Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập cách đây 100 năm?

Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập cách đây 100 năm?
TP - Trước và sau ngày 15/5/06, hầu như tất cả các báo, đài và mạng của ta, nhất là ở Hà Nội, đều trang trọng đăng tin ĐHQGHN làm lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành  lập (1906 – 2006).

Cũng qua các phương tiện thông tin nói trên, dân chúng nếu chú ý nghe hay đọc, lại phát hiện ra rằng ĐHQGHN được thành lập ra theo Nghị định ngày 10/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ, từ đề nghị của Bộ Giáo dục và đào tạo, trên cơ sở sáp nhập 3 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đai hoc Ngoại ngữ Hà Nội (tác giả gạch dưới).

Nên hiểu như thế nào hai thông tin trên đây, vì rõ ràng là chúng mâu thuẫn với nhau? Thời điểm nào, 1906 hay 1993, mới đích xác là năm tháng thành lập ĐHQGHN?    

Chắc là đoán được thắc mắc nói trên nên nhà Sử học Dương Trung Quốc (DTQ) đã viết một bài đăng trên mạng Vietnamnet với nhan đề “100 năm hay 60 năm?” trong đó ông DTQ có nêu thêm một thời điểm nữa là 15/12/1945, ngày khai giảng các trường cao đẳng và đại học ở Hà Nội, sau Cách mạng tháng Tám (tại lễ khai giảng đó, ông Tổng giám đốc Nha Đại học vụ, lúc đó là nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên, trong diễn văn của mình có hai lần nói đến cụm từ Đại học Quốc gia và cũng là lần đầu tiên cụm từ đó xuất hiện trong văn bản chính thức của nước ta).

Từ 1945 đến nay đúng là hơn 60 năm. Tuy nêu thêm ra như vậy nhưng người đọc hiểu là ông DTQ tán thành coi ĐHQGHN được thành lập vào năm 1906.

Lí do của ông DTQ là cần kế thừa truyền thống của quá khứ (ông DTQ còn viết là vì không biết kế thừa truyền thống nói trên nên ĐHQGHN đã bị tụt hậu so với khu vực; đó là một ý kiến cũng cần được trao đổi nhưng tôi không bàn đến ở đây để khỏi quá dài). Xin trở lại câu hỏi đã nêu ra ở trên.

Tất nhiên là phải kế thừa quá khứ. Nhưng chỉ như thế thôi thì không đủ để giải thích tại sao lại cho là ĐHQGHN đã được thành lập cách đây 100 năm trong khi văn bản của Nhà nước ta giấy trắng mực đen rõ ràng ĐHQGHN đã được  thành lập vào năm 1993!

Chả lẽ vì phải kế thừa quá khứ rất đáng tự hào của các vua Hùng và Nhà nước Văn Lang mà chúng ta lại nên (phải) cho là Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thành lập cách đây trên dưới 3 ngàn năm! Hoặc Viện Sử học của ta hiện nay lại đã được thành lập từ thế kỷ 19 khi triều Nguyễn đặt ra Quốc sử quán?!

Nếu không rõ ràng trong vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp nhiều việc rắc rối: Lâu nay nhiều trường của ta vì muốn có một quá khứ lâu dài nên thường cố gắng tìm một thời điểm càng xưa càng tốt để xác định đó là năm tháng thành lập trường mình và vô tình đã làm thay đổi  trật tự thực sự trong lịch sử gíáo dục nước ta. Và cách làm đó rất dễ lan rộng sang các loại tổ chức khác khi viết về lịch sử (gia phả) của mình.

Đối với vấn đề này, nên khẳng định nguyên tắc là phải căn cứ vào các văn bản chính thức đã có xác định rõ ràng thời điểm thành lập trường, rồi nếu cần, trên cơ sở đó sẽ nêu lên những mối liên hệ kế thừa, ít hay nhiều, chặt chẽ, sâu sắc hay chỉ có mức độ, của trường mình với các trường trước đó. Chỉ nên thay đổi thời điểm thành lập trong 2 trường hợp đặc biệt sau đây:  

a) không có văn bản chính thức thành lập trường,

b) hoặc có nhưng văn bản đã nhầm lẫn vì trường đã tồn tại trước đó từ lâu.

