Điểm cao vẫn có thể rớt đại học

Điểm cao vẫn có thể rớt đại học
TP - Năm nay, thí sinh sau khi biết điểm thi rồi mới chọn ngành, chọn trường và có thể rút hồ sơ từ trường này để nộp sang trường khác nếu thấy không có khả năng đậu. Tuy nhiên, nếu không biết tận dụng, thí sinh vẫn có thể rớt đại học dù điểm cao.

Theo ghi nhận của PV, tại TPHCM có 8 cụm thi THPT Quốc gia nhưng chỉ mới có hai cụm thi hoàn thành công tác in sao và chuyển giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh cho các Sở GD& ĐT để trả cho thí sinh gồm cụm thi Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM và Đại học Sài Gòn.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: “Ngay khi có file gốc từ Bộ GD&ĐT, trường đã in sao ngày đêm để kịp trả giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh cho Sở GD&ĐT TPHCM vào chiều 27/7 và Tây Ninh sáng 28/7”. Tương tự, Đại học Sài Gòn cũng đã giao giấy chứng nhận kết quả cho Sở GD&ĐT TPHCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Long An trong ngày 28/7.

Trong khi thí sinh nóng lòng chờ giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, phiếu báo điểm, học bạ… để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh vào ngày 1/8 nhưng sớm nhất cũng phải ngày 29/7 mới có trường trả cho thí sinh, thậm chí có trường đến ngày 31/7 mới trả đầy đủ hồ sơ. Nguyễn Trần An, học sinh một trường THPT tại Thủ Đức, TPHCM cho biết: “Hôm nay, em lên trường lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và rút học bạ nhưng cán bộ trường thông báo ngày 31/7 mới có. Họ nói vẫn phải chờ giấy chứng nhận tốt nghiệp từ bộ, từ sở”.

Nhiều thí sinh tự do ở các tỉnh gần như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... phải đi hàng trăm cây số từ nhà lên TPHCM để nhận giấy báo điểm nhưng phải về tay không. Nguyên do là các cụm thi vẫn chưa in kịp giấy báo điểm.

Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh trường Đại học Hoa Sen cũng khuyên thí sinh nên bình tĩnh trước khi chọn trường, chọn ngành và cẩn trọng khi rút hồ sơ từ trường này nộp sang trường khác. Ông Bình lấy ví dụ: “Giả sử, thí sinh đăng ký chọn hai ngành gồm Quản trị kinh doanh (QTKD) và Kinh doanh quốc tế (KDQT). Sau ba ngày, thứ tự xếp hạng của thí sinh lần lượt là QTKD xếp thứ 180/200 còn KDQT là 220/200. Theo lý thuyết, ngành QTKD trúng tuyển còn ngành KDQT rớt nhưng thực tế chưa hẳn bởi nó còn lệ thuộc vào thứ tự ưu tiên của các thí sinh như thế nào nữa”.

Do đó, nếu không dự đoán được tình hình, tham khảo phổ điểm các năm trước mà vội vàng nộp, rút hồ sơ từ trường này sang trường khác, thí sinh vẫn có thể rớt đại học, dù điểm cao. “Điểm thấp hơn nhưng thí sinh vẫn có thể đậu đại học nếu bình tĩnh chọn ngành, chọn trường phù hợp…”, ông Bình nói.

Ngoài ra, theo ông Bình, thí sinh rút và nộp hồ sơ nhiều lần sẽ dẫn đến mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến việc chọn trường trong những lần sau. “Vì thế, căn bản là phải dự đoán được điểm chuẩn của ngành nghề yêu thích có phù hợp hay không và đây có thể xem là bài thi thứ hai cho cả thí sinh lẫn phụ huynh trong kỳ thi lần này”, ông Bình nói. 

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh ở xa không có điều kiện đi lại, trường sẽ cho phép thí sinh ủy quyền cho người khác đến rút hồ sơ (giấy ủy quyền có chứng nhận của địa phương). Bên cạnh đó, trường còn dự tính sẽ đặt một vài điểm thu nhận và trả hồ sơ cho thí sinh ở một số nơi như Đắk Lắk, Bình Định, Quãng Ngãi...

Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho phép thí sinh ủy quyền người khác đến nộp và rút hồ sơ. “Tuy nhiên, thí sinh dù ở xa cũng nên tự mình đến nộp và rút hồ sơ để được nghe tư vấn, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn, tránh được nhiều rủi ro khi ủy quyền cho người khác”, đại diện trường Đại học Kinh tế TPHCM khuyên.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.