Giật nảy người với lời bài hát thể dục

Các cháu chủ nhân tương lai của đất nước phải được giáo dục tốt nhất, nhân văn nhất. ảnh: Khai giảng năm học 2017- 2018 nguồn Chinhphu.vn
Các cháu chủ nhân tương lai của đất nước phải được giáo dục tốt nhất, nhân văn nhất. ảnh: Khai giảng năm học 2017- 2018 nguồn Chinhphu.vn
Năm học 2017- 2018 đã được hơn một tuần. Cũng như bao phụ huynh, năm nay con vào lớp 1, lòng xốn xang! Sáng sắp xếp sách vở đút vào ba lô cho con đi học, bố không dám để con xách, đơn giản vì nó quá nặng so với trọng lượng cơ thể! Lòng hỏi lòng tại sao lại thế?

Đến trường, cố nán lại để xem con tập thể dục thế nào. Nghe lời bài hát làm phông nền cho các cháu tập cảm thấy vui - buồn lẫn lộn. Giáo dục là nhân học. Ngoài giúp các cháu có kiến thức về tự nhiên, xã hội, nhiệm vụ của giáo dục là phải thẩm thấu qua những bài giảng, bài hát, phông nền âm nhạc để lòng các cháu thấm đẫm tính nhân văn. Ví như yêu hòa bình, yêu quê hương đất nước, yêu đồng loại.

Đằng này, đã hơn một tuần trôi qua, đi đến bất luận trường nào từ bậc giáo dục mầm non đến tiểu học trên địa bàn thành phố, trong giờ thể dục, ngoại khóa cũng vang lên âm điệu chát chúa trên nền nhạc sôi động bài hát “Bông Bống Bang Bang”, nào là: “Ngày xưa xưa ơi là xưa ở một nơi đồng quê bát ngát; Nhà kia có hai chị em tên được cha đặt là Tấm Cám… Ối a, ối a bống bống bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta/ Bống bống bống bống bang bang/Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người… ê… ê”. Thoạt nghe thì sôi động, song ngẫm nghĩ từ câu chữ rất ít tính giáo dục. Đây chẳng khác gì loại nhạc sến mà chúng ta vô hình chung đang lấy môi trường giáo dục để cổ súy.

Như đã đề cập, giáo dục là nhân học. Ngày xưa những năm 80 của thế kỷ trước, khi bằng tuổi các cháu bây giờ dù ở quê chúng tôi hay được hát trong các dịp trại hè bài “Trái đất này là của chúng mình” và chính nhờ bài hát này mà giúp thế hệ chúng tôi cảm thấy giá trị của hòa bình.

Ngày nay, dẫu kinh tế đã phát triển ở mức cao hơn, đời sống sung túc hơn, nhưng thế giới cũng đang đối mặt với những hiểm nguy chiến tranh, ô nhiễm môi trường nặng nề. Vậy tại sao thay vì những bài hát bình bình như trên, Sở GD- ĐT Hà Nội không “chuẩn hóa” đưa những bài hát như “Trái đất này là của chúng mình”; “Heal The World”; “We are the World” của Michael Jackson nội dung nói không với chiến tranh, đói nghèo, kêu gọi hòa bình cho các dân tộc và bảo vệ môi trường sống… để dịch ra tiếng Việt rồi thuê DJ (lồng nhạc) làm nhạc nền cho các cháu tập trong các giờ ngoại khóa, thể dục.

Tôi tin, nếu chúng ta đưa những bài hát này vào nhà trường là một trong những cách giáo dục về tình yêu nhân loại, yêu thiên nhiên tốt nhất cho học sinh, thay vì chạy theo “đám đông gào thét” dòng nhạc “la, hét” đang thịnh hành!

Thực tại được xây dựng từ nền móng của quá khứ. Hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước với bao tinh túy tiên tổ để lại, đặc biệt trong đó có thành tựu nổi bật về giáo dục quốc dân những năm sau cách mạng tháng Tám được các học giả đánh giá cao, song những năm qua ngành Giáo dục - Đào tạo vẫn “loay hoay” đi tìm sự đổi mới trong lĩnh vực này mà kết quả vẫn chưa như mong đợi. Và chỉ lướt, nghe qua lời bài hát làm nền cho các cháu học sinh tập thể dục đang thịnh hành hiện nay tôi đã phần nào hiểu ra được câu trả lời tại sao?

Theo Theo Lao động thủ đô
MỚI - NÓNG