Kẽ hở học nghề phổ thông: Đại diện Bộ GD-ĐT lên tiếng

Kẽ hở học nghề phổ thông: Đại diện Bộ GD-ĐT lên tiếng
TPO - Sau khi Tiền phong có bài: “Học nghề trong trường phổ thông: Chỉ để cộng điểm tốt nghiệp” đăng trên số ra ngày 17/8 và bài “Học nghề phổ thông: Lộ kẻ hở chạy điểm”, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Vũ Đình Chuẩn thừa nhận, vẫn còn một số nơi chưa tổ chức, quản lý tốt việc học nghề, học sinh học kiểu đối phó, thi nghề để mong cộng điểm khuyến khích.

Trước tình hình đó, ông Chuẩn cho biết, kể từ năm học 2016-2017, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông được xác định là 1 trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành GD&ĐT cả nước.

Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình dạy nghề phổ thông cũng như chọn lựa, bổ sung các chương trình dạy nghề đáp ứng với yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường.

Ngoài ra, nhận thấy một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng điều kiện dạy học, bộ cũng sẽ chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục. 

Bên cạnh đó, năm học này bộ cũng cho thí điểm triển khai mô hình giáo dục trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương nhằm tăng cường khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Học nghề có tác dụng hướng nghiệp

Trả lời việc, vì sao học sinh phải học nghề ở cả hai bậc THCS và THPT gây mất thời gian, lãng phí công sức cho cả học sinh lẫn giáo viên? Ông Chuẩn cho rằng, đối với cấp THPT, giáo dục nghề là nội dung tự chọn bắt buộc (mọi học sinh đều phải học nghề nào đó do nhà trường hoặc học sinh tự chọn). 

Học nghề ở bậc này nhằm mục tiêu giúp cho học sinh có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. Thời lượng học nghề phổ thông ở cả cấp học là 105 tiết nên yêu cầu kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh cao hơn so với cấp THCS.

Còn giáo dục nghề phổ thông ở cấp THCS được coi là nội dung dạy học tự chọn (học sinh có thể chọn một trong số các môn Ngoại ngữ 2; Tin học, Nghề phổ thông). Mục tiêu học nghề ở cấp học này nhằm giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. Thời lượng giáo dục nghề phổ thông ở THCS chỉ có 70 tiết học với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ thấp hơn cấp THPT.

Để khuyến khích học sinh học nghề phổ thông góp phần hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT, Bộ GDĐT quy định cho các địa phương sử dụng kết quả thi để cộng điểm khuyến khích trong kì thi tuyển sinh vào THPT và xét tốt nghiệp THPT.

MỚI - NÓNG