Đề thi THPT quốc gia thử nghiệm: Toán hay, Văn và Vật lý khó

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2016. Ảnh: Như Ý
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2016. Ảnh: Như Ý
TP - Chiều ngày 20/1, sau nhiều ngày chờ đợi, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi thử nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017 gồm 14 môn. Trong đó, đa số các môn thi đều áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan (trừ Ngữ Văn). Dưới đây là những nhận xét ban đầu của các giáo viên về bộ đề thi có hình thức hoàn toàn mới mẻ này.

Đề Toán: Hay nhưng kiến thức phân bố không đều

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Toán Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) nhận định, đề thử nghiệm môn Toán khá hay và phân loại tốt, giữ nguyên cấu trúc như đề minh họa trước đó tuy nhiên đề chưa phân bố kiến thức đều trong chương trình học sinh được học. Cụ thể, đề có 50 câu thì có tới 11 câu ở chương I, 10 câu ở chương II là hơi nhiều, trong khi có 4 câu ở khối đa diện và hình không gian lại quá ít.

Theo cô Thúy ở hai chương trên mỗi phần chỉ có khoảng 7-8 câu là vừa phải. Ngoài ra, ở phần hình không gian nên cho thêm khoảng 2 câu cơ bản tính thể tích và một câu hỏi khó về khoảng cách. Cô Thúy cho rằng, đề có một câu liên hệ thực tế nhưng chưa thật đặc sắc hay có tính thời sự gắn với môn toán. Đề cũng có câu hỏi số 8 nằm ngoài chương trình sách giáo khoa vì thực tế học sinh lớp 12 phải học sinh khá giỏi mới có thể làm được.

Đề Văn khó, Sử vừa sức

Đề Văn thử nghiệm gồm hai phần gồm đọc hiểu và làm văn. Trong đó, phần đọc hiểu với 4 câu hỏi chiếm 3 điểm ra một trích đoạn trong bài “Mặt đường khát vọng” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Phần làm văn chiếm 7 điểm với hai câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn ngắn và phân tích một trích đoạn trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” để làm sáng tỏ một nhận định.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn, Trường THPT Chương Mỹ A nhận định, đề thử nghiệm rất hay, kiến thức toàn diện, giữ đúng cấu trúc như đề minh họa tuy nhiên đề khó hơn rất nhiều so với đề minh họa công bố trước đó. Cô Nga phân tích, phần đọc hiểu đề ra trích lược được đoạn hay của tác phẩm. 4 câu hỏi đặt ra các yêu cầu toàn diện, buộc học sinh phải có hiểu biết về nội dung, ý nghĩa, biện pháp tu từ, cách sử dụng từ ngữ và có khả năng cảm thụ văn học.

Cô Nga cho rằng, với đề thử nghiệm này học sinh chỉ có 120 phút làm bài là quá ngắn, các em phải chật vật mới làm được. Cô dự đoán, đa số học sinh sẽ không làm hết đề, đặc biệt học sinh khá giỏi dễ bị sót ý, thiếu ý nên khó đạt điểm cao.

Một giáo viên dạy Văn khác ở Hà Nội dự đoán, với đề thử nghiệm này, học sinh giỏi nhất cũng chỉ đạt được 8,5 điểm, trong khi học sinh trung bình nhiều em không đạt điểm 5. Bởi theo giáo viên này, câu 3 (5 điểm) là câu khó, đòi hỏi học sinh phải viết được nhiều ý, bao quát hết được kiến thức tác phẩm, bám vào đề yêu cầu mới đạt điểm tối đa, trong khi đó thời gian thực hiện đề thi quá eo hẹp sẽ là nguyên nhân chính để học sinh khó đạt điểm cao trong môn Ngữ Văn năm nay.

“Với đề thử nghiệm môn văn học sinh chỉ có 120 phút làm bài là quá ngắn, các em phải chật vật mới làm được. Đa số học sinh sẽ không làm hết đề, đặc biệt học sinh khá giỏi dễ bị sót ý, tahiếu ý nên khó đạt điểm cao”.     

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga,

Tổ trưởng môn Ngữ Văn, Trường THPT 

Chương Mỹ A

Theo các giáo viên, đề thử nghiệm môn Lịch sử có thời gian làm bài là 50 phút nhưng đề dài tới 5 trang. Việc học sinh đọc qua đề một lượt cũng mất khoảng 10 phút. Nhận định về đề thi sử, thầy Trần Trung Hiếu, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu Nghệ An cho rằng, đề thử nghiệm kiến thức trung bình, vừa sức với học sinh.

Theo thầy Hiếu, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản sẽ làm hết được 50 câu trong thời gian quy định mà không quá chật vật. Riêng học sinh giỏi có thể làm trong 30 phút bởi đề không có câu hỏi nào quá khó hay đánh đố buộc học sinh phải suy nghĩ. Tuy nhiên, thầy Hiếu nhận định, đây là một đề khá bao quát kiến thức từ lịch sử Việt Nam đến thế giới. “Với đề thi này, học sinh hoàn toàn yên tâm khi học vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 6-7, học sinh giỏi không khó để lấy điểm 8-9”, thầy Hiếu nhận định.

Tương tự, đề thử nghiệm Địa lý cũng được giáo viên đánh giá khá vừa sức với học sinh, không có câu hỏi đánh đố tuy nhiên nếu không nhanh các em sẽ khó làm hết 40 câu trong thời gian 50 phút.

Đề Vật lý:  hay nhưng khó

Thầy Bùi Thái Học, giáo viên Vật lý, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết so với đề thi thử công bố lần đầu, đề thi môn Vật lý lần này đã được Bộ GD&ĐT ra “nuột” hơn. Theo đánh giá của tôi đề hay, phân loại tốt học sinh, điểm thi của học sinh không thấp. Điểm dồn chủ yếu ở mức từ 6 đến 8, phù hợp với yêu cầu một kỳ thi hai mục đích mà Bộ GD&ĐT đã đề ra.

Cấu trúc đề chuẩn theo quy định của Bộ. Tỷ lệ là 4/2/3/1. Tức là 16 câu đầu (40%) ở mức độ nhận biết, 8 câu tiếp theo là mức độ thông hiểu. Như vậy 60%  số câu đầu tiên học sinh sẽ làm được rất nhanh nếu nắm vững kiến thức cơ bản. 40% số câu sẽ ở mức phân loại để xét tuyển sinh ĐH. Trong đó, 30% là kiến thức cơ bản để xét ĐH, 10% số câu có rất nhiều bài toán lạ, đòi hỏi thí sinh phải thực sự giỏi mới làm được. 

“Nhưng nếu chỉ làm trong 50 phút là rất căng đối với đề này. Phải là học sinh giỏi thì mới vượt qua được 40 câu này trong 50 phút, còn kết quả thế nào cũng chưa nói được” – thầy Học cho hay.

Nhận xét về đề Hóa, thầy Phạm Trọng Thịnh, giáo viên dạy Hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho hay trong đề thi thử nghiệm có cấu trúc và mức độ tương đương như đề minh họa. Các câu trong nội dung đề thi nằm trong chương trình 12 đúng như Bộ đã thông báo. Trong đề thi có sự tách biệt giữa các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu với các câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

MỚI - NÓNG