Học bốn năm được cấp hai bằng đại học

Học bốn năm được cấp hai bằng đại học
TPO - Theo thiết kế của chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành Hoá học theo chuẩn quốc tế của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với ĐH Nam Toulon (cộng hoà Pháp) thì sau 4 năm học, sinh viên được cấp hai bằng của hai trường ĐH.

Học bốn năm được cấp hai bằng đại học

Những thông tin trên được chính giáo sư Jean Louis Vernet, Hiệu trưởng danh dự trường ĐH Nam Toulon thông báo tại cuộc họp giới thiệu chương trình liên kết giữa hai trường (được tổ chức tại Hà Nội, ngày 8-6).

 
Học bốn năm được cấp hai bằng đại học ảnh 1

GS Jean Louis Vernet (giữa) và PGS TSKH Lưu Văn Bôi (ngoài cùng, bên trái)

đang giới thiệu về chương trình đào tạo liên kết

Học phí nội, bằng ngoại

Trường ĐH Nam Toulon (Université du Sud Toulon-Var) là một trong những trường ĐH công lập có tiếng của Pháp. Đây là một cơ sở đào tạo thu hút hàng ngàn sinh viên quốc tế mỗi năm. Tuy nhiên, với chương trình liên kết đào tạo giữa trường với trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều sinh viên Việt Nam có thể theo học để lấy bằng của trường mà không phải sang tận Pháp.

Theo giáo sư Jean Louis Vernet, hiện nay giữa hai trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Nam Toulon có hai chương trình liên kết: cử nhân ngành hoá học và thạc sĩ chuyên ngành Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững.

Với chương trình cử nhân hoá học, thời gian đào tạo gồm 4 năm học và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2 năm) sinh viên được giảng dạy bằng tiếng Việt và được học tiếng Pháp tăng cường do giảng viên người Việt và người Pháp dạy.

Giai đoạn 2, sinh viên được học một số môn bằng tiếng Pháp do giảng viên Pháp giảng dạy bằng tiếng Pháp. Những môn này sẽ thi bằng tiếng Pháp, cùng nội dung với sinh viên của ĐH Nam Toulon đang học tại Pháp. Kết thúc chương trình học tập, sinh viên sẽ bảo vệ khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng Pháp trước hội đồng quốc tế.

Điều hấp dẫn với các ứng viên quan tâm tới chương trình liên kết cử nhân hoá học là mức học phí sinh viên phải đóng tương đương sinh viên theo học chương trình đại học chính quy trong nước. Chỉ có một khoản các em phải đóng nhiều hơn những sinh viên khác, đó là phí ghi danh cấp bằng của trường ĐH Nam Toulon và bảo hiểm xã hội theo quy định của Pháp. Tổng cộng hai loại phí này là 350 euros.

“Mọi chi phí đi lại, ăn ở và giảng dạy cho giảng viên Pháp do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ”, GS Jean Louis Vernet cho biết.

Ai sẽ được học chương trình liên kết?

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa Hoá học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), chương trình liên kết đào tạo cử nhân hoá học giữa trường ĐH Khoa học Tự Nhiên và ĐH Toulon đã có từ 3 – 4 năm nay.

Chỉ tiêu mỗi khoá không nhiều, khoảng 20 – 30 sinh viên. Để được lựa chọn, trước hết ứng viên phải trúng tuyển khoa Hoá của trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Em nào có nhu cầu học chương trình liên kết phải trải qua một vòng phỏng vấn.

Tuy nhiên, từ năm 2010, phạm vi tuyển sinh đối với chương trình đào tạo liên kết sẽ được mở rộng. Diện để xét tuyển không chỉ là sinh viên trúng tuyển khoa Hoá mà còn là sinh viên khối A trên toàn quốc có điểm thi đại học từ mức ngang bằng điểm chuẩn vào khoa trở lên.

