Để học thực chất, loại bỏ thi cử hình thức

Học sinh trung học phổ thông Việt Đức (hà Nội). ảnh: Hồng Vĩnh
Học sinh trung học phổ thông Việt Đức (hà Nội). ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, theo ông Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm Khoa học VN), là câu chuyện về cải tiến mô hình kiến trúc giáo dục phổ thông. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông dưới đây để các nhà hoạch định giáo dục cùng tham khảo.

Hệ thống giáo dục có nhiều phần, như triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục, chương trình và sách giáo khoa… thuộc về phần hồn, là tâm hồn của giáo dục. Một tâm hồn tốt chỉ có thể phát triển tốt nếu được nuôi dưỡng trong một cơ thể khỏe mạnh, đó chính là phần cứng, là kiến trúc của hệ thống giáo dục.

Mô hình kiến trúc giáo dục phổ thông mới

Yêu cầu cụ thể đặt ra  là một hệ thống được thiết kế ít nhất phải thỏa mãn sự bền vững với thời gian, ví dụ cho 20-30  năm tới. Nó phải tạo ra bình đẳng về cơ hội học tập và phát triển cho mọi người nhưng cũng phải đảm bảo trung thực và chất lượng thực theo đúng khả năng từng cá nhân. Tất nhiên, phải làm sao khả thi, gọn nhẹ nhất, tiết kiệm nhất cho nhà nước và cá nhân; phân luồng được học sinh, và cùng với phần hồn giáo dục tốt, hệ thống này sẽ tạo ra những con người đa dạng, có đạo đức làm người và chất lượng nghề nghiệp tối đa.

Mô hình kiến trúc của hệ thống giáo dục Phổ thông mới của tôi đề xuất dưới đây bao gồm hai bộ phận riêng biệt với ba bậc học: Tiểu học, Trung học Phổ thông, Trung học phổ thông nâng cao. Bậc tiểu học (từ lớp 1 tới lớp 6) là bậc phổ cập bắt buộc đối với mọi trẻ em từ 6 tuổi; Nhà nước chi trả 100% kinh phí, học sinh không phải đóng góp. Bậc phổ thông (từ lớp 7 tới lớp 10): Nhà nước và người dân cùng chia sẻ kinh phí theo tỉ lệ Nhà nước 70% - nhân dân 30%.

Đây không phải bậc học bắt buộc nhưng Nhà nước phải khuyến khích học sinh theo học. Hết bậc phổ thông, học sinh được cấp chứng nhận đã hoàn thành bậc học và có quyền ghi danh để tham gia tuyển chọn vào bậc phổ thông nâng cao, học nghề/trung cấp hoặc tìm việc làm. 

Một người hoàn thành Trung học phổ thông được coi là cơ bản đầy đủ kiến thức và tư cách làm người để bắt đầu tự lập. Vì vậy cần tối thiểu 10 năm học tập. Vả lại sau những năm học tập phổ thông, đa số sẽ bước vào đời sống nghề nghiệp, nếu tuổi vào đời là 15 sang 16 thì còn non, tốt nhất là sang tuổi 17. 

Bậc Phổ thông nâng cao (từ lớp 11 tới lớp 12): Bậc học này nhằm nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho học sinh vào ĐH, có phần tự do hơn, có thể tự chọn tăng cường những môn học sinh yêu thích hoặc có năng khiếu. Việc tuyển đầu vào do các trường tự tổ chức (có thể thi tuyển/phỏng vấn hoặc xét học bạ tùy theo từng trường).

Nhà nước và người dân cùng chia sẻ kinh phí theo tỉ lệ 30-70 (hoặc bằng nhau 50 - 50 nếu nhà nước giàu lên). Sau khi học xong phổ thông nâng cao, học sinh sẽ có một chứng nhận đã hoàn thành bậc học và có quyền tham dự kỳ thi tú tài. Ở bậc phổ thông nâng cao, chủ yếu là bổ sung, nâng cao kiến thức, có thể học với cường độ cao, kiến thức chọn lọc, cho nên 2 năm là đủ.

Một kỳ thi độc lập cấp Quốc gia

Cần phải có một cuộc thi thường niên, cấp quốc gia, độc lập với hệ thống trường học, được tổ chức chung toàn quốc (Bộ GD&ĐT tổ chức) có thể tạm gọi là “Thi tú tài”. Kỳ thi lấy bằng tú tài là kỳ thi quốc gia, độc lập, không có thi riêng hoặc cộng điểm cho bất kỳ đối tượng nào và phải được tổ chức thường niên, nghiêm ngặt.

Có thể gồm 8 môn thi: văn, toán ,vật lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ  theo chương trình phổ thông nâng cao. Thí sinh có thể tự chọn môn thi, chỉ cần đạt 4 môn trên trung bình là đỗ, nhưng trong 4 môn đó có 2 môn bắt buộc là môn ngoại ngữ và 1 môn tùy chọn toán hoặc văn; phân loại bằng Tú tài thành 3 loại: A-đỗ 8 môn, B-đỗ 6 môn và C-đỗ 4 môn. Trong bằng phải ghi rõ điểm số của từng môn. Được thi lại nhiều lần một hay nhiều môn chưa đủ điểm, bảo lưu điểm thi môn đã đỗ 3 năm.

