<FONT face=Arial size=2>Tâm sự của một&nbsp;sinh viên&nbsp;Việt Nam đang học ở Trung Quốc: </FONT>

Học chữ Hán thời nay

Học chữ Hán thời nay
Khi học tiếng Hán, sinh viên phương Tây sợ nhất là chữ viết, thứ đến là 5 thanh điệu trong tiếng Trung. Họ hầu như không phân biệt được độ cao thấp giữa các thanh, vì thế khó có thể phát âm chuẩn xác.
Học chữ Hán thời nay ảnh 1
Hình ảnh một forum tiếng lóng trên mạng

 Ví dụ như đáng nhẽ phải nói: “Tôi đi ăn cơm” thì họ lại nói thành “Tối đi ăn cơm”. Do vậy khi nghe chúng tôi giới thiệu tiếng Việt có tới sáu thanh điệu, họ cứ lắc đầu lè lưỡi: “Chắc tiếng Việt khó lắm!”. Vì vậy người phương Tây ở Trung Quốc mà nói tiếng phổ thông giỏi thì danh tiếng của họ nổi như cồn.

Đó là trường hợp của Mark Rowsell người Canada. Mark ở Trung Quốc đã gần 20 năm, anh từng diễn hài với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, ngoài ra anh còn phụ trách một loạt chương trình dạy tiếng Hán cho người nước ngoài của Đài CCTV. Hiện nay Mark làm nghề tự do, ở đâu cần là anh tới. Một tờ báo đã thống kê cứ 10 người Trung Quốc thì có 8 người biết Mark Rowswell là ai!

Đối với sinh viên Việt Nam thì phát âm hay chữ viết đều không thành vấn đề. Điều mà chúng tôi e ngại lại là cách phát âm tên riêng nước ngoài của người Trung Quốc. Các sinh viên học những ngành liên quan đến thế giới như Thương mại hay Chính trị quốc tế là khổ sở hơn cả vì các tên riêng xuất hiện với mật độ dày đặc trên giáo trình.

Lúc mới vào năm thứ nhất, do chưa quen nên sinh viên chúng tôi phải vật lộn với những tên người, địa danh có xuất xứ ngoài Trung Quốc. Khi học những môn như Văn học thế giới, Lịch sử Văn minh phương Tây, Triết học phương Tây... chúng tôi phải ngồi luận ra “Sái vạn đề tư” là nhà văn Tây Ban Nha nổi tiếng Cervantes, “Mạch khắc bạch” là vở kịch Macbeth,  “Tô cách lạp để” là nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng Socrates, “Tư ba đạt” là thành bang Sparta... vv... và... vv... Đối với những tên người và địa danh nổi tiếng trong văn học, lịch sử, việc luận ra không khó, nhưng khi gặp phải những tên riêng xa lạ thì sinh viên chúng tôi chỉ còn cách nhờ đến từ điển. Mà không phải tất cả đều có thể tìm thấy trong đó.

Nếu trước kia tôi than vãn về sự Hán hóa tên riêng nước ngoài như thế, thì gần đây tôi lại đau đầu về một chuyện ngược lại. Đó là trào lưu Latinh hóa từ vựng của giới trẻ Trung Quốc trong các forum (diễn đàn) trên mạng, tin nhắn di động và thậm chí cả trong lời nói hàng ngày.

Những từ viết bằng chữ Latinh này cũng có thể coi như là một loại từ lóng được thanh  niên sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ mạng. Tiếp xúc với nhiều sinh viên Trung Quốc, tôi biết họ cũng có những từ lóng tương tự như “đỉnh”, “chuối”, hay “hoành tráng” ở  ta, tức là loại từ có thể dùng cho rất nhiều ngữ cảnh. Nhưng  giới trẻ ở đây còn “sáng tạo” thêm một loại từ lóng mới, đó là dùng chữ Latinh thay thế cho chữ tượng hình.

Sự Latinh hóa này không chỉ đơn giản là dùng các từ tiếng Anh như: “Em đã confirm (xác nhận) chưa?”, “Cậu book (đặt) bàn ở nhà hàng rồi chứ?”, hay “Mình quên chưa mail (gửi thư điện tử) về nhà” v.v... như thanh niên ta hay nói. Có lần tôi nhận được tin nhắn trêu của một sinh viên Trung Quốc: “mm hôm nay rất pp”. Đọc đi đọc lại vẫn không luận ra được mm và pp có nghĩa là gì, vì thế tôi tức tốc nhắn lại hỏi. Hóa ra mm là “em”, hoặc “cô gái” hoặc “nữ sinh”, còn pp nghĩa là “xinh đẹp”.

Thấy mình có vẻ hơi “lạc hậu” so với thời đại, tôi liền lên forum của sinh viên trong trường thường xuyên hơn.  Vào bất cứ một chủ đề nào trên diễn đàn đều thấy những từ lóng Latinh tương tự như vậy xuất hiện chi chít cùng với các chữ Hán.  Đọc lướt qua vài trang, tôi liền chép ra những từ mình không hiểu rồi đi hỏi bạn bè cùng lớp.  Sau khi được các bạn giải thích, tôi có một bản tổng kết nho nhỏ về loại từ lóng này như sau. 

