Giật mình với kinh phí nghiên cứu khoa học trong trường đại học

Giật mình với kinh phí nghiên cứu khoa học trong trường đại học
TPO - Xét về tổng mức đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học, ngành Giáo dục được đầu tư thấp hơn một số bộ, ngành như Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương.

Đó là nhận xét của Nhóm nghiên cứu  đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ khi tiến hành khảo sát hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011 – 2016.

Mạnh kỹ thuật, nông lâm y

Theo PGS. TS Vũ Văn Tích, trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia Hà Nội,  thống kê tại một số trường ĐH  về số lượng các dòng sản phẩm tiêu biểu cho thấy nhóm các trường có dòng sản phẩm KH&CN vượt trội như nằm trong khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ (KTCN)

Khối trường đại học KTCN (9/16 trường báo cáo) trong giai đoạn 2011-2015 đã có 1.729 hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết và thực hiện, tổng lợi nhuận từ nguồn thu các hợp đồng này là 553,09 triệu đồng.

Trong báo cáo, theo PGS. Vũ Văn Tích, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy điểm mạnh của hoạt động khoa học và công nghệ ngành GD&ĐT là nghiên cứu trong lĩnh vực nông- lâm- ngư -y. Nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của các trường ĐH nông nghiệp mà  nước ta đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về lúa, cà phê, hạt điều.

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học của các trường ĐH y-dược cũng là một thế mạnh so với các nước trong khu vực.

“Khối các trường nông-lâm-ngư-y giai đoạn 2011-2016 đã có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra, trong đó có 62 sản phẩm thuộc lĩnh vực y dược, 508 sản phẩm ứng dụng thuộc lĩnh vực nông lâm ngư” – báo cáo của nhóm khẳng định

Về báo cáo quốc tế, theo thống kê từ Web of Science, giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường ĐH có 5738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước.

Riêng một số trường kỹ thuật công nghệ với một năm gần nhất (trên cơ sở số liệu của nhóm 16 trường: (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa- Đại học Quốc gia.TpHCM, Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng) cho thấy công bố quốc tế giai đoạn 2011-2016 là có 1733/5.738 bài của cả nước (chiếm khoảng hơn 30% công bố ngành giáo dục trên cả nước).

Khối trường đại học nông, lâm ngư y thì đăng tải 7023 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế.

Khối các trường đại học sư phạm có các công bố trên các tạp chí có chỉ số ISI thuộc về khoa học tự nhiên, số công bố của khối các trường khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục còn rất hiếm. Nhìn chung, tổng số lượng bài báo quốc tế có chỉ số ISI được xuất bản trong cả giai đoạn 2011-2015 từ các trường sư phạm còn khá khiêm tốn so với số lượng nguồn nhân lực hiện có (804 bài quốc tế có chỉ số).

Tính trung bình 1 năm 1 nhà khoa học của Trường ĐH Kinh tế của ĐH Quốc gia HN công bố 1,45 bài và các nhà khoa học trường ĐH KHXH&NV công bố được gần 1 bài. Các trường khác, 1 năm đạt khoảng 0,5 bài.

Đánh giá tổng thể về mặt cơ cấu, chức năng và mô hình tổ chức ĐH hiện đại, hiện trạng các tổ chức KHCN trong hệ thống các trường ĐH, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra một số tồn tại như: Tổ chức hoạt động KHCN trong các trường chưa theo quy chuẩn về tổ chức hoạt động KHCN của  SRIC (S - Study; R - Research; I - Incubator; C - Commercialize), tương ứng với chuẩn kiểm định về kiểm định chất lượng đào tạo ĐH CDIO.

Thiếu nhiều trang thiết bị KHCN cho đào tạo và nghiên cứu theo chuẩn CDIO/SRIC, gây khó khăn cho đào tạo và nghiên cứu để hướng tới tạo sản phẩm chất lượng cao và thương mại hóa sản phẩm.

Kinh phí đầu tư quá thấp

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra thực trạng các nghiên cứu khoa học của các trường ĐH hiện nay  đang gặp phải khó khăn đó là kinh phí đầu tư. Trong bản báo cáo kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho biết đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN trong cả nước bình quân cả giai đoạn 2011-2015 vào khoảng 1,7% ngân sách Nhà nước tương đương 0,4% GDP, thấp so với các nước trong khu vực: Thái Lan là 0,48%; Malaysia 1,26% và Singapore là 2.2% GDP (theo tính toán của World Bank năm 2016).

Riêng về kinh phí đối với đầu tư trực tiếp cho hoạt động KHCN của các trường ĐH, nhóm nghiên cứu chỉ khẳng định là ít nhưng số lượng các sản phẩm KHCN lại nhiều hơn so với các viện nghiên cứu trong cả nước.

Kinh phí Ngân sách KHCN đầu tư cho hoạt động KHCN của ngành Giáo dục thấp. Đặc biệt, ngân sách KHCN đầu tư cho ngành Giáo dục trong những năm qua có xu thế giảm, trong khi số lượng các nhà khoa học trong ngành ngày càng tăng, số lượng các sản phẩm KHCN của các trường ĐH đóng góp cho tiềm lực KHCN quốc gia là lớn. Đặc biệt với sự tiến bộ của KHCN ngày càng nhanh, nhu cầu nghiên cứu trong các trường đại học ngày càng gia tăng.

Xét về tổng mức đầu tư, ngành Giáo dục được đầu tư thấp hơn một số bộ, ngành như Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương.

“Nếu tính bình quân cho một đơn vị nghiên cứu của ngành Giáo dục, con số đầu tư sẽ thấp hơn nhiều so với các đơn vị nghiên cứu của một số bộ ngành khác. Để phát triển các trường đại học nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực KHCN, thực trạng đầu tư thấp cho KHCN cần được thay đổi, KHCN trong các cơ sở giáo dục cần được chú trọng hơn và đầu tư nhiều hơn. Có như vậy, chúng ta mới có thể bắt kịp được các nước trong khu vực về giáo dục đại học” – nhóm nghiên cứu đề xuất.

Trong bản báo cáo kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng đã có những đề xuất đối với Chính phủ và các bộ ngành khác liên quan.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.