Để có những giáo viên thời @

Để có những giáo viên thời @
Gần đây trường ĐHSPHN đã có một dự án hạ tầng cơ sở về máy tính giá trị 2,3 triệu USD (tiền vay Ngân hàng Thế giới). Được biết, đây là dự án về CNTT tập trung và lớn nhất từ trước đến nay của trường.

Bạn đã từng chơi điện tử bao giờ chưa? Đó là câu hỏi đầu tiên mà Vũ Đình Phượng (Giảng viên khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội) thường đặt ra khi bắt đầu giới thiệu với ai đó về phần mềm Luyện tập giải phương trình lượng giác cơ bản cho học sinh lớp 11 của mình.

Phượng tự nhận mình là một kẻ đã từng “suýt” bị những trò chơi điện tử “mê hoặc”. “Suýt” thôi, bởi vì trong lúc chơi, Phượng vẫn đủ tỉnh táo để tự đặt câu hỏi: “Làm thế nào để HS, SV học Toán cũng say mê như họ đánh điện tử?”. ý tưởng xây dựng một chương trình dạy học được thiết kế như một trò chơi điện tử hình thành trong đầu người GV trẻ tuổi ấy.

Không chỉ là ý tưởng mà rốt cục, sản phẩm “Luyện tập giải phương trình lượng giác cơ bản cho HS lớp 11” đã được chào đời. Phần mềm gồm 3 phần: Hướng dẫn cách sử dụng và các lưu ý, quy ước khi thực hiện; Hệ thống các kiến thức cần thiết khi thực hiện chương trình để “người chơi” (HS) có thể ôn tập trước khi bắt tay vào “chơi”.

Cuối cùng là một chương trình luyện tập được chia thành 3 màn nhỏ. Như một trò chơi, HS “đi” hết màn 1 mới được sang màn 2 rồi màn 3. Trong quá trình “chơi”, nếu bí quá, HS có thể sử dụng các nút “gợi ý”. Tuy nhiên, nếu nhấn nút này “người chơi” phải chấp nhận bị trừ một số điểm quy định. “Trò chơi” được ấn định lượng thời gian. Nếu HS hoàn thành “trò chơi” trong khoảng thời gian quy định thì máy sẽ tự động dừng lại, thông báo số điểm, xếp hạng và phần thưởng (nếu có). Nếu hết thời gian mà HS chưa “chơi” xong, máy vẫn sẽ tự động dừng lại (và vẫn thông báo kết quả số điểm, xếp hạng).

Sự hào hứng tìm cách ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy-học không chỉ có ở Phượng mà là tâm trạng chung của cán bộ trẻ và sinh viên trường ĐHSPHN. Đến khoa nào cũng thấy cán bộ trẻ hào hứng “khoe” các sản phẩm ứng dụng CNTT. “Khoe” không phải để tỏ ra mình có gì mà kỳ thực là để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Giáo viên là phải thạo tin học

Trao đổi với chúng tôi, GS TS Đinh Quang Báo – Hiệu trưởng trường ĐHSPHN – bày tỏ: “Trong thời đại này, CNTT cần phải được phổ cập cho tất cả mọi người. Vì thế, không có lý do gì ở trường SP – nơi đào tạo những  con người sẽ trở về cuộc sống để ươm mầm người- lại không có những kỹ năng cần thiết về CNTT!” Vì thế, lãnh đạo trường ĐHSPHN quyết tâm “xốc” lại “nền móng” CNTT trong toàn trường. Trong chương trình, trường đưa vào phần cứng cho tất cả các khoa phải có 2 học trình CNTT. Trường chủ trương trong giảng dạy, GV phải tạo các tình huống sử dụng CNTT để khích lệ SV hăng hái học tập kỹ năng CNTT.

Nhờ Công đoàn và Đoàn TN của trường phát động phong trào “Dự giờ đổi mới phương pháp dạy học” nên phong trào ứng dụng CNTT trong giảng dạy của GV trẻ càng lan toả nhanh. Hầu như ở các khoa (kể cả những khoa xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Tâm lý - Giáo dục...), các GV trẻ đều ứng dụng CNTT để tạo ra bài dạy cho chính mình. Tuy nhiên, như anh Nguyễn Văn Hiền (GV khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp, Bí thư Đoàn trường ĐHSPHN) cho biết: “ứng dụng CNTT ở trường chúng tôi hiện đang được triển khai theo nhiều hướng (trong nghiên cứu cơ bản, trong quản lý…) nhưng mạnh nhất hiện nay là thiết kế các phần mềm hỗ trợ dạy học.

Đặc biệt, việc xây dựng các thí nghiệm ảo rất phát triển. CNTT có lợi thế là có thể mô tả những thí nghiệm diễn ra ở cấp phân tử, thí nghiệm nguy hiểm, thí nghiệm diễn ra quá nhanh hoặc quá lâu... Các ứng dụng đặc biệt phát triển ở các khoa tự nhiên (Toán - Tin, Vật lý, Hoá học, Địa lý, Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp, SP kỹ thuật...). Hầu như các khoa này đều có những sản phẩm để có thể bán cho các Sở GD&ĐT và các trường phổ thông. Có khoa có những lượt bán được hàng trăm đĩa CD Rom (bình quân khoảng 80000đ/ đĩa).

Hiện tại, hoạt động giảng dạy ở trường ĐHSPHN đang phát triển theo xu hướng trang bị cho SV những kỹ năng CNTT để áp dụng vào việc dạy học phổ thông. Bộ môn Phương pháp dạy học ở tất cả các khoa được đảm nhận nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để mỗi hoạt động dạy học đều có dấu ấn của ứng dụng CNTT, chính những CB - GV trẻ là hạt nhân. Lợi thế của trường ĐHSPHN là có đến 1/3 trong tổng số CB – GV là lực lượng trẻ (dưới 40 tuổi). Đoàn trường đã nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng cần phát triển này. Hội thảo “ứng dụng CNTT trong nghiên cứu, quản lý, dạy và học của tuổi trẻ các trường ĐHSP toàn quốc” (ngày 2/4/2005) chính là sáng tạo của Đoàn trường.

Hướng tới tương lai SV SP không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà còn là những người thầy của thời đại CNTT, lãnh đạo trường ĐHSPHN đang có kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống mạng lưới máy tính trong toàn trường. Theo GSTS Đinh Quang Báo, việc trang bị máy tính đối với trường không khó. Tuy nhiên, số lượng phòng ốc, giảng đường hiện có hạn. Việc trang bị máy tính phải tính toán song song với việc xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có xây dựng mạng và đặc biệt quan trọng là việc xây dựng năng lực CNTT cho đội ngũ cán bộ trong trường.  

MỚI - NÓNG