Đổi máu gieo chữ ở vùng sâu

Nhóm lửa cho học trò sưởi ấm vào những ngày giá rét.
Nhóm lửa cho học trò sưởi ấm vào những ngày giá rét.
TPO - Không chỉ là những thầy giáo mang sứ mệnh dạy chữ cho con em vùng sâu mà hàng ngày, họ còn là những thợ... sữa chữa nhà, người chuyên chở hàng từ thiện lên rẻo cao. 

Đổi máu gieo chữ

Trường tiểu học Tri Lễ 4 cách trung tâm huyện Quế Phong hơn 40 cây số đường rừng. Vậy mà có ngày những giáo viên nam của trường phải quay đi về 4 chuyến để vận chuyển giúp hàng từ thiện tới cho con em dân bản. Thầy giáo Hờ Bá Rùa chia sẻ: “Ai lần đầu đến đây cũng phải rơi nước mắt vì thấy cảnh đường sá vượt rừng vào với dân bản. Không ai tài giỏi gì cả, vì trách nhiệm, vì tình yêu với nghề và cả miếng cơm manh áo mà có những giáo viên đã phải trả bằng máu và nước mắt sau mỗi lần vượt rừng ra đồng bằng và quay trở lại trường”.

Người được thầy Rùa nhắc đến là thầy giáo Nguyễn Kỳ Tài (nay đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2). Thầy Tài cho biết: “Năm ngoái, trong một lần từ di chuyển bằng xe máy từ trường ra trung tâm xã, tôi  bị ngã. Chân va vào một tảng bên đường, máu chảy lênh láng. May nhờ có đồng nghiệp đi cùng xé quần cầm máu rồi đưa đi cấp cứu. Vụ tai nạn đó khiến tôi  phải điều trị cả tháng trời mới đi lại được”.

Đổi máu gieo chữ ở vùng sâu ảnh 1

Con đường đến trường đầy gam go của giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4. 

Ngôi trường đặc biệt

Trường tiểu học Tri Lễ 4 của huyện Quế Phong là một trong những ngôi trường có nhiều điểm rất đặc biệt. Trường có toàn bộ 41 cán bộ, giáo viên, tất cả đều là nam giới. Cả 5 điểm trường lẻ và điểm chính đều đang trong tình trạng tạm bợ và hơn 400 học trò thì tất cả đều là con em gia đình đồng bào dân tộc Mông…

“Chúng tôi tự hào với sự tin yêu của bà con dân bản, sự kính trọng của học sinh nơi vùng sâu heo hút này. Đây chính là liều thuốc tinh thần giúp chúng tôi vượt qua khó khăn hàng ngày mà yên tâm công tác”, thầy Tài chia sẻ.

Giáo viên ở trường Tiểu học Tri Lễ 4 nói riêng và phần lớn các trường vùng cao Nghệ An nói chung, bên cạnh công tác chuyên môn, họ phải là những người làm tốt công tác vận động quần chúng. “Thầy em rất chu đáo. Ngoài dạy chữ, thầy còn hát rất hay. Chúng em muốn học thầy mãi”, em Lỳ A Chá, bản Nậm Tột nói.

Đổi máu gieo chữ ở vùng sâu ảnh 2

 Sự cố trên đường vào trường.

Sau dịp nghỉ lễ dài ngày, tỷ lệ học sinh đến lớp lại thưa dần, để theo bố mẹ lên rừng.  Để kéo học sinh trở lại trường, giáo viên lại phải xuống từng nhà, giải thích cho các phụ huynh khuyên con em đến lớp.

Tại Tri Lễ, tất cả các điểm trường đều được dựng bằng gỗ và tre, qua mỗi năm đều bị hư hỏng nặng do mưa gió. “Sau mỗi trận mưa, trường lại bị dột, thậm chí đổ sập. Thầy trò lại vào rừng khiêng cây và chặt cọ về làm lại trường lớp để có chỗ học. Kể cũng khổ thật, nhưng rất vui…”, thầy Lê Viết Minh tâm sự.

Anh Lỳ Bá Dờ, Trưởng bản Nậm Tột, xã Tri Lễ cho biết: “Trường lớp ở đây đều do phụ huynh và giáo viên cắm bản dựng lên. Nhiều thầy giáo dưới xuôi lên đây dần cũng quen tay. Họ làm được hết từ lấy gỗ, xẻ gỗ đến lợp mái lá pơ mu. Họ được bà con coi như anh em họ hàng trong bản”. 

Xuất phát từ tình yêu thương học trò, từ tình cảm đồng nghiệp, các thầy giáo ở trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã vượt qua mọi khó khăn, làm tốt công tác giảng dạy, gieo chữ cho các em học sinh vùng cao.

MỚI - NÓNG