Nguyên tắc chung của các từ đó là lấy chữ cái đầu tiên ở mỗi chữ trong phiên âm của tiếng Trung, ví dụ mm là viết tắt của meimei, gg bắt nguồn từ gege (anh trai, nam sinh, anh chàng đẹp trai...) mà ra, xdjm là xiong di jie mei (anh chị em, mọi người) v.v... Nhưng xét về xuất xứ của những từ lóng này thì có thể phân ra mấy loại như sau:

Loại thứ nhất, dùng chữ Latinh viết tắt những từ vốn có trong từ vựng tiếng Trung, ví dụ như mm, gg, zp (zhao pian: ảnh), zjp (Zijingang: tên một khuôn viên của Đại học Chiết Giang)...

Loại thứ hai, dùng chữ Latinh viết những từ nhiều nét hoặc quá rắc rối. Do hệ thống đánh chữ Hán trong máy vi tính không có, hoặc khi nhập phiên âm vào, máy tính tự động liệt kê ra quá nhiều các từ có trùng hai chữ cái đầu, sinh viên “lười” chọn nên dùng luôn chữ viết tắt, ví dụ như ws (weisuo: Nghĩa gốc trong từ điển là hình dung một người có tướng mạo, cử chỉ rất tầm thường, bần tiện; nhưng sinh viên ở đây dùng để chỉ ai đó trông xấu xí, dở hơi, khác người...), bs (bishi: coi khinh, khinh miệt)...

Loại thứ ba, viết tắt các từ lóng mới xuất hiện trong giới trẻ, đồng thời Latinh hóa nốt những  từ lóng thông dụng hồi trước. Khi lên forum, loại từ lóng này là khó đoán nghĩa nhất, vì mỗi từ đều có xuất xứ rất “đặc biệt”. Ví dụ điển hình là yy (yiyin). Yy bắt nguồn từ... Hồng lâu mộng, mà nếu trực tiếp sang từ Hán Việt của ta  thì nghe rất “rụng rốn”: ý dâm, tuy nhiên sinh viên bây giờ dùng với nghĩa “nhẹ nhàng” hơn, nghĩa là: Mơ tưởng về ai đó, thích một cô gái nào đó, hoặc hoang tưởng, mơ mộng về chuyện gì...”. Hoặc fb (fubai), từ Hán Việt nghĩa là hủ bại. Nhiều bạn giải thích cho tôi, fb có liên quan đến một vấn nạn ở Trung Quốc. Rất nhiều sếp hay dùng tiền chùa để đãi khách ở các nhà hàng sang trọng, đó là hiện tượng “hủ bại” của lãnh đạo. Vì vậy mỗi lần sinh viên hò hét: “Bây giờ chúng ta đi fb nhé!”, điều đó có nghĩa là họ chuẩn bị  tụ tập đi ăn uống một bữa ra trò! Rồi bg (baogao), dịch sang từ  Hán Việt là báo cáo. 

Chuyện kể rằng ở Đại học Bắc Kinh  có một giáo sư vì quá bận rộn nên không có thời gian hướng dẫn các nghiên cứu sinh của mình, vì thế mỗi lần thầy trò gặp nhau là mời đi ăn cơm, và trong bữa cơm đó các  học trò tranh thủ thời gian “báo cáo” kết quả nghiên cứu cho thầy luôn. Sinh viên ở đây dùng bg với nghĩa là “mời ai đó đi ăn cơm”... Đấy chỉ là một vài trường hợp mà tôi hỏi ra được, còn một số từ nhiều người cũng chẳng biết nguồn gốc ở đâu ra. Thấy bạn bè dùng nhiều thì cũng adua theo, miễn là khi viết người đọc ngầm hiểu ý mình là được. Ví dụ như từ re (có nghĩa là “tôi có mặt”, “đỉnh”, hay”...), có bạn đoán  re bắt nguồn từ một từ trong tiếng Anh.

Xu hướng Latinh hóa này đang trở thành một cái mốt trên nhiều forum của trường tôi. Thậm chí những từ hoàn toàn có thể viết được bằng tiếng Trung nhanh chóng, sinh viên vẫn cứ tiện tay đánh chữ Latinh, lâu dần trở thành từ lóng. Tất nhiên loại từ lóng này chỉ thịnh hành trong thế giới internet ảo, trong giới sinh viên (bao gồm cả  một số tập  san của các CLB trong trường), còn trên các mặt báo nghiêm túc thì chưa bao giờ thấy xuất hiện. 

Tôi có hỏi một số giáo viên về hiện tượng ngôn ngữ này. Có người thì hoàn toàn không biết  gì, có thầy giáo lại tỏ ra rất sành điệu,  còn giải thích tỉ mỉ cho tôi một số từ  đang “mốt” bây giờ (có lẽ do thầy chịu khó giao lưu với  sinh viên). Một thầy dạy môn Nhân loại học cho rằng đây là chuyện của giới trẻ, và sự Latinh hóa này chẳng liên quan gì đến “sự trong sáng” của tiếng Trung cả...

(LHS tại Đại học Chiết Giang, TQ)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.