ĐHQGHN không thuộc trường hợp a) vậy có thuộc trường hợp b) không? Để trả lời câu hỏi này cần làm rõ mối quan hệ giữa ĐHQGHN với  Đại học Đông Dương (ĐHĐD) thành lập năm 1906 và tồn tại đến mãi 9/3/1945, rồi với Đại học Quốc gia (ĐHQG) được nhắc đến trong diễn văn khai giảng các trường cao đẳng và đại học ngày 15/12/1945.

II. -Vậy ĐHĐD là gì?

ĐHQG nói đến ngày 15/12/1945 là gì? Hai sự việc đó liên quan đến ĐHQGHN như thế nào?

Năm 1902, tại Hà Nội, chính quyền Pháp lập ra trường Y Dược (école de medecine et de pharmacie) để đào tạo y sĩ và dược sĩ phụ tá (auxiliaires) do BS Yersin làm hiệu trưởng (trường này cũng kiêm thêm nhiệm vụ đào tạo thú y sĩ phụ tá và cô đỡ đẻ).

Với mục tiêu đào tạo như vậy và xét thêm thời gian đào tạo cũng như trình độ tuyển sinh, có thể khẳng định đó là một trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy vậy, năm 1906 vì lý do chính trị (mà tôi không nhắc lại cụ thể để khỏi dài dòng), Toàn quyền Đông Dương là Beau ra nghị định gọi trường Y Dược đó là Université (mà từ 1906 đến 1945, tiếng Việt ta dịch là Đại học để phân biệt với école superieure dịch là Cao đẳng).

Rõ ràng là dù với bất cứ lí do gì, gọi trường Y Dược nói trên là Université là quá lố nên ngay lúc ấy dư luận người Việt cũng như người Pháp đều phản đối, vì vậy năm sau, viên Toàn quyền Beau phải hủy bỏ nghị định trên.

Năm 1912, viên Toàn quyền khác là A.Sarraut nâng trường Y Dược trên thành trường cao đẳng và cho mở lần lượt thêm ở Hà Nội một số trường cao đẳng khác như Sư phạm, Canh nông, Thú y v.v... rồi cho dùng tên gọi Université indochinoise (Đại học Đông Dương) để chỉ chung tập hợp tất cả các trường cao đẳng nói trên ở Hà Nội (nhưng chung cho cả Đông Dương thuộc Pháp).

Như vậy là từ 1912 đến 9/3/1945, xuất hiện tên gọi ĐHĐD (ở đây tôi không nhắc lại cụ thể quá trình thay đổi hay phát triển của các trường cao đẳng nói trên từ 1912 cho đến 1945 vì không cần thiết cho việc chúng ta đang bàn, tôi chỉ nói thêm là trong các trường đó chỉ có 2 trường Y Dược và Luật khoa là từ khoảng 1940 được nâng lên thành trường đại học, tiếng Pháp gọi là faculté để phân biệt với trường cao đẳng, chủ yếu ở chỗ có thêm bậc đào tạo tiến sĩ, theo quy chế tổ chức của giáo dục nước Pháp thời đó).

Tôi muốn lưu ý một điều quan trọng là cách dùng tên gọi Université như trên là một sự “sáng tạo”của thực dân Pháp ở Đông Dương khác với cách dùng chính thức tên gọi đó ở nước Pháp cũng như khác với thế giới, trên 2 điểm sau đây:

a) để chỉ tập hợp tất cả các trường cao đẳng và đại học có ở Hà Nội (còn  ở Pháp chỉ có các faculté mới được nằm trong Université),            

b) không có một người đứng đầu ĐHĐD (ở Pháp và một số nước khác, người đứng  đầu này thường gọi là recteur hay president mà ta gọi là giám đốc) và không có một tổ chức hay bộ máy nào  để đại diện cho ĐHĐD.

Các trường cao đẳng và đại học ở Hà Nội trực tiếp chịu sự quản lý của Tổng Nha Giáo dục Đông Dương, một kiểu như Bộ Giáo dục cho toàn Đông Dương.

