Dự kiến bỏ kỳ thi đại học từ năm 2010

Dự kiến bỏ kỳ thi đại học từ năm 2010
“Chúng tôi đang xây dựng nhanh nhất và hiệu quả nhất chủ trương gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học làm một, để năm 2010 chủ trương này có thể thực hiện trên toàn quốc”, ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói.
Dự kiến bỏ kỳ thi đại học từ năm 2010 ảnh 1
Tới đây, học sinh sẽ không còn phải tham dự những kỳ thi đại học gay cấn. Ảnh: Công an Nhân dân.

Xin ông cho biết vì sao phải gộp hai kỳ thi như đã nói và việc triển khai đối với kế hoạch này sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là việc xét tuyển đại học?

Việc dự định tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học là để khắc phục những bất cập thi cử hiện nay như: tốn nhiều thời gian cho thi cử, công sức, tiền bạc; đảm bảo tính nghiêm túc của mọi kỳ thi, đảm bảo khách quan, chính xác và công bằng...

Tất nhiên, triển khai vấn đề này không phải dễ; phải bàn bạc kỹ từ vấn đề ra đề thi, sao in đề thi, tổ chức thi, xét tuyển, trong đó phải có sự phối hợp của phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, và của tất cả các lực lượng khác trong xã hội, cũng như việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin...

Việc xét tuyển sinh đại học cũng đang bàn thảo, có nhiều phương án và nhiều ý kiến tranh luận, nhưng theo quan điểm là các trường sẽ tự chủ quyết định, Bộ chỉ quy định các khung cơ bản: Ví dụ công tác ra đề thi, chỉ đạo tổ chức thi, số môn thi quốc gia, tuyển sinh theo ngành...

Tóm lại, công việc này Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng chỉ mới dự thảo. Bộ GD- ĐT sẽ còn thu thập nhiều ý kiến, sẽ xử lý và quyết định.

Nếu xét tuyển bằng hình thức như vậy, có ý kiến cho rằng sẽ không hợp lý do mục đích của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học hoàn toàn khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là mục đích của hai kỳ thi khác nhau song có một điều chung phải thực hiện là thi cử thì phải nghiêm túc và không được phiền hà, tốn kém.

Điều quan trọng ở đây là vấn đề quy định chuẩn và số lượng môn thi, mặt bằng xét tốt nghiệp hoặc đại học, quy định lượng hóa điểm số của mỗi môn cho tốt nghiệp phổ thông hay xét tuyển đại học, có thể quy định tổng số điểm tốt nghiệp cho các vùng miền khác nhau cũng sẽ khác nhau...

Xin nêu một ví dụ: thi tuyển đại học nhưng cũng sử dụng kết quả đó để xét tuyển cao đẳng với điểm sàn cao đẳng thấp hơn điểm sàn đại học là 3 điểm (chúng ta áp dụng tương đối tốt từ 3 năm nay, mỗi trường đại học có một điểm trúng tuyển khác nhau, có lúc chênh lệch tới 10 điểm...).

Tuy nhiên, thi tốt nghiệp phổ thông đòi hỏi kiến thức phổ cập toàn diện hơn, mức độ cũng không chuyên sâu về các môn như thi tuyển sinh đại học, điều này chúng ta sẽ có cơ chế để làm được.

Ví dụ chuẩn thi quốc gia là một số môn công cụ (có thể là 3 môn) mà cả tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học đều cần, còn lại thì tính phổ cập của tốt nghiệp phổ thông, tính chuyên sâu và đặc thù của tuyển sinh  đại học sẽ giao cho các sở GD-ĐT (lấy điểm kiểm tra một số môn cuối học kỳ chẳng hạn) hay các trường đại học thực hiện (thi kiểm tra một môn đặc thù của từng trường)...

Đây chỉ là một phương án đang thảo luận, nhiều phương án khác cũng đang được bàn thảo. Tóm lại, chúng ta thực hiện được “tính hợp lý” của một kỳ thi quốc gia dùng cho cả hai mục đích đã nêu. 

Thông thường, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ tổ chức cho những học sinh lớp 12. Vậy nếu gộp hai kỳ thi làm một, những học sinh đã tốt nghiệp nhưng trượt tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm trước, Bộ GD-ĐT dự định tổ chức tuyển sinh như thế nào đối với những học sinh đó, thưa ông?

Dự kiến bỏ kỳ thi đại học từ năm 2010 ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long. Ảnh: XM.

Hiện nay Bộ đang tổ chức đổi mới hình thức đào tạo, chuyển từ niên chế sang tín chỉ, liên thông đa dạng giữa các bậc học. Nếu các em trượt đại học năm nay thì có thể học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề... Và các em có thể yên tâm vì học hết trình độ đào tạo đó, nếu muốn, các em sẽ tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn.

Tuy nhiên, nếu không muốn thời gian để được tuyển vào đại học phải kéo dài, như phương án trên đã nêu, các em chỉ dự thi các môn công cụ quốc gia và đăng ký dự tuyển 1 môn đặc thù của trường đại học...

Nhiều người dự đoán rằng khi nhập hai kỳ thi làm  một, tình trạng gian lận thi cử có thể tăng hơn, nhất là khi kỳ thi được tổ chức ngay tại các địa phương. Ông có thể cho biết Bộ GD-ĐT đã tính đến điều này chưa và giải pháp để ngăn chặn nó sẽ như thế nào?

Bộ đã tính hết vấn đề này. Cách thức tổ chức thi phải làm sao để không có gian lận xảy ra. Chúng ta đang triển khai cuộc vận động “hai không” chính vì mục đích đó.

Tôi xin nhấn mạnh: điều quan tâm đầu tiên của thi cử là phải nghiêm túc. Nếu không làm được việc này thì không nên bàn tổ chức hai kỳ thi hay một kỳ thi.

Trước nhiều băn khoăn của dư luận, có quan điểm mạnh dạn đề đạt nên bỏ một trong hai kỳ thi chứ không kết hợp chúng làm một. Theo ông quan điểm này có khả thi không?

Thật ra, ở một số nước họ cũng làm như vậy, ví dụ không thi tốt nghiệp phổ thông mà chỉ cấp chứng chỉ, đại học thì vẫn phải thi. Có nơi vào đại học thì chỉ cần ghi danh... rất đa dạng. 

Nhưng ở nước ta có những đặc điểm khác, vì vậy chúng ta đang kết hợp nhiều cách làm, song phải đảm bảo dễ triển khai. Thi cử là vấn đề rất nhạy cảm, áp lực thi vào đại học vẫn còn lớn. Chúng ta sẽ dần tìm được phương thức tối ưu. 

Với kế hoạch còn đang chung chung và chưa có gì cụ thể, vậy việc thực hiện gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học làm một, theo ông có diễn ra đúng kế hoạch dự định vào năm 2009?

Chúng tôi đang xây dựng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để đến năm 2010 chủ trương này có thể thực hiện trên toàn quốc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tú Anh
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.