Học sinh “bơ vơ” khi trượt lớp 10: Phụ huynh, học sinh phải chủ động lo

Huyện Nông Sơn chỉ có duy nhất trường THPT, nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang vì không biết học đâu nếu nằm trong số 10% bị loại khi xét tuyển vào trường. Ảnh H. Văn.
Huyện Nông Sơn chỉ có duy nhất trường THPT, nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang vì không biết học đâu nếu nằm trong số 10% bị loại khi xét tuyển vào trường. Ảnh H. Văn.
TP - Liên quan nhiều học sinh ở Quảng Nam “bơ vơ” khi tốt nghiệp THCS nhưng không nằm trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đình Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng phụ huynh và học sinh cần chủ động tìm phương án khi không được tiếp tục học THPT tại các trường công lập.

"Không riêng huyện Nông Sơn mà tại các huyện khác cũng có số lượng học sinh không trúng tuyển vào THPT công lập sau xét tuyển. Trong trường hợp này thì các em và gia đình cũng như xã hội phải có trách nhiệm. Đặc biệt, phía gia đình và bản thân các em phải chủ động tìm kiếm công ăn việc làm, hoặc là tiếp tục đi học nghề tại các trường dạy nghề hoặc tham gia lao động sản xuất ở địa bàn, lao động cùng với gia đình”, ông Trần Đình Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đã được tỉnh Quảng Nam giao cho các trường, địa phương. Theo đó áp dụng phương thức xét tuyển theo tỷ lệ tuyển sinh 90% số học sinh có điểm từ cao đến thấp, 10% sẽ bị loại. Việc thực hiện này là theo chủ trương nghị quyết của Trung ương liên quan đến đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tỉnh Quảng Nam cũng đã đề cập đến vấn đề này và có lộ trình. Theo đó, trước mắt năm học 2017 - 2018 thì sẽ “lọc” 10%, trong các năm học tiếp theo nâng dần tỷ lệ phân luồng cao lên. Mục đích của việc này là sàng lọc để các em có đủ năng lực, học lực tốt vào lớp 10; đồng thời giải quyết phân luồng để thực hiện chủ trương liên quan đến dạy nghề và việc làm.

Khi triển khai chương trình này có trở ngại, đa phần học sinh và phụ huynh học sinh có mong muốn con em mình được tiếp tục học. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, nhu cầu về việc làm và tình trạng thầy - thợ đang là vấn đề, nên việc phân luồng là cần thiết. Qua đó việc sàng lọc những em có học lực tốt sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các em học tập và nâng cao, còn những em học chưa tốt, kết quả không cao thì sớm tìm một công việc để làm. Để làm việc đó, tỉnh cũng tính đến phương án đào tạo và dạy nghề. Tỉnh Quảng Nam có đủ các trường dạy nghề.

“Đây là công việc vừa ở góc độ Nhà nước, vừa là trách nhiệm các gia đình, phụ huynh và bản thân các em có định hướng sớm trong việc tạo công ăn việc làm cũng như học tập. Khi phân luồng các em cũng không phải là không còn cơ hội học tập mà trong quá trình học tập, công tác thì vẫn có cơ hội để học tập và nâng cao trình độ” - ông Tùng nói.

Thực tế, ngay cả việc cho các em 100% lên lớp đi chăng nữa rồi các em tiếp tục vào đại học thì thực tiễn giáo dục ĐH cho thấy các em ra trường hiện tại vẫn chưa có điều kiện để có ngay công ăn việc làm. Thực tế đang diễn ra là số lượng rất lớn các kỹ sư, cử nhân “dư thừa”. Việc phân luồng để định hướng cho các em công việc sau này là cần thiết. Điều này giải quyết bài toán giữa cung và cầu về lao động. Và đó là việc phải chấp nhận để giảm thiểu cái thừa. Đồng thời cũng cần xem lại định kiến xưa nay trong các phụ huynh là cứ buộc con em mình phải tốt nghiệp ĐH trong khi đó thực tiễn nhu cầu lao động trong xã hội không phải vị trí nào cũng cần đến ĐH. Hiện số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH trên cả nước là rất lớn. Riêng Quảng Nam chưa có số liệu điều tra chính thức về việc này, tuy nhiên thực tế cho thấy trường hợp giáo viên ra trường không có việc làm thì chiếm tỷ lệ khá lớn.

Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS nhưng không nằm trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, trong khi tại địa bàn không có lớp bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên khiến nhiều phụ huynh học sinh lo lắng việc học của con em mình phải dừng lại nửa chừng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.