Điều chuyển 26.000 giáo viên: Chỉ là giải pháp tình thế

TPO - Một trong những vấn đề nóng ngành giáo dục ưu tiên giải quyết là xử lý số lượng lớn các giáo viên phổ thông bị dôi dư trên toàn quốc với con số khoảng 26.000 giáo viên. Câu hỏi đặt ra đây là một chỉ đạo nhân văn hay chỉ là sai từ phía Bộ GD&ĐT.

Có sốc?


Việc xây dựng khung chương trình văn bằng 2 để đào tạo lại khoảng 26.000 giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chuyển này nếu không được triển khai cẩn thận sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Chị Nguyễn Thị Hương, một giáo viên mần non ở Hà Nội cho rằng, việc giáo viên phải đi học lại từ đầu là một trở ngại lớn. 

“Chúng tôi được học bài bản, có kĩ năng đúng tâm lí lứa tuổi cho trẻ mầm non mà nhiều khi không kiềm chế được bản thân,  có khi vẫn để xảy ra những vụ bạo lực học đường trong khi đó, các giáo viên này chỉ học cấp tốc trong 1 năm. Mặt khác chắc gì họ đã thích đi dạy trẻ con. Nếu chỉ vì để có một công việc mà không yêu nghề thì sẽ cực kì nguy hiểm”- cô Hương nhận định.

Một giáo viên mầm non khác ở quận Tây Hồ (Hà Nội) nhận định, giáo viên mầm non là một nghề cực kì nhiều áp lực: “Chúng tôi bị áp lực từ giờ giấc, thu nhập đến cả trình độ, các kỹ năng. Thử xem không hiểu tâm lý, yêu trẻ, cẩn thận xem có chăm được các cháu không. Vì vậy, đây không đơn giản là việc chuyển từ bậc này xuống bậc khác mà thay đổi hoàn toàn tính chất công việc”- giáo viên này nhận định. 

Để giải quyết sự khác biệt giữa hai bậc học, Bộ GD&ĐT đề nghị với các trường sư phạm và đã giao cho ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình văn bằng 2 để đào tạo lại các giáo viên dôi dư.

Theo thông tin từ ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên phổ thông muốn dạy mầm non phải tham gia học đủ 54 tín chỉ để lấy văn bằng 2 đại học bậc mầm non và 45 tín chỉ để lấy văn bằng 2 cao dẳng bậc mầm non các giáo viên được đào tạo từ xa, đào tạo tập trung và thực tập tại các trường mầm non.

Các môn học được thiết kế khá đa dạng từ: Sinh lý trẻ em, Con người và môi trường, Tâm lý học trẻ em, Dinh dưỡng và vệ sinh trẻ em,…
Tuy nhiên, thời lượng những môn này khá ngắn gọn chỉ 15-30 tiết lý thuyết. Tổng thời gian đào tạo khoảng 1 năm. 

Hiện, chương trình đã thiết kế xong và đang trong quá trình thẩm định. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế mà Bộ bắt buộc phải đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên thiếu tính toán ở một số địa phương.

Chưa chuẩn?

Một nguyên Vụ trưởng của một Vụ GD&ĐT nhận định, việc điều chuyển này chưa thực sự chuẩn. 

Vị nguyên Vụ trưởng cho rằng, lẽ ra phải tiếp cận từ tiêu chuẩn nghề của giáo viên mầm non để biết bản chất việc làm của người giáo viên mầm non và yêu cầu về năng lực (Kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp...) để từ đó làm cơ sở so sánh thiết kế trình độ và chương trình đào tạo. 

“Nếu công việc của giáo viên mầm non chỉ cần trình độ Trung cấp hay cao đẳng thì há gì phải thiết kế văn bằng hai đại học... Mặt khác, phải so sánh đối tượng người học (sự trải nghiệm và năng lực của các cử nhân sư phạm thất nghiệp ở các chuyên ngành rất khác nhau... như Toán, Văn, Ngoại ngữ... bây giờ cho hết vào một rọ với chương trình 54 tín chỉ là cách làm không hợp lý. Phải phân loại đối tượng, xem chương tình học của mỗi nhóm đối tương, rồi miễn trừ những kiến thức nào có thể... khi ấy mới có chương trình đào tạo sát với đối tượng người học. Thêm nữa là không dựa vào Khung trình độ quốc gia để thiết kế... cho nên cao đẳng chỉ kém đại học có 9 tín chỉ là vô lý”-  vị nguyên Vụ trưởng này phân tích.

Vị nguyên Vụ trưởng này cũng đặt câu hỏi, nếu là nhân văn thì liệu sau khi học xong cái chương trình ấy, các giáo viên có thấy phù hợp không?

“Việc điều chuyển này có được làm và làm được không? Và cuối cùng là các cháu học sinh mầm non ,mẫu giáo có được hưởng lợi không? Nếu chất lượng đào tạo không tốt thì có khi còn làm hại chính các cô, các cháu và tổn hại cho xã hội. Vì thế, theo tôi nên đào tạo kỹ năng theo trình độ trung cấp chuyên nghiệp là đủ. Có điều phải trả lương cho người  ta sống được”- nguyên Vụ trưởng này nhận định.

MỚI - NÓNG