GS.TS Charles Cường Nguyễn:

Giúp sinh viên Việt cơ hội học tập ở Hoa Kỳ

GS Nguyễn Cường (ngồi, phải) trong một lễ ký chương trình hợp tác đại học Mỹ-Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp.
GS Nguyễn Cường (ngồi, phải) trong một lễ ký chương trình hợp tác đại học Mỹ-Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp.
TP - Hơn bốn thập niên xa quê hương tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Và thấy có bổn phận, sau khi thành công, phải trả ơn cho quê hương bằng cách tìm kiếm đủ mọi biện pháp giúp đỡ những người không được may mắn như mình, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam. GSTS Charles Cường Nguyễn (Nguyễn Cường) bộc bạch.

Ông cũng cho biết thêm, tôi đã và đang gắng hết sức lực và khả năng để làm các chương trình giáo dục hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam, sao cho đưa tới các sinh viên ở VN thật nhiều cơ hội du học tại Hoa Kỳ.

Giải thưởng Di sản châu Á năm 2014 (“The 2014 Asian Heritage Award”) mà Giáo sư vừa nhận vào cuối năm 2014 có ý nghĩa thế nào? Năm 2009, chúng tôi cũng được phỏng vấn nhân dịp ông nhận Giải thưởng thành tựu trọn đời…

Giải thưởng đó đã chú ý đến “cơ hội”. Lời giải thích của Hội đồng xét giải có câu “vì người được Giải thưởng không những vượt qua các hậu quả chiến tranh Việt Nam mà còn dùng những cơ hội đó để làm tấm gương về thành tựu của mình, và giúp những người khác cũng được các cơ hội thành công như mình.” Lâu nay, Giải thưởng Di sản châu Á được xem như giải lớn nhất, trang trọng nhất dành cho người gốc châu Á ở Mỹ.

Còn Giải thưởng “2009 Lifetime Achievement Award” chú trọng cống hiến khoa học và kỹ thuật của người được giải thưởng trong cả cuộc đời làm việc.

Giáo sư có thể tóm tắt thành tựu của mình trong khoa học và giáo dục, nhất là về trao đổi giáo dục đại học với Việt Nam?

Sinh trưởng ở Đà Nẵng, năm 1971 học xong tú tài GS Nguyễn Cường sang Tây Đức. Năm 1978 sau khi nhận bằng cử nhân Điện tại đó ông qua Hoa Kỳ định cư. Từ năm 1982 đến nay, làm việc tại Đại học CUA (Catholic University of America). Từ năm 2001, là Khoa trưởng Trường Kỹ sư (Dean of School of Engineering) của trường CUA.

Tôi từng làm việc cho NASA và sáng chế một tay người máy đầu tiên để xây dựng trạm không gian vũ trụ; Đã xuất bản hơn 100 bài

nghiên cứu khoa học, bài báo về Điều khiển, Người máy, Y học, Toán

logic…; Là chủ nhiệm sáng lập tạp chí “Intelligent Automation and Soft Computing”; Năm 2004 được Tổng thống Mỹ G. Bush bổ nhiệm vào Ban giám đốc Quỹ Giáo dục VN; Là người Mỹ gốc Việt đầu tiên (và hiện là một trong hai người) giữ chức Khoa trưởng tại một trong những đại học lớn của Mỹ…

Trước năm 2001, Trường Kỹ sư CUA không có chương trình giáo dục quốc tế; hiện chúng tôi đã thiết lập nhiều chương trình giáo dục tại Đài Loan, Hồng Kông, Mã Lai, Thái Lan; và đặc biệt tại Việt Nam có 2 chương trình chính:

Chương trình 2+2: Sinh viên VN sau khi hoàn thành 2 năm đầu ở một trường đại học mà CUA cộng tác, nếu trúng tuyển sẽ đến CUA học tiếp 2 năm cuối và nhận bằng Kỹ sư của CUA. Chúng tôi đã có hợp đồng như thế với các trường Đại học Bách khoa TP HCM, Đại học Quốc tế, và Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đến nay trường CUA chưa cộng tác với các trường đại học kỹ thuật ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc Việt Nam. Chúng tôi đã và đang thăm một số trường đại học kỹ thuật ở Hà Nội và xúc tiến các chương trình cộng tác trong tương lai. Hy vọng trong thời gian ngắn sẽ có thể đưa các sinh viên ở Hà Nội và miền Bắc qua Hoa Kỳ du học, tương tự như đã làm với các tỉnh miền Nam và miền Trung.

Còn chương trình thứ hai là Chương trình học bổng bán phần (50%) cho những sinh viên VN sau khi hoàn thành bằng cử nhân có cơ hội đến học ở CUA để lấy bằng cao học và tiến sĩ.

Giúp sinh viên Việt cơ hội học tập ở Hoa Kỳ ảnh 1 GS Nguyễn Cường khai mạc một ngày lễ của Đại học Công giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America - CUA), Washington D.C.

Với 43 năm du học, sinh sống và làm việc ở xứ người, Giáo sư phải vượt qua những gì để có thành công như vậy?

