Hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách cho GD&ĐT đi đâu?

Hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách cho GD&ĐT đi đâu?
TP - Ngành GD&ĐT cần giải thích rõ vì sao có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ quỹ lương mà ngân sách bố trí và con số chi lương theo báo cáo của ngành (khoảng 61,60% so với từ 85% - 90%?). Riêng năm 2006, số tiền chênh lệch này là khoảng 10.600 tỷ đồng.
Hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách cho GD&ĐT đi đâu? ảnh 1

Những năm qua, Nhà nước đã không ngừng tăng ngân sách cho lĩnh vực GD&ĐT với giá trị tăng tuyệt đối trong 3 năm liên tiếp gần đây (2006-2008) đều trên dưới 10.000 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, Bộ GD&ĐT luôn cho rằng ngành đang... thiếu kinh phí và đề xuất phải tăng học phí thì mới có thể tăng lương cho giáo viên và tăng chất lượng giáo dục.

Thực tế cho thấy, việc chính mà ngành GD&ĐT cần làm là xem xét hiệu quả của chi tiêu ngân sách và các nguồn lực tài chính còn đang bị lãng phí...

Theo các báo cáo của Bộ GD&ĐT, ngân sách Nhà nước cho giáo dục năm 2006 tăng so với năm 2005 là 13.940 tỷ đồng, năm 2007 tăng so với năm 2006 là 11.400 tỷ đồng, năm 2008 dự kiến tăng so với năm 2007 là 9.430 tỷ đồng. Riêng phần ngân sách cho chi thường xuyên của năm 2006 là 42.625 tỷ đồng, của năm 2007 là 51.860 tỷ đồng.

Tổng số giáo viên, các cấp từ mầm non đến đại học năm 2006 vào khoảng 1.053.720 người, trong đó số giáo viên ngoài công lập, giáo viên hợp đồng và giảng viên thỉnh giảng là 145.414 người (số này không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, riêng giáo viên mầm non bán công ở các địa phương vùng nông thôn được trợ cấp trong khoảng từ 450.000 đến 800.000 đồng/người/tháng và hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Nếu lấy mức dự toán chi lương và các khoản có tính chất lương bình quân 1 năm cho 1 giáo viên công lập ở các cấp là: mầm non là 22,671 triệu đồng, tiểu học là 24,786 triệu đồng, THCS là 23,868 triệu đồng, THPT là 29,203 triệu đồng, GDTX, TCCN và ĐH-CĐ là 30 triệu đồng. Số cán bộ quản lý giáo dục các cấp khoảng 90.400 người, dự toán chi lương và phụ cấp bình quân là 35 triệu đồng/người/năm.

Như vậy, tổng quỹ lương từ ngân sách Nhà nước của toàn ngành theo tính toán (tổng quỹ lương thực tế còn thấp hơn vì mức lương thực tế bình quân của giáo viên các cấp đều thấp hơn mức dự toán) năm 2006 là 26.259 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ quỹ lương trong tổng chi ngân sách thường xuyên của ngành năm 2006 chỉ chiếm khoảng 61,60% (26.259/42.625 tỷ đồng). Tức là, ngoài kinh phí riêng chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, cho các chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, thì trừ quỹ lương ra, ngành còn 38,40% tổng chi thường xuyên (tương đương 16.366 tỷ đồng) chi cho các hoạt động của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.

Đó là chưa kể các nguồn thu hợp pháp được giữ lại cho ngành tự ghi thu, ghi chi như học phí, tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tiền học các môn ngoài quy định (tin học, ngoại ngữ...) và tiền tài trợ trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành GD&ĐT trình Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội ngày 2/10/2007, cơ cấu chi về lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương thường chiếm khoảng 85 - 90%, chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập, mua sắm, sửa chữa, hành chính quản lý chỉ khoảng 10 - 15%.

Như vậy, ngành GD&ĐT cần giải thích rõ vì sao có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ quỹ lương mà ngân sách bố trí và con số chi lương theo báo cáo của ngành (khoảng 61,60% so với từ 85% - 90%?).

Số tiền chênh lệch rất lớn này (riêng năm 2006 là khoảng 10.600 tỷ đồng), lớn hơn toàn bộ kinh phí huy động cho chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2002 - 2006 (khoảng 9.310 tỷ đồng).

Ngành cũng cần làm rõ, khoản ngân sách giáo dục chi ở Trung ương rất lớn (14.118 tỷ đồng năm 2006, 20.949 tỷ đồng năm 2007 và dự kiến là 23.964 tỷ đồng năm 2008) để chi vào những việc gì, chi như thế nào và ai chịu trách nhiệm sử dụng nguồn kinh phí này?

Nợ lương giáo viên

Cũng theo tính toán của Bộ GD&ĐT, tổng thu học phí chỉ riêng khối mầm non, phổ thông của các địa phương (chưa tính khối giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp) năm 2006 là khoảng 1.134 tỷ đồng và được coi như nguồn bổ sung ngân sách cho địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh khó khăn, không những lương giáo viên không được lĩnh đủ như mức dự toán, mà còn không được lĩnh kịp thời.