Vào khoảng gần 1940, nước Pháp cử một người vốn đang là recteur ở Pháp sang làm Tổng giám đốc Nha Giáo dục Đông Dương nên ông ấy vẫn giữ danh hiệu recteur, nhưng ông này chỉ ở Đông Dương một thời gian ngắn rồi trở về Pháp. Còn tất cả những người khác (tất nhiên đều là người Pháp) đứng đầu Tổng Nha Giáo dục Đông Dương đều không có ai có chức vụ recteur.

Qua đó thấy rõ ĐHĐD là một tên gọi hữu danh vô thực, hay đúng hơn nó chỉ có nghĩa là nền (hay hệ thống) giáo dục cao đẳng và đại học ở Đông Dương (mà cụ thể là một số trường ở Hà Nội).

Trong diễn văn khai giảng ngày 15/12/1945 của ông Tổng giám đốc Nha Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên, cụm từ Đại học Quốc gia được nhắc đến hai lần cũng vẫn được dùng với nghĩa nói trên, tức là để nói về tập hợp các trường cao đẳng và đai học lúc đó có ở Hà Nội và rộng hơn là nói về nền giáo dục cao đẳng và đại học Việt Nam (lúc đó cũng chỉ có ở Hà Nội).

Và lúc đó Nha Đại học vụ và ông Tổng giám đốc Nguyễn Văn Huyên cũng đồng thời là cơ quan và thủ trưởng trực tiếp đại diện cho ĐHQG để quản lý các trường.

Như vậy rõ ràng là ĐHĐD (1906-1945) cũng như ĐHQG (12/1945) với ĐHQGHN(1993-nay) không có liên quan gì trực tiếp với nhau về tổ chức, về nhiệm vụ và về truyền thống cần kế thừa để có thể coi ĐHQGHN đã được thành lập cách đây 100 năm hay 60 năm.

ĐHQGHN trực tiếp kế thừa 2 trường đã tạo thành nó là Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được tách ra khỏi ĐHQGHN).       

Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội không kế thừa bất cứ một trường nào có trước 1945 nên chúng ta không cần xét đến ở đây. Chỉ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1993) là có kế thừa một phần trường Cao đẳng Khoa học có ở Hà Nội từ 1941 đến 1945 và nằm trong ĐHĐD (theo nghĩa đã nói ở trên).

Trường cao đẳng này chỉ về khoa học tự nhiên chứ không có về khoa học xã hội và để lại cho Đại học Tổng hợp một số nhà cửa và phòng thí nghiệm; một số trợ giảng lúc đầu của Đại học Tổng hợp là sinh viên đã tốt nghiệp ở trường Cao đẳng Khoa học này, còn các cán bộ giảng dạy chính về khoa học tự nhiên của Đại học Tổng hợp hồi đầu là những trí thức du học ở Pháp về.

Đó là tất cả những gì mà ĐHQGHN kế thừa của ĐHĐD, từ trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội, thông qua trường Đại học Tổng hợp. Cũng cần nói thêm là ngày 15/12/1945, trường Cao đẳng Khoa học được khai giảng lại và chỉ hoạt động đến 19/12/1946 lúc nổ ra toàn quốc kháng chiến.

(Năm 1947 tại Hà Nội tạm bị chiếm, Pháp khai giảng lại một số trường cao đẳng và đại học có trước 1945 nhưng không dùng lại tên gọi ĐHĐD và bỏ Tổng Nha Giáo dục Đông Dương vì tình hình chính trị sau 1946 không cho phép duy trì hình thức Đông Dương thuộc Pháp nữa.

Đến năm 1950, Pháp giao một số trường cao đẳng cho chính quyền Bảo Đại quản lý, còn mấy trường đại học thì gộp lại thành Université, mà trong vùng tạm bị chiếm từ 1950 đến 1975 tiếng Việt ta dịch rất đúng là Viện Đại Học, do Pháp trực tiếp quản lý tuy có tên là Viện Đại học Pháp Việt Hà Nội nhưng Viện Đại học này không giống như ĐHĐD vì có người đứng đầu và có bộ máy giúp việc, đến 9/1954 thì di chuyển vào Sài Gòn.

Tất nhiên ĐHQGHN không có kế thừa và có liên quan gì với Viện Đại học này, nhưng tôi phải nhắc vắn tắt để khỏi có thêm một hiểu lầm về năm 1950).

