Đánh giá học sinh tiểu học: Chấm điểm vẫn rất cần thiết

Không chấm điểm học sinh là không phù hợp với thực tiễn dạy học?
Không chấm điểm học sinh là không phù hợp với thực tiễn dạy học?
TPO - Ngày 6/11, Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 về đánh giá học sinh không qua chấm điểm chính thức có hiệu lực trong các trường tiểu học. Nhiều nhà quản lý giáo dục vẫn cho rằng, thông tư mới vẫn mâu thuẩn với mong muốn của phụ huynh, cách đánh giá hiện nay.

Bỏ xếp loại A,B,C

So với Thông tư 30, Thông tư 22 vẫn kiên định quan điểm đánh giá học sinh không qua chấm điểm thường xuyên. Điểm nổi bật của thông tư mới là tăng mức đánh giá, sửa đổi về khen thưởng và trút gánh nặng cho giáo viên trong việc ghi nhận xét vào sổ.

Trước đây, giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng hai mức: ĐạtKhông Đạt thì nay mức đánh giá được tăng lên làm ba bậc gồm: Hoàn thành tốt; Hoàn thànhChưa hoàn thành. Riêng lớp 4, lớp 5, so với thông tư cũ, quy định có bài thêm hai bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng việt, Toán vào giữa học kỳ I và học kỳ II.

Một trong những thay đổi lớn cuả Thông tư 22 chính là hủy bỏ việc ghi chép nhận xét hàng tháng của giáo viên vào sổ theo dõi chất lượng học tập. Thay vào đó, Thông tư mới quy định, trong quá trình giảng dạy, thông tư  yêu cầu giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa. Khi cần thiết, giáo viên viết lời nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh hoặc có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình học tập để học và làm tốt hơn.

Chấm điểm vẫn rất cần thiết

PGS Nguyễn Công Khanh (ĐH Sư Phạm), trưởng nhóm chuyên gia sửa đổi thông tư 30 cho rằng, thông tư mới vẫn giữ tính nhân văn, không đánh giá bằng cách chấm điểm học sinh hàng ngày nhưng có nhiều quy định rõ ràng hơn. Trước khi có quyết định chính thức, Thông tư 30 sửa đổi từng đưa ra cách đánh giá học sinh theo các mức A,B,C. Tuy nhiên, phương án này vấp phải phản ứng do nhiều người hiểu nhầm là một hình thức khác của chấm điểm nên thông tư được chỉnh sửa thành 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Bà Phạm Bích Ngà, Người sáng lập Hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội khẳng định: “Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cực kỳ cần thiết để biết giáo viên dạy học hiệu quả không, học sinh học tập đến đâu. Vì thế, Thông tư 30 hay Thông tư 22 đều chưa phù hợp trong thực tiễn dạy học”.

Theo bà Ngà, điểm cộng của thông tư mới chính là việc bỏ quy định yêu cầu giáo viên ghi nhận xét, đánh giá hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng. Điều này giảm tải, giảm áp lực cho giáo viên để họ có thời gian chăm lo nghiên cứu giáo trình, đầu tư nâng cao chất lượng bài giảng. Còn việc đánh giá học sinh vẫn không qua chấm điểm sẽ rất khó cho cả nhà trường, học sinh lẫn phụ huynh trong việc định vị kết quả dạy học.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, thông tư mới có sự mâu thuẩn với cha mẹ học sinh bởi một bên muốn làm mờ kết quả học tập của học sinh, một bên muốn làm rõ con mình đang ở vị trí nào. Bản dự thảo đánh giá học sinh theo A,B,C và nay bản hoàn chỉnh lược bỏ hẳn công cụ đánh giá sẽ càng làm phụ huynh thất vọng. Bởi tâm lý người dân khi đầu tư cho con đi học rất muốn biết năng lực, sự tiến bộ hàng ngày của con như thế nào.

Theo ông Khang, bộ muốn vận dụng phương pháp đánh giá của các nước văn minh không đánh giá chi tiết, không xếp loại, không khiến học sinh ganh đua nhau. Trên thực tế, cuộc sống sự cạnh tranh dù tiêu cực hay tích cực vẫn diễn ra hàng ngày. “Tôi cho rằng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay áp dụng việc đánh giá học sinh không chấm điểm là vội vàng”, ông Khang nói. 

MỚI - NÓNG