ĐH Công nghệ Giao thông vận tải công bố ngưỡng điểm xét tuyển

Điểm đầu vào ĐH Công nghệ Giao thông vận tải từ 15,5 điểm.
Điểm đầu vào ĐH Công nghệ Giao thông vận tải từ 15,5 điểm.
TPO - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải đã công bố ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển.    

Theo đó, hai cơ sở đào tạo tại Thái Nguyên và Vĩnh Phúc mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 15.5 điểm.

Còn tại cơ sở Hà Nội, mức điểm nhận hồ sơ từ 16 điểm đến 18 điểm.

Được biết, năm 2017, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải có một số ngành đào tạo theo mô hình một không – hai có

Đó là sinh viên không  phải đóng học phí, có học bổng khuyến khích hỗ trợ học tập, có việc làm tại doanh nghiệp đặt hàng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường tại  một số ngành đào tạo ĐH  trong năm học 2017 của Trường.

Đây là mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đặt hàng của 02 công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là Công ty Cổ phần FECON và Công ty Cổ phần LICOGI 16, với mục tiêu sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất mà doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo và đánh giá sinh viên như cử chuyên gia để tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn, tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, dạy kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên và tham gia chấm đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Sinh viên được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại Trường; học thực hành, thực tập tại các công trường trong và ngoài nước và trên các thiết bị máy móc hiện đại của doanh nghiệp.

Sinh viên được doanh nghiệp cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường nếu đáp ứng một số tiêu chí doanh nghiệp đưa ra, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí trong suốt khóa học, được hỗ trợ kinh phí đi lại, tiền ăn, ở trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp hoặc công trường; được cấp học bổng bổng khuyến khích học tập trong từng năm học.

Mô hình đào tạo này cũng rất phù hợp với định hướng đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ của Trường Đại học Công nghệ GTVT; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội đất nước cũng như phù hợp với các chính sách phát triển giáo dục bậc đại học theo xu hướng ứng dụng của Việt Nam.

Năm 2017, Trường Đại học Công nghệ GTVT tuyển sinh 02 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Máy xây dựng; 01 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Xây dựng Cầu đường bộ; 01 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng Cầu- hầm, mỗi lớp 30-40 sinh viên trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường cho 2 công ty FECON và LICOGI 16.

MỚI - NÓNG