Qua những điều trình bày trên đây, chúng ta thấy hoàn toàn không có căn cứ gì để khẳng định rằng ĐHQGHN đã được thành lập từ 15/12/1945, hay vô lý hơn nữa là từ 1906!

Sẽ có căn cứ hơn nếu cho rằng ĐHQGHN đã được thành lập từ 1956, năm thành lập Đại học Tổng hợp Hà Nội, vì phần chủ yếu của ĐHQGHN là Đại học Tổng hợp và vì Đại học Tổng hợp khi được xây dựng năm 1956 là một Université theo mô hình của Liên Xô, trong khi thành lập ĐHQGHN năm 1993 cũng là một Université chỉ có khác là theo mô hình của Hoa Kỳ.

Còn nếu vì lý do kế thừa một cách chung chung thì phải chăng nên nói rằng chúng ta đã có ĐHQGHN ngay từ 1076, khi Nhà nước Đại Việt thành lập Quốc Tử Giám ở Hà Nội?

III.-Không nên vì lý do kế thừa một cách chung chung mà thay đổi năm tháng thành lập một trường học hay bất kỳ một tổ chức nào khác, nếu không có thêm những căn cứ lịch sử rõ ràng, cụ thể

ở mục II. Trên đây, tôi đã nêu ra những căn cứ để đề nghị nên xem xét lại trường hợp của ĐHQGHN.Tôi xin nêu thêm vắn tắt một trường hợp nữa mà tôi nghĩ có tính chất tiêu biểu cho cách làm của nhiều trường đại học chúng ta hiện nay.

Cũng trong tháng 5/2006, người đọc thấy trên một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin trường Đại học Công đoàn (ĐHCĐ) làm lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Cũng chính qua các thông tin đó, người đọc được biết Chính phủ ra Nghị định thành lập ĐHCĐ năm 1993.

Vì năm 1946, tổ chức công hội có mở một lớp huấn luyện ngắn ngày cán bộ công đoàn ở ngoại thành Hà Nội và từ lớp huấn luyện đó phát triển dần dần thành trường trung cấp, rồi cao đẳng để đến năm 1993 được nâng lên thành ĐHCĐ.

Nhưng có thể vì những lý đó mà cho rằng ĐHCĐ đã được thành lập năm 1946 chứ không phải 1993?

Tất nhiên ở đây có sự kế thừa liên tục từ một lớp huấn luyện ngắn ngày cho đến khi phát triển thành một trường đại học (đây là trường hợp của không ít trường cao đẳng hay đại học của chúng ta và vì thế lại càng cần làm rõ cách xác định thời điểm thành lập như vậy là hợp lý hay không).

Theo ý tôi, hợp lý là kết hợp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống đào tạo cán bộ công đoàn và kỷ niệm 13 năm (1993-2006) ngày thành lập ĐHCĐ với tư cách là nơi kế thừa truyền thống đó. Kết hợp chứ không thể coi lớp huấn luyện ngắn ngày năm1946 là năm thành lập ĐHCĐ.

Xin đưa ra 2 so sánh sau đây để minh họa cụ thể cho điều nói ở trên:

- Khi viết gia phả là ghi ông (bà) A sinh ra ông(bà) B, rồi ông B sinh ra ông C... để ghi nhớ và kế thừa truyền thống gia đình, nhưng không thể vì thế mà lại lấy ngày sinh của ông (bà) A làm ngày sinh của ông (bà) C! (còn nếu lại nhận nhầm một ông bà X nào đó làm cụ tổ của mình thì là tối kỵ)     

- Khi kê khai lý lịch ghi ông (bà) N lúc 12 tuổi có bằng tiểu học, 18 có bằng tú tài, 28 có học vị tiến sĩ và đến 35 tuổi có chức vụ giáo sư đại học. Rõ ràng có một sự phát triển và kế thừa liên tục về trình độ học vấn của ông (bà) N, nhưng chắc ông bà N không bao giờ lại ghi trong lý lịch mình là đã có chức vụ giáo sư đại học lúc 12 tuổi! (chẳng lẽ để ăn khao kỷ niệm 60 năm có chức vụ giáo sư khi ông hay bà N 72 tuổi?).

Lê Văn Giạng
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp-cũ)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.