quan tâm đến xếp loại trên bằng tốt nghiệp THPT mà chỉ coi thí sinh có đủ điểm chuẩn hay không. Việc bỏ xếp loại tốt nghiệp sẽ giúp các em học phổ thông nhẹ nhàng hơn.

"Tôi nghĩ, đây là bước thử nghiệm để Bộ tiến tới bỏ thi tốt nghiệp THPT và chỉ còn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng", ông Sơn nói.

Đứng ở góc độ tuyển dụng, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, nhiều nước đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình lớp 12 để các em đi học nghề hoặc đại học.

Khi tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực, thái độ của ứng viên rồi đến bằng cấp. Nhưng chủ yếu họ coi bằng tốt nghiệp đại học chứ ít quan tâm đến bằng tốt nghiệp THPT. "Các em đi làm sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhà tuyển dụng chỉ coi tốt nghiệp THPT hay chưa chứ ít để ý đến việc tốt nghiệp loại gì", ông Tuấn nói.

Trao đổi vấn đề này vào tối 25/7, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, năm nay chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh tham dự một kỳ thi với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Do đó, việc ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên bằng tốt nghiệp là không cần thiết. 

Năm nay, tỷ lệ đỗ của khối THPT đạt 93,42%, khối Giáo dục thường xuyên đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%. Con số này giảm 7,44% so với năm 2014. Như vậy, trong 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT có hơn 68.700 em bị trượt. Tỷ lệ tốt nghiệp của các thí sinh dự thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn (94,74%) cụm do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì (84,45%).

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.