Cử nhân ngoại ngữ: Một nửa là "câm, điếc"?

Cử nhân ngoại ngữ: Một nửa là "câm, điếc"?
Nhận xét gây "sốc" này của ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Saigontourist tại hội thảo về chất lượng giáo dục TPHCM cuối tuần qua khiến ta phải khơi lại câu chuyện cũ "học ngoại ngữ ra, vẫn không nghe, nói được".

Anh Tuyên, cựu SV khoa Tiếng Anh thương mại trường ĐHDL Kỹ Thuật công nghệ TPHCM chia sẻ: "Sau 4 năm đại học và một năm ra trường, kiến thức ngoại ngữ bây giờ là con số 0 vĩ đại". Tuyên đang là nhân viên của một trung tâm ngoại ngữ - vị trí không cần nhiều "tiếng nước ngoài". Cô bạn không đủ tự tin để thử sức mình với một môi trường khác.

Ngày mới ra trường, cũng xách hồ sơ đi vài nơi, nhưng khi đến phần phỏng vấn bằng tiếng Anh, Tuyên đành ngậm ngùi lắc đầu. Học ngoại ngữ 4 năm, nhưng chỉ giao tiếp được những câu đơn giản: "How are you? Where are you from?..." và nắm chắc phần ngữ pháp. Nếu có đọc sách thì hiểu chút chút. Tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh thương mại, nhưng Tuyên không dám mang bằng ĐH ra khi đi xin việc. Bởi...mắc cỡ.

Ra trường một năm, Tuyên mới thấy sự cần thiết của tiếng Anh giao tiếp. Cô bạn đang vừa làm vừa đến với các trung tâm ngoại ngữ vào ban đêm để học giao tiếp.

Không đến nỗi bi thảm như Tuyên, nhưng Nguyễn Tất Thắng, cựu SV khoa Anh trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng mất một năm để...lấp kín những lỗ hổng kiến thức của mình.

"Nếu tốt nghiệp Sư phạm và ra đi dạy ở một trường phổ thông bình thường thì tạm ổn. Nhưng để đi làm một công việc khác ở ngoài, liên quan tới ngoại ngữ thì tôi không tự tin".

Để trở thành một giáo viên tồn tại tốt và dạy tốt ở một trung tâm ngoại ngữ lớn như hiện nay, Thắng phải mất cả năm mới dám tự tin để xin việc. Và bây giờ thì vừa dạy vừa bổ sung kiến thức. Suốt một năm, Thắng luôn tìm cơ hội để được giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày, tiếp xúc với mọi môi trường nói ngoại ngữ. Những ngày mới ra trường, Thắng chỉ dám nhận những lớp dạy có trình độ thấp và những lớp chỉ có dạy ngữ pháp. Anh bạn khẳng định: "Được như hiện nay là nhờ thực tế cho mình, dạy mình và cũng phải nỗ lực nhiều".

Trần Mai Đan Thanh, đang học năm 3 ngành Pháp văn ở một trường khá nổi tiếng than vãn: "Hôm rồi gặp một người Pháp, ông ta hỏi bằng tiếng Pháp, em không biết trả lời thế nào. Cả lớp em đều thế, nguyên cả nhóm chỉ biết nhìn nhau và cười trừ. Đọc thì hiểu, văn phạm cũng khá, nhưng nghe và nói thì chịu trận".

SV chê trường - Trường có chê… SV?

Không chút ngần ngại, cô bạn Nguyễn Thị Xuân Thanh - cựu SV trường ĐH Sư phạm TPHCM quả quyết: "Nếu được chọn lựa lại, sẽ không học trường này".

Xuân Thanh cho rằng,  cách giảng dạy như mình được tiếp nhận không mang lại kết quả tự tin trong thực tế. Càng không thể tự tin trong giao tiếp. Khả năng giao tiếp tốt là quá trình tự học khá nhiều của Thanh. Cô bạn luôn tìm đến các CLB Ngoại ngữ, thường luyện nghe-nói với các bạn cùng học.

Một SV ngoại ngữ, nhưng suốt 4 năm học, không được tiếp xúc với một giảng viên nước ngoài nào. Chuyện nghe lạ, nhưng đang là thực tế ở nhiều trường ĐH hiện nay.

Anh Tuyên cho hay: 4 năm không gặp, không học với một giảng viên bản ngữ nào. Trường chú trọng văn phạm, văn hoá, văn chương. Còn giao tiếp thì...4 năm không thấy. Môi trường để SV thực hành tiếng Anh cũng không có. Những ai có chút kiến thức thì tự bơi, ai không may mắn thì buông. Cũng có người tìm học thêm vài khoá ngắn hạn: thư ký, bán hàng...và sống bằng nghề này.

Trần Mai Đan Thanh cho biết, mặc dù đã năm 3 ĐH, nhưng chưa một lần được học với giảng viên người Pháp. Khá nhiều giảng viên VN dạy ngoại ngữ bằng tiếng Việt. Chương trình học của các bạn chỉ là học nền văn hoá, lịch sử của nước Pháp. Môi trường để các bạn thực tập cũng không có. Và các kỹ năng nghe - nói không được chú trọng. Trong khi, điều cần để làm việc là giao tiếp. Cô bạn thất vọng: "Em tưởng lên ĐH sẽ được học khác ở phổ thông. Hầu hết, chúng em đều thất vọng".

