Tự chủ Đại học:

Hiệu trưởng do Hội đồng trường bầu, không phải Bộ

Học viện công nghệ bưu chính viễn thông - một trong những trường đầu tiên thực hiện tự chủ. Ảnh: Như Ý
Học viện công nghệ bưu chính viễn thông - một trong những trường đầu tiên thực hiện tự chủ. Ảnh: Như Ý
TP - “Trong 3 vấn đề của tự chủ ĐH là tự chủ tài chính, tự chủ học thuật, tự chủ nhân lực thì vấn đề còn vướng duy nhất của các trường là nhân lực. Câu chuyện này phải giải quyết rốt ráo. Nếu không giải quyết thì quyền lực sẽ nằm trong tay một cá nhân”.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017 được tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội.

Quy định giảng viên cơ hữu: Quá cứng, không cần thiết

Thực hiện Nghị quyết 77, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho hơn 10 trường ĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ĐH Mở TPHCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Điện  lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Thủ tướng cũng đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm cho 3 trường ĐH nữa là Học viện Tài chính, ĐH Thương mại và ĐH Trà Vinh.

Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết có 13 đề xuất, kiến nghị của các trường và Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, sau khi nghe các trường nêu những vướng mắc và phía Bộ GD&ĐT giải đáp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các vướng mắc cơ bản đã được giải quyết. Riêng với đề xuất của ĐH Mở TPHCM cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu từ tiền lãi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện vẫn nộp thuế theo đúng luật, khoản tiền đó sẽ được Nhà nước cấp bù lại cho trường. Theo Phó Thủ tướng, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, Bộ Tài chính cần có văn bản cụ thể về việc miễn thuế đối với khoản lãi này.

Còn trường ĐH Kinh tế TPHCM đề xuất xem xét, nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì đội ngũ này đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao phải quy định cứng tỷ lệ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng? Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong quy định của Bộ GD&ĐT đã có tính đến giáo viên thỉnh giảng. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng đưa ra tiêu chí này do khó quản lý chất lượng, vì một giảng viên có thể thỉnh giảng ở 10 trường.

Không đồng ý với lý giải của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng cho rằng chất lượng đào tạo là các trường phải chịu trách nhiệm. “Câu chuyện  giảng viên cơ hữu quá cứng, không cần thiết. Vấn đề này, ở các trường tự chủ bỏ được không với điều kiện các trường phải công khai danh tính và số lượng giảng viên của mình và công bố trên website chung” - Phó Thủ tướng đề xuất.

Vướng nhân lực

Khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay khi thực hiện tự chủ đó là vấn đề nhân lực. ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất các trường ĐH tự chủ được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các trường hiện nay còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đối với các ngành, chuyên ngành mới. “Đề nghị xem xét, cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về trình độ tiến sĩ khi mở ngành mới trong quy định mở ngành” – ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Tuy nhiên, câu chuyện của tự chủ liên quan vấn đề nhân lực lại xuất phát từ vấn đề bổ nhiệm người đứng đầu trong trường ĐH. “Câu chuyện này phải giải quyết rốt ráo. Nếu không giải quyết thì quyền lực nằm trong tay một cá nhân khi cho tự chủ” - Phó Thủ tướng khẳng định. Hiện nay, trong 13 trường được giao thí điểm tự chủ thì còn tới 7/13 trường chưa có hội đồng trường.

Quản bằng chất lượng đầu ra

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đã cởi trói phải cởi trói hoàn toàn, không được cởi trói nửa vời. Trao quyền cho các trường nhưng đi kèm với nó là cơ chế giải trình trước xã hội. Kiểm định chất lượng chính là một công cụ để gắn quyền lợi của các trường với trách nhiệm được giao. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành tiêu chí phân tầng xếp hạng các trường ĐH. “Cần có chế tài để xử lý những trường “khai gian” - Phó Thủ tướng nói. Ông cũng đề nghị, cần kiểm định 13 trường tự chủ trước. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các trường khai số liệu và công khai trên mạng để toàn xã hội được biết. Để quản lý chất lượng đào tạo, ĐH Kinh tế TPHCM cũng đề xuất thay vì quản lý chỉ tiêu đầu vào, Bộ nên quản lý chỉ tiêu đầu ra. Mặt khác, tại hội nghị, 13 trường được giao thí điểm tự chủ cũng cam kết với Phó Thủ tướng trong vòng 3 năm tới, chỉ tiêu tăng không quá 10% để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng sau 1 năm thực hiện phần lớn vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ của mình. 

“Tự chủ ở đây không có nghĩa nhà nước “buông”. Tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình. Đó chính là kiểm định. Kiểm định phải được công khai, với các trường tự chủ, phải được kiểm định chặt chẽ hơn nếu trường vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó các trường vẫn là công việc của các Bộ chủ quản. Trong khi đó, lẽ ra việc này phải là của Hội đồng trường. Hội đồng trường phải là nơi có quyền lực tối cao nhất trong một trường ĐH. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường ĐH của Việt Nam vẫn chưa có hội đồng trường hoặc nếu có thì vai trò của hội đồng trường cũng rất mờ nhạt.

MỚI - NÓNG