Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia từ 1-4/7/2015

Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia từ 1-4/7/2015
TP - Quy chế một kỳ thi quốc gia vừa được công bố, thí sinh cả nước rất quan tâm đến những vấn đề mới và cụ thể của kỳ thi này. Tiền Phong mở chuyên mục “Giải đáp tuyển sinh” trả lời thắc mắc của bạn đọc về kỳ thi và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2015. Câu hỏi xin gửi về địa chỉ: Giải đáp tuyển sinh, Ban Khoa giáo, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội; hoặc email: hothubaotienphong@gmail.com; hoặc nhắn tin theo số: 0914939693. 

Kỳ thi chung sẽ được tổ chức vào thời gian nào, khi nào các cụm thi sẽ được công bố?

Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT. Theo đề án kỳ thi THPT quốc gia thì ngày thi năm nay dự kiến từ 1-4/7. Hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh cũng như qui định về các cụm thi sẽ được công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi.

Năm 2015 mỗi thí sinh có bao nhiêu nguyện vọng và quy trình xét tuyển đối với các trường dựa trên kết quả kỳ thi chung ra sao?

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường. Trong thời gian xét tuyển nguyện vọng này, theo dõi thống kê tình hình nộp hồ sơ xét tuyển nhà trường công bố, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thí sinh có quyền rút hồ sơ nộp sang trường khác.

Sau đợt xét nguyện vọng I, nếu không trúng tuyển thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường. Nghĩa là khi đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển. 

Trước đây, ở kỳ thi “ba chung”, thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa 2 khối thi ở 2 đợt thi khác nhau, mỗi khối vào 1 ngành của 1 trường. Nếu không trúng tuyển, phải tham gia xét tuyển các đợt bổ sung. Nay ở đợt đầu tiên tuy đăng ký xét tuyển vào một trường, nhưng các em có 4 nguyện vọng khác nhau với các tổ hợp xét tuyển khác nhau. Còn trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung các em có thể đăng ký đến 12 nguyện vọng vào các ngành khác nhau. 

Điều này tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào các trường mà các em yêu thích. Kinh nghiệm cho thấy, sau đợt xét tuyển thứ nhất, các trường đã tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu. Những đợt tuyển tiếp theo tuy số thí sinh ảo sẽ nhiều nhưng chỉ tiêu còn lại không lớn, nên sẽ không gây khó khăn nhiều cho các trường. 

Theo Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
MỚI - NÓNG