Cuộc sống khó khăn của nữ sinh từng trốn gia đình đi thi đại học

Mặc dù đã 20 tuổi nhưng Thuý chỉ cao 1,4 m, nặng chưa đầy 35 kg. Ảnh. Hải Dương.
Mặc dù đã 20 tuổi nhưng Thuý chỉ cao 1,4 m, nặng chưa đầy 35 kg. Ảnh. Hải Dương.
Nhà nghèo lại bị khuyết tật bẩm sinh về mắt, gia đình một mực ngăn cản Thuý theo đuổi việc học. Nữ sinh lấy cớ về nhà ngoại chơi để ra Đà Nẵng thi đại học chỉ với số tiền ít ỏi từ việc bán bánh mì.

Mai Thị Thuý (xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành, Quảng Nam) giờ đã là sinh viên năm 2, ngành Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Nhắc lại việc trốn gia đình để đi thi đại học gần 2 năm trước, Thuý vẫn không thể quên được cảm giác những ngày đầu một mình ra thành phố.

Ngày đó khi đến địa điểm dự thi ở quận Sơn Trà, may mắn em gặp được bạn cùng lớp hồi cấp 3. Thấy Thúy bước xuống xe, trên vai đeo cái balô to chen lấn giữa dòng người, Nguyễn Thị Ngọc Quyên (sinh viên năm 2, Cao đẳng Y tế Quảng Nam) gợi ý về nhà người quen của mình trú tạm. Biết cô bé mắt kém, một mình lặn lội đi thi nên gia đình thương tình cho ăn, ở miễn phí.

"Ổn định được nơi ở rồi, em mới gọi điện báo tin cho bố mẹ. Lúc này, bố đang bị u não và thường lên cơn động kinh phải nằm liệt giường. Bố mẹ vẫn tưởng em đang ở nhà ngoại. Hoàn cảnh khó khăn, chỉ một mình mẹ phải quần quật cả ngày nên khi biết em một mình ra Đà Nẵng, dẫu lo lắng nhưng bà đành bất lực", Thuý ngậm ngùi kể và cho biết số tiền đi thi đại học được em dành dụm từ việc bán bánh mì.

Không được ôn thi như những bạn cùng trang lứa, nhưng Mai Thị Thuý vẫn đậu với số điểm cao. Khăn gói ra Đà Nẵng cùng số tiền vay vốn sinh viên, Thuý được bố trí ở tại khu lưu xá của nhà thờ Hoà Khánh (quận Liên Chiểu) cùng 13 người khác. Hàng ngày, để đến được lớp học, em phải vượt qua quốc lộ 1A dài 3 km với xe cộ nườm nượp.

Căn bệnh mắt mỗi lúc một trầm trọng, ngồi bàn đầu nhưng Thuý vẫn không thể ghi chép và hiểu được hết bài giảng. Nỗi buồn nhân đôi khi bác sĩ cho hay chỉ có thể duy trì thị lực chứ không thể chữa hẳn cho Thuý. Trong 1-2 năm nữa, nếu không chăm chỉ uống và nhỏ thuốc, mắt của Thuý sẽ mù hẳn. Nữ sinh cho hay, số tiền thuốc khá lớn, gia đình em không đủ điều kiện để mua.

Trước đây thu nhập của gia đình Thuý chủ yếu nhờ vào 2 sào ruộng. Từ ngày dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thi công, 2 sào ruộng nằm trong diện giải phóng mặt bằng nên bị thu hồi. "Hơn một sào ruộng là đất của người bác cho để canh tác nên khi được đền bù, số tiền nhận được chưa đủ để trang trải tiền thuốc men cho chồng đang đau ốm", bà Đào Thị Thanh (41 tuổi, mẹ Thuý) nói.

Không còn ruộng, chồng lại đau ốm liên miên nên một mình bà Thanh phải bươn chải đủ nghề để nuôi 2 người em của Thuý đang học cấp 3. Sáng sớm bà phải đạp xe đạp gần 10 km về thị trấn mua cá rồi mang lên chợ ở quê bán. Mỗi buổi như vậy bà cũng chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng. "Ở chợ về, buổi chiều nếu ai thuê gì làm nấy, có hôm đi làm thợ hồ, có hôm lại làm ruộng mướn cho họ…", bà Thanh nói và cho biết hiện nay mỗi tháng bà phải vay mượn thêm mới đủ một triệu đồng để gửi ra cho con gái trọ học.

Bà Thanh kể, Thuý bị khuyết mống bẩm sinh về mắt, bệnh càng nghiêm trọng hơn khi lớn lên, bị vấp ngã liên tục. Lo ngại con gái không thể hoà nhập với môi trường mới, gia đình cũng không đủ chi phí để nuôi học nên vợ chồng bà một mực phản đối ước mơ vào đại học của Thuý. Thương con, nhiều đêm bà không ngủ được, nước mắt cứ trực trào.

Cô Lê Thị Lâm, giáo viên chủ nhiệm đồng thời là người hỗ trợ, động viên Thuý trong hai năm đại học, bộc bạch: "Nhiều đêm em ấy phải thức đêm chép bài. Trên lớp cũng không tập trung được hết buổi học. Thấy em mệt mỏi, tôi bảo em về nhưng Thuý vẫn cố chịu đựng".

Đã 20 tuổi, nhưng Thuý chỉ cao 1,4 m, nặng chưa đầy 35 kg và thường xuyên đau ốm khi trở trời. Cảm phục nghị lực của Thúy, nhiều bạn bè đã hỗ trợ. Trên lớp, tài liệu của em được ưu tiên in cỡ chữ lớn. Tan học, bạn bè thay nhau dắt Thuý qua đường. Tiền học phí, em được nhà trường miễn toàn bộ.

Thuý nói rằng, mơ ước của em là trở thành nhà công tác xã hội để có thể giúp đỡ những hoàn cảnh trái ngang như mình. Em luôn tự dặn lòng phải nỗ lực dù đoạn đường đang đi rất chông gai. Suốt gần 2 năm qua, em chưa bỏ một buổi học nào, dù đau ốm liên miên.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.