Tôi cảm thấy khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ và khả năng hội nhập xã hội nước ngoài. Nhất là trong việc thăng chức ở đại học và đảm nhiệm lãnh đạo. Nói chung, người bản xứ thường nghĩ các việc đó khó có thể đến với người ngoại quốc. Tôi đã phải làm việc gấp hai, thậm chí gấp ba, so với các đồng nghiệp để tạo tin tưởng và chứng minh mình có khả năng. 80 năm qua, kể từ khi thành lập tất cả các vị Khoa trưởng tiền nhiệm của tôi đều là người da trắng sinh trưởng tại Mỹ. Ngoài ra, thành công tôi đạt được cũng là nhờ làm việc cần cù và không gian dối.

Thế còn về thuận lợi, khó khăn khi Giáo sư làm việc, cộng tác ở Việt Nam? 

Hiển nhiên thuận lợi đầu tiên là về ngôn ngữ rồi! Ngoài ra, vì là người Việt, sinh trưởng ở Việt Nam nên tôi dễ cảm thông hơn…

Năm 2004 lần đầu tiên tôi trở lại quê nhà, và nhận ra khó khăn khi làm việc với những người ở Việt Nam là sự hiểu biết về cách làm việc ở Hoa Kỳ. Đa số đồng nghiệp, sinh viên và phụ huynh mà tôi cộng tác ở Việt Nam thường nghĩ muốn mọi việc trôi chảy ở Mỹ thì phải qua “đút lót”… Các vị ấy dường như không biết rằng, sự quyết định chọn lựa sinh viên đã nộp đơn vào đại học Mỹ hoàn toàn dựa trên chất lượng học tập và phẩm chất của sinh viên. Sự đút lót, hối lộ là hoàn toàn bị nghiêm cấm tại Mỹ. Mỗi lần bị hỏi về “chi phí”, tôi nói rằng chúng tôi không thể nhận được; nhưng nhiều người không tin.

Giáo sư đã kinh qua nhiều môi trường giáo dục (miền Nam VN trước 1975, Việt Nam hiện nay, Đức và Hoa Kỳ). Ông thấy có những điều đáng lưu ý gì?

Các đại học kỹ thuật ở Mỹ khác hẳn ở Đức; tức là đào tạo người hoàn thiện trong mọi lĩnh vực. Sinh viên kỹ thuật ở đây, trong 2 năm đầu phải học nhiều môn tổng quát. Ra trường thông thường họ làm trong chuyên ngành của mình khoảng 5-10 năm rồi lên các chức điều hành, lãnh đạo. Nhưng nhiều người bỏ hãng lớn để ra mở hãng riêng trong ngành kinh doanh hay đầu tư.

Theo tôi thấy, triết lý giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn còn rất “từ chương”: Quá quan tâm đến lý thuyết chung mà chưa sát với thực tế và thí nghiệm. Giáo dục ở Việt Nam đa phần chú trọng học thuộc lòng các công thức và không chú ý tới sự biến đổi của các công thức đó cũng như hướng phát triển của lý thuyết, như cách giáo dục ở Mỹ. Bởi thế phần đông sinh viên Việt Nam, theo tôi được biết, thường có 2 nhược điểm: khó lên làm điều hành, lãnh đạo; và gặp khó khăn khi nghiên cứu. 

Giáo sư có thể nhận xét về giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?

Theo tôi, những nhược điểm trong đại học Việt Nam  có thể nằm ở 3 điểm: a. Các giảng viên ở VN thường dạy theo phương pháp cách đây 20 năm. Phần đông có thể là dạy bán thời gian nên không có thời gian soạn bài, nhất là để nghiên cứu thêm; b. Mức lương bổng cho giảng viên rất thấp, bởi vậy họ phải làm thêm việc phụ và không thể toàn tâm lo giảng dạy; c; Khác với giáo dục ở Mỹ bắt buộc các giáo sư, giảng viên phải nghiên cứu và xuất bản bài nghiên cứu trên các tạp chí, đại học ở Việt Nam không đòi hỏi như vậy dẫn đến trình độ chung của giảng viên không được phát triển.

Xin ông chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trong một gia đình di dân ở Mỹ?

Vâng, sự dạy dỗ con cái trong một gia đình di dân ở đây rất phức tạp! Con cháu di dân lâu đời thường sinh ra ở Mỹ, nên các em nghĩ mình là “người Hoa Kỳ chính gốc”. Bởi thế, với các cha mẹ Việt Nam muốn bảo toàn truyền thống Việt thì trong gia đình dễ bị “đối địch”.

Trong nhà mình chúng tôi cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt với con cái và luôn luôn nhắc nhủ để các con nhớ mình là người Việt, vì thế cần tỏ rõ sự kính trọng người lớn trong cách ăn nói, đối xử. Ví dụ: chúng tôi bắt các con phải xưng hô “Anh/Chị” với những anh chị lớn hơn mình, không được nói trống không. Hoặc, ngay cả khi dùng tiếng Mỹ, con chúng tôi vẫn phải thưa gửi qua tiếng Việt xen lẫn câu Anh văn. Chẳng hạn: “I agree, thưa dada.” (Con đồng ý, thưa ba.)

Xin cảm ơn GSTS Nguyễn Cường.

MỚI - NÓNG