Những thí sinh có bằng Tú tài A có thể chọn bất kỳ trường ĐH nào để ghi danh, những thí sinh đỗ B hoặc C chỉ được ghi danh vào những trường ĐH có chuyên ngành phù hợp với những môn mình đỗ. Giá trị ghi danh là 10 năm.

Trong đời người học chỉ có một kỳ thi văn hóa duy nhất này cho những ai có nhu cầu. Kinh phí thi cử này lấy chủ yếu từ lệ phí thi cử của thí sinh. Phần đóng góp của nhà nước chỉ dành hỗ trợ cho một phần lệ phí của thí sinh từ các trường Phổ thông nâng cao công lập thi lần đầu. Các thí sinh tự do sẽ đóng đầy đủ, càng thi nhiều lần, nhiều môn thì càng phải đóng nhiều.

4 cái lợi

Bằng tú tài này sẽ được bảo lưu 10 năm, trong thời gian đó, học sinh hoàn toàn có quyền sử dụng nó để ghi danh tuyển vào các trường ĐH. Đây chính là cái lợi thứ nhất - tức là các trường Đại học không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi ĐH phức tạp, chỉ cần xét Bằng tú tài và phỏng vấn (trường nào thấy cần tổ chức kỳ thi ĐH riêng thì cứ việc tự tổ chức). ĐH nào uy tín sẽ có nhiều người ghi danh.

Cái lợi thứ hai của việc này là học sinh sẽ không bị nặng nề chuyện thi cử, vì thi thường niên, không giới hạn tuổi tác, không đỗ môn nào năm sau thi lại môn đó, hoặc chọn môn khác cho đến khi đỗ hoặc chán thi thì thôi. 

Trường học cũng không mất công nhào nặn kết quả thi bởi họ không phải tổ chức một kỳ thi nào cả, chỉ tập trung cho chất lượng học tập thôi. Số học sinh thi đỗ là thước đo khách quan chất lượng của trường. Các trường phải tự tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học một cách trung thực.

Cái lợi thứ ba là không ngăn cản bất kỳ cơ hội phát triển học tập của bất kỳ cá nhân nào. Không phải chỉ một lần thi đại học may rủi không đỗ là mất hết tương lai như hiện nay .

Hết các cấp học, học sinh chỉ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình học và học bạ thay vì tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay. Rõ ràng, không có kỳ thi nào nghĩa là chấm hết trò gian lận trong thi cử ở bậc PT, nhưng có thể một số trường PT vẫn không trung thực, cứ thích tạo ra những học bạ thật đẹp để giữ gìn danh tiếng của họ?

Tất nhiên cũng sẽ xuất hiện chứng nhận kém, rởm… nhưng chúng sẽ không có hại gì nhiều cho xã hội, vì với việc học nghề, với các nhà tuyển dụng lao động, chứng nhận đó của người xin việc chỉ là một yếu tố tham khảo, kỹ năng nghề và khả năng lao động mới là điều quan trọng nhất.

Còn để tiếp tục học nghề trung cấp, cao đẳng thì đã có hàng rào tuyển chọn theo yêu cầu của từng trường. Còn muốn vào đại học thì tối thiểu phải có bằng tú tài, không phụ thuộc vào bảng điểm của trường. 

Các trường nghề, cao đẳng nào muốn liên thông lên đại học thì phải có chương trình bồi dưỡng cho học sinh trường mình dự thi tú tài thường niên, không thể lợi dụng xin cho nhãn mác như hiện nay. Số lượng và chất lượng đầu vào rộng mở cho đại học, loại bỏ chuyện xin cho chỉ tiêu. Không còn chuyện vì chỉ tiêu công lập mà ngoài công lập mất cơ hội tuyển sinh.

Cái lợi thứ tư là giảm sự can thiệp sự vụ của Bộ GD&ĐT và cơ quan quản lý. Bộ chỉ còn một việc cụ thể phải lo là tổ chức tốt kỳ thi tú tài thường niên.

Cũng cần nhấn mạnh, xây dựng cấu trúc hệ thống giáo dục mà chúng ta đang nói ở đây không gây xáo trộn, thêm công việc hay tốn kém gì thêm đối với xã hội cả. Nó chỉ hoàn thiện, sắp xếp lại cấu trúc hiện tại. Chỉ cần trên cơ sở hiện có đó nhưng thiết kế tốt thì sẽ hữu ích và hiệu suất hơn, tạo điều kiện dạy thực và học thực, loại bỏ được nhiều khả năng sinh ra tiêu cực.

Cũng là hệ thống 12 năm như cũ nhưng cái khác biệt của hệ thống này so với hệ thống cũ, chính là ở chỗ Hệ thống Phổ thông cũ kết thúc ở 12 năm, hệ thống mới này xác định một người hoàn thành trình độ phổ thông là sau 10 năm, hai năm 11,12 chỉ là nâng cao thêm trình độ, ai muốn và có khả năng thì hãy tham gia. Như vậy thì việc thi tốt nghiệp PT 12 năm như hiện nay là mặc nhiên bãi bỏ. 

Theo Viện Hàn lâm KH VN
MỚI - NÓNG