Dạy trẻ từ làm chủ tư duy đến làm chủ bản thân

 Dạy trẻ từ làm chủ tư duy đến làm chủ bản thân
Từ câu hỏi đầu tiên “Vì sao 1+1=2” đến câu hỏi cuối cùng “Làm thế nào để có lớp học ngoài lớp học?”, các chuyên gia giáo dục của Trường liên cấp Olympia đã chỉ ra điều quan trọng nhất giúp học sinh tiểu học có thể tư duy bản chất vấn đề và phát huy tiềm năng là phương pháp giảng dạy và môi trường giáo dục hướng đến sự tự chủ của trẻ.

Đó chính là nội dung xuyên suốt của Hội thảo “1+1=2?” diễn ra ngày 11/04 tại Trường liên cấp Olympia (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội).

Nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý với hơn 30 năm kinh nghiệm mở đầu hội thảo bằng ví dụ về tính ứng dụng của việc phép tính diện tích hình chữ nhật. Với học sinh tiểu học, học diện tích không phải để “tính diện tích thửa ruộng” như trong sách bài tập, mà để trẻ thấy được tầm quan trọng của việc tư duy về các phép đo đạc. Từ việc “đo” hai miếng pizza cho đến sáng tạo cách đo phòng học, học sinh ở Olympia nhận ra rằng nhu cầu của cuộc sống càng đa dạng thì càng cần có những đơn vị đo mới, cách đo mới.

Từ đó, trẻ sẽ có hứng thú trong việc tìm tòi ra những tính diện tích mới cho hình thang, hình bình hành trong bài tiếp theo. Việc này vừa giúp trẻ thụ đắc kiến thức mới mà không cần học thuộc lòng công thức, vừa hướng trẻ chủ động “làm chủ tư duy” của mình, phát huy tiềm năng “thiên tài” tiềm ẩn trong mọi đứa trẻ.

Cô Diệu Lý cũng nhấn mạnh thêm rằng giáo viên phải “đứng ngoài kiến thức”. Giáo viên chỉ tổ chức lớp học để học sinh được tự sáng tạo như nhà khoa học đã từng sáng tạo ra kiến thức trong sách. Nhờ vậy học sinh sẽ trở lên chủ động trong mọi hoàn cảnh, vì “tư duy là cái còn mãi”, và tư duy tốt tức là “học một biết mười”.

Ngoài ra, lối học “đi vào từ cuộc sống” đang được ứng dụng tại Olympia, theo cô Diệu Lý, không nhấn mạnh vào kiến thức “đúng–sai” mà hướng tới “kiến thức chỉ cần cơ bản để học cái khác.” Cái khác ở đây khả năng tự khám phá bản thân, sáng tạo từ cái người khác đã sáng tạo, và quan trọng nhất là hiểu biết về thế giới với lòng đồng cảm.

Dẫn chứng về phương pháp dạy “mệnh giá đồng tiền” cả trên phương diện toán học lẫn tư duy về cuộc sống đã thuyết phục được các phụ huynh trong khán phòng về tính hiệu quả của hướng giáo dục trên.

 Dạy trẻ từ làm chủ tư duy đến làm chủ bản thân ảnh 1

Từ mục tiêu “làm chủ tư duy”, chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga đặt tiếp vấn đề: giáo dục sự tự chủ cho trẻ. Một con người tự chủ tức là tự chủ trong cảm xúc, hành vi, suy nghĩ.

Để có được điều đó, trước nhất cần giáo dục trẻ “làm chủ tư duy” để suy nghĩ rồi đưa ra các quyết định đúng đắn. Nhưng đồng thời cũng cần phụ huynh tạo cho trẻ môi trường mà ở đó trẻ có những mối quan hệ vững chắc: với bố mẹ, với bạn bè, với nhà trường, thông qua trải nghiệm xã hội.

“Hãy kiên nhẫn” là thông điệp được chuyên gia tâm lý Hoài Nga lặp đi lặp lại trong hội thảo. Trẻ chỉ có thể “làm chủ bản thân” khi người lớn luôn tôn trọng suy nghĩ của trẻ, để trẻ nói lên phương án của mình trước, để giúp trẻ chủ động học được kinh nghiệm từ các mối quan hệ xã hội. Đó là cách để có “lớp học ngoài lớp học”.

Điều này làm dấy lên câu hỏi từ phụ huynh: “Làm thế nào có thể tự chủ trong thời đại toàn cầu hóa và kĩ thuật số này?”

Ông Christopher M. McDonald, Giám đốc Chương trình đào tạo của Trường PT Liên cấp Olympia đã cho thấy sự hiệu quả trong mô hình sử dụng Internet cho giảng dạy và cập nhật liên tục các tri thức mới, đồng thời cũng chỉ ra trách nhiệm của nhà trường trong việc kiểm soát công nghệ cũng như hướng dẫn học sinh trở thành một người dùng Internet có trách nhiệm và đạo đức.

 Dạy trẻ từ làm chủ tư duy đến làm chủ bản thân ảnh 2

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo Vì sao 1+1=2?, thầy David Vi Nguyen, trưởng bộ môn tiếng Anh tiểu học trường PT Liên cấp Olympia cho rằng để tự chủ trong thời đại toàn cầu hóa thì sử dụng tiếng Anh thuần thục là tiền đề cần thiết nhất. Nhưng không phải là “làm bài tập tiếng Anh” mà là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Hiện nay, học sinh ở Olympia đã viết thư online cho học sinh ở Mỹ để các em có thể sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả.

Từ “làm chủ tư duy” đến “làm chủ bản thân” là một quãng đường dài, ở đó cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và phụ huynh, cần cả “yêu thương và lí lẽ” và nhất là cần “tạm giấu giáo án đi” để giáo viên cùng trẻ học từ cuộc sống, học từ các quan hệ xã hội.

MỚI - NÓNG