Thí dụ, năm 2006 mặc dù lương cơ bản tăng từ 290.000 đồng lên 350.000 đồng từ 1/10/2005, nhưng rất nhiều nơi, phải từ tháng 7/2006 giáo viên mới được lĩnh lương theo mức lương cơ bản 350.000 đồng, còn khoản chênh lệch trước đó đến cuối năm 2006 vẫn còn bị “nợ”, chưa được thanh toán.

Hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách cho GD&ĐT đi đâu? ảnh 2
Học sinh sẽ thêm vui khi ngân sách cho GD&ĐT được sử dụng hiệu quả hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tình trạng tương tự cũng xảy ra vào năm 2007, khi lương cơ bản tăng từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng. Vì thế, trước khi Bộ GD&ĐT hứa sẽ xây dựng đề án tăng lương cho giáo viên, nhiều giáo viên ở các vùng khó khăn chỉ ngậm ngùi mong rằng được trả lương đủ và kịp thời theo quy định của nhà nước .

Rất tiếc, hiện nay chưa có báo cáo kiểm toán hoặc đánh giá đầy đủ về chi tiêu ngân sách và các nguồn kinh phí của giáo dục đại học. Chỉ biết rằng, ngoài nguồn ngân sách và các dự án vốn vay, viện trợ thì học phí, lệ phí cũng khá lớn.

Thí dụ, chỉ tính riêng 14 đại học, trường đại học trọng điểm năm 2004, tổng ngân sách Nhà nước cấp cho chi thường xuyên để đào tạo là 770,224 tỷ đồng; thì nguồn thu từ phí và lệ phí cũng là 765,893 tỷ đồng.

Nhân đây cần nói thêm rằng, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội về tình hình thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí ngày 20/9/2007, năm 2004 có trên 700 tỷ đồng tiền học phí ghi thu, ghi chi chưa tuân thủ các quy định hiện hành, nhất là ở các trường đại học.

Lãng phí lớn

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà nước đã quan tâm và đầu tư đáng kể kinh phí cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa; xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị giáo dục; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên...

Xin đơn cử thí dụ cụ thể về đầu tư cho đổi mới giáo dục phổ thông. Tổng số tiền đã chi cho giai đoạn 2002 - 2006 là trên 3.452 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, ngân sách các địa phương và 30,678 triệu USD (trên 490 tỷ đồng).

Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương được cấp để chi cho mua sách cho giáo viên, cho thư viện và cho học sinh diện chính sách; để bồi dưỡng giáo viên cốt cán và phần lớn nhất để mua thiết bị dạy học theo tiến độ thay sách giáo khoa.

Phần vốn vay phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông được chi cho việc cung cấp sách giáo khoa thí điểm, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên dạy thí điểm, mua sắm thiết bị thí điểm và thiết bị phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Mặc dù được đầu tư rất lớn, nhưng hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí này như thế nào chưa được làm rõ. Thí dụ, chỉ tính riêng năm 2006, mức chi cho đổi mới giáo dục phổ thông  từ ngân sách Nhà nước là 1.120 tỷ; trong đó chủ yếu là chi mua sắm thiết bị dạy học phục vụ triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa lớp 11 mới.

Thế nhưng, phải đến tháng 12/2006 thiết bị dạy học mới về đến 22 tỉnh, thành phố; trong tháng 1 và 2/2007 về thêm 12 tỉnh, trong tháng 3 và 4/2007 về thêm 17 tỉnh, tháng 5/2007 về thêm 3 tỉnh và còn 10 tỉnh đến hết năm học vẫn chưa cung ứng đủ thiết bị dạy học cho các trường. Ngay cả các tỉnh, thành phố có thiết bị về thì hầu hết đều không kịp theo kế hoạch dạy học.

Điều đó có nghĩa là, thiết bị dạy học được cung cấp “đuổi” theo chương trình và hậu quả là giáo viên dạy chay, học sinh học chay, dù nhà nước đã bố trí lượng ngân sách khổng lồ.

Chưa đánh giá về chất lượng mua sắm, bảo quản, sử dụng thiết bị giáo dục (hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành), chỉ riêng một khoản đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước nhưng không được sử dụng đã là một sự lãng phí quá lớn.

Cũng tương tự như vậy, việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông đã được dư luận phản ánh nhiều về sự tốn kém và kém hiệu quả.

Về việc này, ngành GD&ĐT có trách nhiệm gì trong việc thực thi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Các dẫn chứng trên cho thấy, cần kiểm tra, đánh giá việc sử dụng ngân sách cho tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên; xem nguồn kinh phí này đã được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao, trách nhiệm của người quản lý ngành giáo dục đến đâu?

Dư luận xã hội cũng lên tiếng nhiều về các cuộc hội họp triền miên ở khắp các vùng miền của đất nước, các chuyến tham quan, khảo sát nước ngoài (đặc biệt có sử dụng nguồn ngân sách trực tiếp hoặc từ nguồn vốn vay ODA) với số lượng người lớn, chi phí tốn kém và có xu hướng gia tăng trong hơn một năm gần đây.

Các cuộc hội họp, các chuyến thăm quan, khảo sát này có đóng góp gì cho việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục hay không rất cần được cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và kết luận.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.