Thanh cũng đã củng cố kiến thức của mình bằng cách đến học ở Idecaf : "Thi đầu vào thì em được xếp học ở một lớp tương đối. Nhưng khi vào học thì mới thấy mình không theo kịp. Vì cac bạn trong lớp nghe, nói rất giỏi. Còn mình chỉ hơn họ về văn phạm. Cả buổi học không mở miệng được câu nào. Cô giáo hỏi thì chỉ biết lắc đầu".

TS Phạm Tấn Hạ, Phó phòng Đào tạo ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, tình trạng cử nhân ngoại ngữ ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp có thể do cả 2 phía.

Trường chỉ đào tạo cho SV kiến thức nền chung, chú trọng văn phạm, văn hoá... Khi tốt nghiệp, tuỳ từng lĩnh vực công việc cụ thể, SV phải tự nâng cao. Chẳng hạn như làm ở các ngành lĩnh vực kinh tế, SV phải học thêm những môn chuyên ngành…

Hiệu trưởng trường ĐHDL Ngoại ngữ Tin học TPHCM, GS Huỳnh Thế Cuộc cho rằng, trong  bối cảnh hội nhập, cần phải có chuyên gia nước ngoài ngoại ngữ dạy ngoại ngữ ở các trường và phòng học lab để đảm bảo chất  lượng. "Nhưng điều này, hầu như các trường chưa...quan tâm. Đào tạo ngoại ngữ đúng là phải “sinh ngữ" và dạy phải chú ý đến tần số sử dụng cao".

Tự thân vận động đang là cách mà nhiều SV ngoại ngữ áp dụng. Bởi chương trình, phương pháp giảng dạy trong trường không thể đáp ứng đòi hỏi của xã hội. SV được học theo phương pháp cũ, giáo viên từ thế hệ trước. Vì thế, nếu muốn hội nhập, buộc SV phải tự rèn luyện thêm cho mình. SV phải tự tìm ra môi trường để trau dồi giao tiếp.

Doanh nghiệp không… bằng lòng

Nhu cầu cao, lương hấp dẫn nhưng thị trường lao động vẫn bị bỏ ngõ ở những ngành nghề có yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh. Được biết, mức thu nhập của một phiên dịch có kinh nghiệm, có khả năng ngoại giao lưu loát là 70 USD/giờ hoặc 400 USD/buổi (khoảng 3 giờ); sinh viên mới ra trường dao động từ 200-300 USD/tháng.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty Le & Associates nhìn nhận: "Sinh viên tốt nghiệp ngành Anh văn từ Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM và ĐH Sư phạm TPHCM có chất lượng khá hơn so với các nơi khác. 70% sinh viên "ra lò" từ các trường dân lập, trình độ ngoại ngữ chỉ ở mức trung bình, kém. Dù được công nhận là cử nhân ngoại ngữ nhưng họ nghe không được, nói không thông khi tiến hành trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh do người Việt thực hiện chứ đừng nói đến người nước ngoài.

Đứng ở góc độ nhà tuyển dụng (NTD), tôi không thấy hài lòng lắm về chất lượng đào tạo hiện nay ở nhiều khía cạnh. Do nhu cầu công ty và yêu cầu công việc, chúng tôi phải đào tạo lại để "xài" chứ nếu tìm được nguồn tốt hơn, với khả năng như thế, các sinh viên sẽ không có cơ hội việc làm".

Bà Lệ cũng cho biết thêm, tại công ty Le & Associates, đơn đặt hàng về biên phiên dịch không phải là ít nhưng rất khó để tuyển được người. Với mặt bằng ngoại ngữ trên thị trường hiện nay, sinh viên ngoại ngữ mới ra trường chỉ  có thể đáp ứng được các chức danh công việc như thư ký, văn phòng, marketing...

Cũng đồng quan điểm như thế, ông Nguyễn Anh Phú, Giám đốc nhân sự Công ty Furn-line VN đánh giá trên 60% sinh viên ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Lý giải điều này, ông Phú cho rằng sinh viên không có nhiều thời gian để luyện nói, ngại giao tiếp bằng Anh ngữ, tâm lý sợ sệt khi phỏng vấn tuyển dụng... Chính những yếu tố này cùng với vốn từ thực tế không đủ nên họ chọn giải pháp im lặng, không thể cùng NTD tiến hành thành công một cuộc phỏng vấn.

"Hơn 2 tháng chúng tôi mới tuyển được nhân sự cho một vị trí cần người biết sử dụng Anh văn. Tuy yêu cầu công ty đưa ra không cao nhưng cũng phải phỏng vấn 15 ứng viên mới chọn được 1. Sinh viên yếu nhất là kỹ năng nghe nói"  - ông Phú bộc bạch.

Theo Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.