Công bố ba phương án tổ chức 'một kỳ thi quốc gia'

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 sáng nay, 29/7.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 sáng nay, 29/7.
TPO - Thi theo môn, bài là những phương án kỳ thi THPT quốc gia vừa được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 sáng nay, 29/7.

Phương án 1: Thi theo môn

Theo phương án này, thí sinh sẽ thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; với 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kết quả này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.

Phương án 2: Thi theo bài

Với phương án này, 8 môn học (Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ) được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:  Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học); Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí); có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án này diễn ra trong 2,5 ngày.

Bộ GD&ĐT nhận định, việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý.

Phương án 3: Thi theo bài

Trong kì thi, 11 môn học ( Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân) sẽ được tổng hợp thành 4 bài thi gồm: Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); Ngoại ngữ. Thí sinh sẽ thi 4 buổi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên trong thời gian 180 phút; riêng bài thi Ngoại ngữ là 90 phút.

Với phương án này, Bộ GD&ĐT dự báo việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý.

Còn đối với môn Ngoại ngữ thì không bắt buộc, chỉ phải thi các môn thi/bài thi ứng với mỗi phương án (gồm 2 môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn).

Cùng với việc đổi mới dạy, học ngoại ngữ, sẽ tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đánh giá năng lực Ngoại ngữ quốc gia để tổ chức thi nhiều đợt trong năm.

Khi đó, các thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt trong năm, vào thời gian phù hợp; kết quả các lần thi này được sử dụng trong xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Tổ chức vào tháng 6

Bộ GD&ĐT cho biết, mục đích tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các căn cứ giúp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Theo dự thảo, kỳ thi được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hằng năm.

Việc tổ chức thi được bố trí thành cụm theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh, có thể có một số cụm thi tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã, thị trấn.

Địa điểm diễn ra kỳ thi là các trường THPT,  trường ĐH, CĐ. Bộ GD - ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia.

Địa điểm chấm thi: Thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền.

Thành viên Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi: Thành viên là cán bộ, giáo viên của sở GDĐT và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ. Lãnh đạo các Hội đồng chủ yếu là lãnh đạo các trường ĐH và lãnh đạo sở GDĐT có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các kỳ thi quốc gia.

Đề thi xây dựng theo hướng đánh giá năng lực

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang đảm nhiệm việc tổ chức ra đề thi. Trong tương lai, việc này sẽ do Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhận.

Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng khác nhau, các câu hỏi mở, tích hợp kiến thức trong từng môn và liên môn; cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.