Hơn 4 vạn giảng viên lên đường coi thi

Cán bộ giảng viên trường ĐH Nông Lâm TPHCM di chuyển xuống Long An coi thi. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Cán bộ giảng viên trường ĐH Nông Lâm TPHCM di chuyển xuống Long An coi thi. Ảnh: Nguyễn Dũng.
TP - Trong ngày 20/6, hàng vạn giảng viên đại học đã di chuyển về khắp các tỉnh thành trên cả nước để chuẩn bị công tác coi thi THPT quốc gia. Hôm nay 21/6, 866.000 thí sinh bắt đầu làm thủ tục dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.832 phòng thi. Năm nay, các Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức thi, các trường ĐH, CĐ cử giảng viên về cùng coi thi theo nguyên tắc “1 giảng viên ĐH kèm 1 giáo viên phổ thông”.

Chuẩn bị ghế bố, màn chống muỗi cho giám thị

Tại tỉnh Bình Phước, PGS- TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế cho biết, trường đã đi khảo sát thực tế từng điểm thi và chủ động đặt cọc chỗ ăn ở phục vụ cho cán bộ, giảng viên của trường từ 2 tháng trước. “Tuy nhiên, riêng điểm thi tại xã Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh) do điều kiện thực tế khó khăn nên trường phải bố trí cán bộ coi thi ở ngay tại điểm thi. Khu vực ở này vốn là phòng làm việc của trường phổ thông nhưng được bố trí biệt lập với khu vực thi. 6 cán bộ coi thi sẽ ăn ngủ, sinh hoạt ngay tại đây trong suốt các ngày thi. Vì vậy, trường đã chuẩn bị ghế bố, màn chống muỗi để giảng viên mang theo”, ông Nhựt nói.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, chiều 20/6, 235 cán bộ giảng viên của trường đã xuất phát đi coi thi ở tỉnh Tây Ninh. Đây là lần đầu tiên trường cử một lực lượng lớn giáo viên đi tỉnh để coi thi nên công tác di chuyển, ăn ở gặp nhiều khó khăn, tất cả đều trông chờ vào tỉnh Tây Ninh bố trí. Trong đợt này trường tham gia coi thi ở 15 điểm thi với tất cả các huyện, thành phố, trong đó có nhiều huyện biên giới. “Đặc biệt ở huyện Dương Minh Châu nằm giáp biên giới, xung quanh khu vực thi không có nhà nghỉ nào nên UBND tỉnh Tây Ninh đã bố trí các cán bộ, giảng viên coi thi ở tại nhà khách và Ban chỉ huy quân sự tỉnh, tuy có phần bất tiện nhưng các thầy cô rất vui, tâm lý đã sẵn sàng để coi thi”, ông Sơn nói. 

Tương tự, trong ngày 20/6, các trường đại học tại TPHCM cũng huy động hàng ngàn giảng viên về tỉnh để coi thi. Cụ thể, trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cử gần 300 giảng viên di chuyển hơn 300km lên Đắc Nông coi thi, trường ĐH Tôn Đức Thắng có hơn 450 cán bộ coi thi ở Tiền Giang; trường ĐH Nông Lâm TPHCM có gần 300 cán bộ đi về Long An, ĐH Kinh tế Luật TPHCM đi coi thi Cà Mau, ĐH Tài chính Marketing đi coi thi Ninh Thuận, ĐH Kinh tế TPHCM về Bình Phước…

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, sáng ngày 20/6, đoàn cán bộ đi coi thi của trường đã xuất phát và về đến các điểm thi của tỉnh Long An an toàn.

Hơn 4 vạn giảng viên lên đường coi thi ảnh 1 Cán bộ giảng viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM di chuyển xuống Tây Ninh coi thi.

Bỏ thêm tiền mua vé máy bay đi coi thi

PGS.TS Lê Văn Luyện, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, 184 cán bộ, giảng viên của Học viện đã lên đến Điện Biên an toàn từ ngày 19/6. Theo  PGS Lê Văn Luyện, do di chuyển với khoảng cách khá xa (trên 500km), gần 70 thầy cô đã tự bỏ thêm tiền túi để mua vé máy bay lên Điện Biên làm nhiệm vụ thi. “Theo quy định chung, năm nay kinh phí tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được giao về cho UBND các tỉnh. Do Điện Biên còn nhiều khó khăn nên kinh phí eo hẹp, chi phí đi lại cho giám thị được quy định theo tiêu chuẩn đi xe khách. Nhiều thầy cô say xe nên tự bỏ thêm tiền túi mua vé máy bay để đi. Trường thuê 3 xe chở các thầy cô còn lại” - PGS Lê Văn Luyện cho hay.

