Đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh: Cần “nhúng” thực tế nhiều hơn

Giáo sinh khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm, thực tập tại trường phổ thông liên cấp Olympia.
Giáo sinh khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm, thực tập tại trường phổ thông liên cấp Olympia.
TP - Các ngành sư phạm như Toán, Vật lý, Hóa học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Sinh học, Sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học sẽ được đào tạo tiếng Anh song song với chương trình tiếng Việt hiện hành. Đây là chương trình mới lần đầu tiên được trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa vào thực hiện.

Giáo viên thiếu tự tin

Tại hội thảo Đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong xu thế hội nhập, do trường  ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức,  PGS.TS Nguyễn Văn Trào, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm học 2013-2014, trường  đã triển khai đào tạo giáo viên dạy môn Toán bằng tiếng Anh.

Những năm sau lần lượt triển khai đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin. Năm nay, khóa giáo sinh môn Toán đầu tiên được đào tạo bằng tiếng Anh ra trường. Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Trào, điểm khác biệt của chương trình này so với chương trình cũ là giáo sinh ra trường dạy được môn chuyên ngành mình học bằng tiếng Anh. So với các giáo sinh được đào tạo theo mô hình hiện hành, mô hình này đang giải tỏa “cơn khát” của các trường quốc tế tại Việt Nam cũng như nhu cầu của các trường chuyên, các trường THPT, THCS.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học tới, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm ở trường THPT Chu Văn An. Học sinh sẽ được học chương trình của Việt Nam và chương trình  A level của Anh quốc. Trong đó, các môn Vật lý, Hóa, Sinh đã tuyển được giáo viên, riêng môn Toán vẫn còn đang cân nhắc. Hiện Hà Nội có 5 trường THPT, THCS thực hiện dạy thí điểm các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh. Sở đã tiến hành tập huấn, bồi dưỡng đào tạo tiếng Anh cho các giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên vẫn chưa đủ tự tin lên lớp bằng tiếng Anh.

Ông  Vũ Xuân Hòa, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn chưa có một giáo viên nào được đào tạo dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Đại diện Sở GD&ĐT Khánh Hòa cũng cho biết, tỉnh đã bắt đầu triển khai dạy môn Toán bằng tiếng Anh ở trường chuyên. Tuy nhiên, giáo viên chuyên Anh không có nên phải đưa giáo viên dạy Toán đi bồi dưỡng thêm tiếng Anh.

Tăng thời gian thực tập

Theo đại diện của khoa Vật lý (trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trình độ tiếng Anh cũng như cách phát âm của giảng viên chưa đồng đều và chưa được chuẩn hóa bằng các kỳ thi tiêu chuẩn cấp chứng chỉ. Hầu hết bài giảng do các giảng viên tự chuẩn bị, biên soạn, tham khảo từ sách, giáo trình nước ngoài nên mất khá nhiều công sức, thời gian trong khi kinh phí cho việc này không đủ. Với sinh viên, trình độ tiếng Anh đầu vào chưa đồng đều do có khối tuyển sinh không thi tiếng Anh

Bà Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng trường THPT Olympia cho biết, khi tiếp nhận giáo sinh về thực tập, điều dễ nhận thấy nhất là  kỹ năng giao tiếp và khả năng trao đổi một cách tự tin trôi chảy bằng tiếng Anh của họ còn chưa tốt. Thứ hai là giáo sinh yếu kỹ năng tổ chức lớp.

Một khó khăn khác mà ông Nguyễn Thế Đại, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường song ngữ Academy, đưa ra đối với các giáo sinh học chương trình này khi về thực tập tại các trường, đó là ai sẽ đủ năng lực để thẩm định, đánh giá, cho điểm các giáo sinh. “Nếu giáo viên dạy tiếng Việt hướng dẫn các giáo sinh của chương trình này thì họ không đủ năng lực để đánh giá họ. Còn các giáo viên nước ngoài, họ lại không nhuần nhuyễn chương trình của Việt Nam để có thể đánh giá. Hơn nữa, ví dụ như trường tôi, các giáo sinh sẽ dạy chương trình của nước ngoài, không giống với chương trình của Việt Nam thì khi đánh giá cho điểm sẽ thế nào”  - ông Đại nói.

Để giáo sinh có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế, bà Phạm Thị Minh An, trường Olympia đề xuất trường ĐH Sư phạm Hà Nội nên cho giáo sinh thực tập nhiều hơn. “Thay vì thực tập 2 tháng như hiện nay, trường nên xây dựng, bố trí lại chương trình đào tạo cho giáo sinh được thực tập 6 tháng.

Có như thế, giáo sinh mới có đủ thời gian để “nhúng” mình vào môi trường sau này sẽ làm việc” - bà An nói. Đồng ý với quan điểm này, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn, trường WellSpring cho rằng có thể đưa giáo sinh đi thực tập từ năm thứ nhất theo hình thức mỗi năm một mức độ yêu cầu tăng dần. Như thế, cả 4 năm học, giáo sinh đều được gắn với thực tế.

Ngoài các khoa Toán Tin, Vật lý, Hóa học, Sinh học đào tạo giáo viên chuyên ngành bằng tiếng Anh, tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Sư phạm tiểu học, mầm non cũng đã áp dụng đào tạo chương trình này. Bà Lã Thị Bắc Lý, Trưởng khoa Mầm non cho biết, năm nay, khóa đầu tiên đào tạo chương trình này của khoa cũng ra trường và được các trường mầm non quốc tế của Hà Nội đón nhận.

MỚI - NÓNG