Đại học rộng cửa, lừa lựa bước chân

Thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng khi chọn ngành, chọn trường nên cơ hội vào ĐH năm nay được đánh giá là rất cao.
Thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng khi chọn ngành, chọn trường nên cơ hội vào ĐH năm nay được đánh giá là rất cao.
TP - Không giới hạn nguyện vọng, nhiều đối tượng được tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ TPHT… là những hình thức xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Nhưng thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển.

Nhiều cách vào đại học

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, năm nay, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội, lợi thế trong việc xét tuyển vào đại học. Ông Sơn dẫn chứng, nhiều trường đã mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng như học sinh giỏi quốc gia, đạt nhiều giải thưởng quốc tế, chuẩn tiếng Anh đầu vào cao… Số trường THPT có học sinh được tham gia tuyển thẳng cũng tăng lên nhiều so với những năm trước.

Về hình thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT, cơ hội của thí sinh cũng cao hơn năm trước do quy định không giới hạn nguyện vọng, tức là không giới hạn số trường, số ngành. “Như năm trước, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường (mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng) thì năm nay không có giới hạn nào. Bên cạnh đó, sau khi biết điểm thi, thí sinh còn được điều chỉnh nguyện vọng, giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao hơn”, ông Sơn nói.

Một điểm thoáng của quy chế năm nay là trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh có quyền được tăng số lượng nguyện vọng, số trường, chứ không chỉ được điều chỉnh nguyện vọng giữa các ngành, các trường. Trong trường hợp cảm thấy không chắc chắn ở hình thức này, thí sinh có thể nộp song song thêm hình thức xét tuyển học bạ THPT để tăng thêm cơ hội.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, việc có nhiều hình thức xét tuyển trong tuyển sinh cũng có mặt trái. “Mặt trái này không phải ở chính sách mà ở các trường do đưa ra nhiều hình thức xét tuyển với mục đích tuyển được sinh viên hơn là lo cho chất lượng giáo dục và quyền lợi người học. Do đó, thí sinh cần có bản lĩnh lựa chọn trước xu thế hiện nay”, ông Sơn nói.

Trưởng phòng đào tạo một trường đại học ở TPHCM nhận định, cơ hội vào đại học của thí sinh chưa bao giờ rộng mở như thời điểm hiện tại. “Thí sinh có thể chọn cả trăm nguyện vọng vào các ngành, các trường khác nhau. Trường hợp không đủ điểm sàn thì xét tuyển bằng học bạ THPT.

Nhiều quá hóa rối

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng, việc quy định không giới hạn số lượng nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển có ý nghĩa tích cực đến thí sinh.

Ông Lý phân tích, khi nói đến “không bị giới hạn”, mọi người sẽ hiểu là  thí sinh được đăng ký thoải mái. Tuy nhiên, cần hiểu rõ bản chất của việc đăng ký nguyện vọng là thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên cao nhất. “Nghĩa là nếu trúng nguyện vọng ưu tiên trước là các em đã trúng tuyển, sẽ không trúng ngành/trường có ưu tiên sau đó. Vì vậy, khi đăng ký, thí sinh cần cân nhắc thứ tự ưu tiên, lấy cái gốc là ngành phù hợp với năng lực, sở trường chứ không phải đăng ký chỉ để học đại học, không đảo lộn thứ tự. Tiếp, các em cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng”, ông Lý giải thích.

Theo ông Lý, khoảng 4-5 nguyện vọng đã có thể gọi là cao rồi chứ không nhất thiết không giới hạn nguyện vọng. “Trong quá trình chọn nguyện vọng, thí sinh nên lấy gốc là hướng nghiệp, các ngành nên lấy theo thứ tự cho nhiều mức điểm khác nhau. Ví dụ, nếu không đậu ngành A ở mức điểm cao thì sẽ trúng tuyển cũng ngành A của trường khác ở mức điểm thấp hơn. Có thể đăng ký ngành A, B nhưng A và B không nên khác nhau nhiều quá”, ông Lý khuyên.

Tương tự, thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, thí sinh không nên chọn quá nhiều ngành, quá nhiều trường. Các ngành, các trường cũng nên cùng nhóm với nhau. Ví dụ, thí sinh nếu thấy có năng lực về kinh tế thì nên chọn các ngành như quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chứ không nên vừa chọn kế toán lại vừa chọn y dược hay sư phạm…

Theo ông Sơn, để tăng cơ hội đỗ đại học đúng ngành nghề phù hợp năng lực, thí sinh chỉ nên chọn 3 trường, mỗi trường 2 ngành gồm một trường tốp cao hơn năng lực một chút, một trường vừa sức và một trường thấp hơn. Nếu có năng lực tốt thì thí sinh chỉ nên chọn 2 trường. “Với cách chọn này, thí sinh sẽ không bị rối do chọn quá nhiều nguyện vọng, giúp tăng cơ hội đỗ trúng ngành nghề yêu thích… Còn phía nhà trường thì dễ tuyển sinh, giảm được con số ảo…”, ông Sơn nói.

MỚI - NÓNG