Tại Nam Định, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường  Hà Nội có nhiệm vụ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức thi cùng với Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; Đại học Điều dưỡng Nam Định; Cao đẳng Sư phạm Nam Định.  Hôm qua, trưởng đoàn của trường cùng một số thành viên đã tới làm việc với các điểm thi, khảo sát địa điểm ăn, ở cho cán bộ coi thi. Hôm nay, các giám thị sẽ di chuyển  về Nam Định để làm nhiệm vụ trong những ngày tới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường có gần 800 cán bộ, giảng viên làm công tác coi thi tại 22 điểm thi của Hà Nội. Trong đó có 12 điểm thi nội thành và 10 điểm thi ngoại thành. Điểm ngoại thành xa nhất là tại huyện Phú Xuyên. Đây cũng là điểm thi duy nhất cán bộ giảng viên thuê khách sạn để ở lại làm nhiệm vụ trong suốt thời gian diễn ra thi. Các điểm thi còn lại tại nội thành và huyện Đông Anh, trường sẽ thuê xe đưa đón cán bộ, giảng viên đi về trong ngày.

Dễ sai sót trong coi thi bài tổ hợp

Chiều 20/6, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, trong suốt năm qua,  giám thị phổ thông đã quen với hướng dẫn coi thi tổ hợp, các sở cũng đã tổ chức khảo sát theo định dạng thi THPT. Còn giám thị ĐH lâu nay quen trông thi bài thi đơn môn, chưa quen với bài thi tổ hợp nên Bộ khuyến cáo, hôm nay, 21/6, khi họp cán bộ coi thi tại mỗi điểm thi, phải phổ biến  quy chế lại một lần nữa đối với tất cả cán bộ làm công tác coi thi, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến bài thi tổ hợp như cách thu bài, cách phát đề, hướng dẫn thí sinh lúc nào làm bài, lúc nào nộp bài.

“Bộ nhắc lại phải tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi. Phải nắm vững quy chế nếu không sẽ sinh ra trục trặc đối với bài thi tổ hợp, có thể dẫn đến phát sai mã đề. Giáo viên không nghe kỹ rất dễ sai sót” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga đặc biệt nhấn mạnh.

Trước lo lắng thời gian giao thoa giữa hai môn thi trong bài thi tổ hợp dễ xảy ra lộn xộn trong phòng thi, Thứ trưởng Ga cho biết, trong 20 phút đó, 10 phút để thu bài cũ, 10 phút phát đề để thí sinh chuẩn bị tinh thần thi. Thời gian này, nếu thí sinh muốn đi ra ngoài vệ sinh phải có sự giám sát của giám thị và cán bộ giám sát ngoài phòng thi chặt chẽ. Trong  quá trình làm đề thi minh họa, Bộ cũng đã thí điểm vấn đề này và kết quả cho thấy 20 phút không quá dài, không quá ngắn để thực hiện  những công việc trên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tới giờ phút này hầu hết các tỉnh, thành phố đã in sao xong đề thi. Ở một số tỉnh có điểm thi xa  như hải đảo,  ngày hôm qua  20/6, đã chuyển  đề thi đi bàn giao.

Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho hay, sáng qua đề thi đã được hai tàu chuyên dụng của công an Quảng Ninh vận chuyển ra điểm thi Quan Lạn và Cô Tô an toàn, đúng quy chế.

Chiều ngày 20/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: Việc giao nhận đề thi THPT quốc gia năm 2017 đến 69 điểm thi tại 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất, hơn 4.000 cán bộ tham gia tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 tại Thanh Hóa đã có mặt tại các điểm thi.

Cụm thi số 28 kì thi THPT quốc gia năm 2017 do Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì có 30.966 thí sinh đăng kí dự thi, được bố trí tại 61 điểm thi, 1.315 phòng thi. Ngoài khoảng 1.000 cán bộ, giáo viên các trường THPT trong tỉnh, số giám thị đến từ 7 trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức kỳ thi là khoảng 1.600 người. 

Hoàng Lam - Cảnh Huệ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.