Học sinh mạo hiểm vượt sông tới trường

Học sinh Tiểu học luôn vất vả đưa xe lên thuyền mỗi khi qua sông. Ảnh: Đức Hùng
Học sinh Tiểu học luôn vất vả đưa xe lên thuyền mỗi khi qua sông. Ảnh: Đức Hùng
Cả chục học sinh cùng xe đạp chen chúc trên con thuyền cũ kỹ vượt sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) để tới lớp. Có em từng bị rơi xuống nước, may mắn được người dân cứu.

Là xã vùng lũ của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Hương Thủy có 9 xóm với hơn 4.000 nhân khẩu. Khúc sông Ngàn Sâu chạy dọc chia cắt xóm 7 và 8 với các xóm còn lại. Đã rất nhiều năm nay, để đến trường học và chợ ở phía tây của xã thì học sinh, người dân hai xóm 7-8 phải đi thuyền qua sông Ngàn Sâu. 

Hiện hai xóm có 3 bến đò. Hàng năm, người dân góp tiền để trả cho lái đò, trung bình mỗi người là 2,5 tấn thóc. Ông Nguyễn Xuân Đòng (48 tuổi, người chèo đò nhiều năm ở khúc sông) cho biết, thuyền của ông đã mua được 4 năm, khi mới mua còn chở được nhiều, nhưng hiện tại thuyền hư hỏng, nhiều mảnh ván đã bung ra, nước ngấm vào nên chỉ chở được hơn chục người mỗi chuyến.

“Hàng ngày tôi chở hàng trăm lượt khách. Trên thuyền chỉ có vài chiếc phao cứu hộ làm bằng xốp đã cũ kỹ. May mắn là năm nay không mưa lũ, như mọi năm nước lũ dâng cao, mỗi lần chở lòng tôi luôn bất an, lo lắng hành khách gặp nguy hiểm, đặc biệt là các cháu học sinh”, ông Đòng nói.

Để đi sang các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nằm ở phía tây bên kia sông, bất kể trời mưa hay nắng, nhiều học sinh thuộc hai xóm 7 và 8 hàng ngày vẫn phải dắt xe đạp lên thuyền đi qua sông. Nhiều lúc sợ muộn học, khoảng hai chục em chen chúc trên con thuyền nhỏ.

“Cách đây hai tuần em bị rơi cả người và xe xuống sông, may mắn được bác lái đò cứu giúp. Tới giờ em vẫn còn run run khi đi thuyền, nhưng nếu không đi thì không còn con đường nào khác”, em Nguyễn Đức Khanh (học sinh lớp 5B trường Tiểu học Hương Thủy) kể lại.

Để giảm bớt sự đi lại khó khăn cho học sinh, 2 năm nay chính quyền xã Hương Thủy đã mở hai điểm trường (mầm non và tiểu học) nằm ở hai xóm 7, 8 và bố trí 4 cô giáo sang đây dạy học. Hàng ngày các cô phải dậy lúc 5h sáng, tới gửi xe ở bến đò bên này sông và đi thuyền sang bên kia để truyền đạt tri thức.

Cô Phan Thị Bích Nhâm (giáo viên điểm trường Mầm non Hương Thủy) cho biết, mỗi lần đi qua sông luôn cảm giác sợ hãi. Nhiều hôm mưa gió, cô trò đều ướt sũng nhưng vẫn phải đến lớp. Để tránh bị ướt khi qua sông, các cô giáo dạy ở điểm trường lẻ thường phải đi ủng tới lớp. Nhiều cô đã bị rơi xuống nước, may mắn đã được mọi người cứu giúp.

“Con sông này độ sâu trung bình 2,5-3 m, có chỗ sâu nhất 10 m. Học sinh và người dân đều rất mong ước có một cái cầu để qua lại học hành, buôn bán. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên cấp trên về vấn đề có thể hỗ trợ những con thuyền chắc chắn, hoặc xây một cây cầu, tuy nhiên vẫn đang phải chờ”, ông Đỗ Công Anh, cán bộ xã Hương Thủy nói. 

Theo Đức Hùng

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.