“Theo quy chế, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường A thì không được xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường B. Tuy nhiên, do Bộ GD&ĐT giao cho ngành Hoá học trường ĐH Khoa học Tự nhiên thực hiện thí điểm chương trình đào tạo liên kết nên chúng tôi được hưởng cơ chế đặc biệt trong tuyển sinh. Sinh viên đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường khác nhưng nếu thích học chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành Hoá học trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì vẫn được gửi thư xin học”, thầy Bôi nói.

Cũng theo thầy Bôi, chương trình liên kết đào tạo cử nhân sẽ hướng tới việc tuyển sinh trong phạm vi khu vực Đông Nam Á.

Ưu đãi

Hoá học đang là một ngành học hấp dẫn nên nguồn tuyển sinh hàng năm của khoa Hoá trường ĐH Khoa học Tự nhiên khá chất lượng. Điểm trúng tuyển hàng năm vào khoa đều ở mức từ 20 điểm trở lên. Do uy tín của các trường đối tác mà trường ĐH Khoa học Tự nhiên chọn liên kết đào tạo, tâm lý chung của sinh viên đã trúng tuyển vào khoa đều muốn theo học chương trình liên kết. Vì chỉ tiêu hạn chế nên để được lựa chọn, sinh viên phải có khả năng thật sự ấn tượng.

Học bốn năm được cấp hai bằng đại học ảnh 2

Máy sản xuất dầu diesel từ nguyên liệu sinh học mà khoa Hoá trường ĐH Khoa học Tự nhiên
được trang bị để nâng cao chất lượng giảng dạy

Theo các sinh viên đang theo học chương trình liên kết thì độ hấp dẫn của chương trình không chỉ do họ được học với “thầy ngoại”, “sách ngoại” mà còn nhờ những chính sách ưu đãi mà sinh viên được thụ hưởng. Chẳng hạn, sau khi kết thúc khoá học, cử nhân có bằng kép đều được xét tuyển thẳng vào lớp đào tạo thạc sĩ (cũng là chương trình liên kết với ĐH Nam Toulon). Đặc biệt, những sinh viên xuất sắc sẽ được học bổng (2 – 3 suất/ khoá) đào tạo thạc sĩ tại Pháp do AUF, Đại sứ quán Pháp, học bổng ERAMUS và trường ĐH Nam Toulon tài trợ.

Một cơ chế mở dành cho sinh viên theo học chương trình liên kết là nếu không đáp ứng yêu cầu mà phía ĐH Nam Toulon đề ra, họ có thể quay trở về học chương trình đại học chính quy trong nước như những sinh viên bình thường khác.

Những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010 (khối A) nếu có nhu cầu được xét tuyển vào học chương trình đào tạo liên kết ngành cử nhân Hoá học của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Nam Toulon có thể gửi thư xin học về địa chỉ:

Văn phòng Khoa Hoá học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

ĐT: 04. 3 8253503/ 0904681381. Email: ngocchau79@yahoo.com

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng vừa ra thông báo tuyển sinh khoá 3 chương trình liên kết quốc tế (với ĐH Nam Toulon) đào tạo thạc sĩ chuyên ngành “Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững”.

Ứng viên tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên thuộc các ngành liên quan đến hoá học và khoa học vật liệu đều có thể nộp hồ sơ dự tuyển. Nếu trúng tuyển, học viên sẽ được đào tạo 1 năm để lấy bằng thạc sĩ do trường ĐH Nam Toulon cấp. Học viên sẽ học 5 tháng lý thuyết tại Việt Nam và 5 tháng làm luận văn (tại Việt Nam, Pháp và một số nước châu Âu).

Trong thời gian học tập tại Việt Nam, mọi chi phí đi lại, ăn ở và giảng dạy cho giảng viên Pháp sẽ do AUF tài trợ nên học viên không phải chi trả khoản này. Toàn bộ khoá học, học viên sẽ chỉ phải đóng góp 1.000 euros cho việc thực tập, ghi danh, cấp bằng và một số chi tiêu khác.

Q.H
MỚI - NÓNG