Đổi mới đào tạo giáo viên: Nhiều trường vẫn 'án binh bất động'

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT Nguyễn Hải Thập
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT Nguyễn Hải Thập
TP - Thực trạng chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện nay như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới? Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT Nguyễn Hải Thập trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong xung quanh vấn đề này.

Ông Thập cho biết: Từ giữa năm 2015 Bộ đã tổ chức các hội thảo, tập huấn đối với đại diện tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên trên toàn quốc một số vấn đề về đổi mới chương trình (CT) đào tạo sư phạm. Từ khoá tuyển sinh năm 2016 các trường sẽ đào tạo theo CT mới. Các trường sư phạm chủ chốt đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ hiệu trưởng và cùng nhau xây dựng CT chung.

Thời gian qua, dư luận cũng cho rằng chương trình đào tạo của các trường sư phạm còn lạc hậu. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đúng là còn rất lạc hậu. Khi triển khai NQ29, chúng tôi rất quan tâm đến CT đào tạo của các trường sư phạm. Có nhiều vấn đề cần phải bổ sung và thay đổi. Tôi nghĩ không riêng các trường sư phạm lạc hậu nhưng các trường ĐH khác sớm thay đổi còn sư phạm chậm đổi mới hơn.

Nguyên nhân tại sao các trường sư phạm lại “đi sau” trong đổi mới, thưa ông?

Vì tính cạnh tranh của các trường sư phạm ít. Thứ hai là hậu quả không thấy ngay. Các trường cũng còn ỷ lại.

Vậy theo ông, đổi mới chương trình, sách giáo khoa  sắp tới, các trường sư phạm có “chạy” cùng Bộ không?

Các trường đang “chạy” rồi, một số trường tiên phong “chạy” trước, một số trường CĐ sư phạm địa phương vẫn còn “nằm im”. Một năm vừa qua Bộ GD&ĐT đã có nhiều kênh tác động đến các trường sư phạm, đã có tập huấn ban đầu về đánh giá năng lực nhưng tập huấn xong, nhiều trường vẫn “nằm im”.

Trước đây Bộ quy định CT khung, nay chúng ta đang chuyển cơ chế, tăng cường mạnh mẽ tích tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, Bộ giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ về CT theo Luật Giáo dục đại học thì cũng cần có thời gian để các trường tiếp cận và dần dần biết cách làm thực sự. Các đợt tập huấn trước đây và đợt tập huấn này do Bộ tổ chức là để nhằm mục đích đó. Bộ chỉ giám sát các trường thực hiện và yêu cầu các trường kiểm định nên các trường phải tự làm, tự điều chỉnh. Kiểm định chất lượng cũng là một hình thức để “thúc” các trường đổi mới.

Với các giáo viên đương nhiệm, chương trình bồi dưỡng cho họ sẽ như thế nào?

Từ thực trạng đội ngũ giáo viên phổ thông hiện tại, đối chiếu với CT mới thì sẽ rõ nhu cầu bồi dưỡng. Các trường sư phạm sẽ nghiên cứu để xây dựng CT bồi dưỡng giáo viên. Chuẩn đầu ra của đào tạo hiện nay và yêu cầu của CT giáo dục phổ thông mới sẽ “lộ” ra thực trạng giáo viên hiện tại đang yếu ở điểm nào. Đào tạo và bồi dưỡng phải đi liền nhau. Một số trường sư phạm đã và đang phối hợp với các sở GD&ĐT khảo sát thực tế năng lực giáo viên phổ thông để phục vụ cho quá trình này.

Năm học 2018-2019 sẽ triển khai đại trà CT-SGK mới, đội ngũ giáo viên liệu có đáp ứng được yêu cầu?

Không những hy vọng mà chắc chắn phải đáp ứng được. Khi xây dựng CT giáo dục phổ thông mới, Bộ đã cân nhắc điều này, đã tính đến chuyện giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu của CT-SGK mới. Thực tế hiện nay giáo viên phổ thông đang được bồi dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới, năng lực của họ sẽ tiếp tục nâng lên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. 

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG