Hệ đào tạo "tại chức" không còn hấp dẫn người học?

Hệ đào tạo "tại chức" không còn hấp dẫn người học?
TPO - Dự thảo thông tư quy định Quy chế trình độ đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (tại chức) đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến. Theo các chuyên gia, để “hợp thời”, Bộ cần phải linh hoạt hơn hình thức đào tạo này.

Hay nhưng muộn

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, Dự thảo Thông tư này ra đời xuất phát từ việc hiện nay tổ chức đào tạo đối với hình thức vừa làm, vừa học (VLVH) còn nhiều hạn chế, các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đào tạo với nội dung không đảm bảo như hệ chính quy. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo nhỏ lẻ theo các hình thức liên kết với các trường ở địa phương, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, chất lượng đào tạo thấp dẫn đến mất lòng tin của nhà tuyển dụng và xã hội với hình thức đào tạo này.

Điểm mới của dự thảo lần này đó là  việc tuyển sinh đầu vào được giao về cho các cơ sở giáo dục ĐH đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Kết quả đầu ra của hệ đào tạo này được kiểm soát để tiến tới tiếp cận chất lượng đào tạo như hệ chính quy. 

Do đó, để thực hiện điều này, dự thảo đã quy định về chương trình đào tạo phải đảm bảo như chương trình đào tạo chính quy nhưng cho phép tổ chức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt để phù hợp với đối tượng người học là những nhiều người học khác nhau như đào tạo theo học chế tín chỉ. Có như vậy, các trường có thể thực hiện nhất quán không chỉ trong mỗi trường mà còn đối với các lớp đào tạo theo liên kết. 

Đánh giá về dự thảo lần này, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết hệ VLVH bây giờ không còn thời sự như trước. “Thông tư hay nhưng hơi muộn” – PGS. Lập cho hay.

Cần linh hoạt các hình thức đào tạo

Đánh giá cao về bản dự thảo này, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, muốn có chất lượng đối với hệ vừa làm, vừa học phải có sự mềm dẻo về quy trình.

Theo ông Lê Viết Khuyến, dự thảo đã bám sát chương trình, nội dung và tiếp cận với đánh giá với hệ chính quy, nhưng cần mềm dẻo về quy trình, có nghĩa rằng thời gian của người học có thể dài ra, chứ không chỉ học tập trung trong một số năm. 

“Sự mềm dẻo ở đây, tức là người học có thể lấy kết quả học ở chính quy (đối với một số môn) thay cho chương trình học ở hệ vừa làm, vừa học. Cũng có thể được chấp nhận trong quá trình đánh giá thi cử, thể hiện ở việc số lần thi có thể nhiều hơn. Đồng thời, dứt khoát phải chấp nhận cùng chuẩn đánh giá với hệ chính quy. Có như thế, chất lượng mới đảm bảo” - TS. Lê Viết Khuyến cho hay.

Còn PGS.TS Lê Hữu Lập thì cho rằng đào tạo VHVL muốn đảm bảo chất lượng như thông tư thì không còn phù hợp với người đi làm. Ở các nước trên thế giới đã chuyển sang học E-learning, học từ xa qua mạng.

“Một khi số lượng sinh viên tham gia học ít, thì việc đào tạo theo hình thức tín chỉ rất khó cho việc tổ chức của các trường. Thời gian đào tạo phải kéo dài (vì họ học như chính quy và còn phải đi làm), số lượng lại ít, hiệu quả kinh tế thấp thì bạn biết rồi đấy, các trường phải tính toán có mở hệ đào tạo này hay không. Nói tóm lại, hệ VHVL đào tạo không khác gì chính quy, thời gian phải kéo dài, còn bằng cấp vẫn là VHVL nên không còn hấp dẫn người học, do vậy xu hướng chuyển sang đào tạo từ xa E-learning là tất yếu với nhiều ưu điểm vượt trội” – Ông  Lập chia sẻ.

MỚI - NÓNG