Đập trường mầm non để chạy theo nông thôn mới

Cô Sơn Thị Ngọc Mai, giáo viên mầm non Hoa Sen trong lớp học tạm tại Trường tiểu học Phù Ly 2. Ảnh: Nhật Huy.
Cô Sơn Thị Ngọc Mai, giáo viên mầm non Hoa Sen trong lớp học tạm tại Trường tiểu học Phù Ly 2. Ảnh: Nhật Huy.
TP - Từ cuối tháng 3/2017 đến nay, người dân xã Đông Bình (TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) than phiền vì địa phương đập trường mầm non Hoa Sen (điểm ấp Phù Ly 2) để xây nhà văn hóa khiến việc học hành của hàng trăm trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học bị đảo lộn, trở ngại.

Cụ thể, 56 trẻ mầm non Hoa Sen (điểm ấp Phù Ly 2) phải chuyển sang học tại Trường tiểu học Phù Ly, điểm trường ấp Phù Ly 2 (Gọi tắt: Tiểu học Phù Ly 2). Để có phòng cho trẻ mầm non Hoa Sen, toàn bộ 5 lớp với trên 100 học sinh tiểu học Phù Ly 2 phải chuyển đến điểm trường Phù Ly 1 và học trong các phòng học tạm bợ mới dựng lên hoặc phòng thư viện chật chội, tối tăm, nóng bức.

Bà Nguyễn Thị Đẹc (ấp Phù Ly 2) có con đang học lớp 1 phải chuyển sang học tạm ở Phù Ly 2 cho biết, trước đây, con bà chỉ đi bộ vài bước là tới trường. Nay chỗ học mới cách nhà khoảng 3 km. “Ở đây, hầu hết cha mẹ các cháu đều đi làm ăn xa, để con nhỏ cho người già ở nhà trông. Phần lớn họ là người nghèo, không có phương tiện đi lại để đưa rước các cháu. Tôi nghe nói định cho mấy đứa nhỏ nghỉ học”- bà Đẹc nói.

Cũng theo bà Đẹc, trường mầm non Hoa Sen được xây dựng khoảng 15 năm trước. Đất do chùa Phù Ly hiến và tiền xây dựng do Việt kiều đóng góp. Tuy cũ nhưng trường vẫn rất khang trang. “Hôm đập trường, tôi thấy vật tư còn rất mới, cửa kiếng cũng mới, thanh sắt trong cột đập ra cũng còn mới, rồi người ta bỏ lên xe chở đi đâu mất” – bà Đẹc nói.

Anh Nguyễn Chí Hạnh có cháu đang theo học tại trường này cho biết: “Tôi thấy ngôi trường mầm non thiệt đẹp, không hiểu sao lại bị đập hết. Trước khi đập trường, đáng lý địa phương phải bố trí chỗ học thích hợp, đằng này phải đi học tạm trường khác rất xa, thậm chí là học tạm ở nhà dân”.

Cô Sơn Thị Ngọc Mai, giáo viên trường mầm non Hoa Sen (điểm Phù Ly 2) đánh giá, trường tuy cũ nhưng được sửa chữa vào năm 2010 nên vẫn còn rất tốt, thậm chí còn đẹp hơn cả điểm trường chính. “Khi quyết định đập trường, địa phương cũng chưa bố trí cơ sở đàng hoàng để chúng tôi giảng dạy mà phải di dời đến nơi tạm bợ”- cô Mai nói. Theo cô Mai, điều kiện ở Trường tiểu học Phù Ly 2 không phù hợp với trẻ mầm non, chưa kể môi trường không sạch sẽ, nền gạch dơ bọn trẻ không nằm ngủ được, nhà vệ sinh hôi hám.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Phong–Phó chánh Văn phòng UBND TX. Bình Minh cho biết, thị xã Bình Minh có 5 xã, trong đó chỉ còn Đông Bình là chưa đạt nông thôn mới nên thị xã xem xét và tiến hành xây dựng bốn hạng mục công trình, gồm Trường tiểu học Phù Ly, Trường mầm non Hoa Sen, Trung tâm văn hóa thể thao xã Đông Bình và nhà văn hóa thể thao cụm ấp Phù Ly 1,2.  “Để đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi xã phải có một trung tâm văn hóa cấp xã và nhà văn hóa cụm ấp”- ông Phong nói.

Ông Phong còn cho biết, kinh phí dự án xây dựng nhà văn hóa khoảng 2,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cơ sở vật chất như: Hội trường, phòng truyền thanh, văn phòng ấp, cổng, tường rào, sân sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao,… với tổng diện tích 1.052m2, từ đây đến cuối năm sẽ hoàn thành xong tất cả 4 công trình để năm 2017 xã Đông Bình sẽ lên xã nông thôn mới.

Cô Sơn Thị Ngọc Mai, giáo viên trường mầm non Hoa Sen (điểm Phù Ly 2) đánh giá, trường tuy cũ nhưng được sửa chữa vào năm 2010 nên vẫn còn rất tốt, thậm chí còn đẹp hơn cả điểm trường chính. “Khi quyết định đập trường, địa phương cũng chưa bố trí cơ sở đàng hoàng để chúng tôi giảng dạy mà phải di dời đến nơi tạm bợ”- cô Mai nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.