Khoảng trống chết người

Nhiều xe khách chạy tuyến miền Trung trên quốc lộ 1 bị một số thanh thiếu niên ném đá vào xe. Ảnh minh họa
Nhiều xe khách chạy tuyến miền Trung trên quốc lộ 1 bị một số thanh thiếu niên ném đá vào xe. Ảnh minh họa
TP - Gần đây, nhiều xe khách chạy tuyến miền Trung trên quốc lộ 1 lại bị một số thanh thiếu niên ném đá vào xe. Tình trạng này xảy ra liên tục. Trên tuyến quốc lộ 14, đặc biệt đoạn qua địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng như vậy. Đã có người vỡ đầu, mù mắt, thương tích nhẹ hơn thì rất nhiều.

Địa bàn gây tai nạn trải dài nhiều tỉnh từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đến tận Bình Phước, Bình Dương, tỉnh nào cũng có, ít hoặc nhiều. Phía Bắc cũng có những vụ xảy ra ở Nam Định, Ninh Bình…

Chỉ ở một tỉnh là Gia Lai, Cty Bảo Việt của tỉnh này cho biết, tính trong thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 8/2014, Cty vừa làm thủ tục bảo hiểm bồi thường cho hơn 230 trường hợp xe vỡ kính do bị ném đá với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Trên báo chí nhan nhản những cái tin cùng về một hành vi tội lỗi. Không có gì phải bàn cãi về vấn đề pháp luật ở đây bởi rõ ràng đây là hành vi phạm tội có chủ ý và cần phải nghiêm trị. Vấn đề là vì đâu? Khi trong số này có khá nhiều em chỉ ở độ tuổi 13 – 16 tuổi. Nguyên cớ dẫn đến hành vi nguy hiểm này nhiều khi cực kỳ đơn giản: Không có chỗ chơi nên ra vệ đường, thấy ô tô tung bụi thì… ghét (?!). Thách đố nhau để chứng tỏ “bản lĩnh", hoặc thấy các anh lớn làm thì cũng làm theo.

Trước đây, hành vi tương tự xảy ra khá nhiều đối với tàu hỏa. Và nay, dù đã giảm, nhưng mọi cửa sổ trên các đoàn tàu vẫn phải hàn một lớp lưới sắt bảo vệ. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, trong một bài báo, có nói về tâm lý đố kỵ đã khiến một số trẻ em nông thôn thầm thù ghét những gì đến từ các thành phố? Có thể. Nhưng không thể chỉ là vậy. Rõ ràng ở đây có một sự phát triển của thói hung bạo mất kiểm soát, và sự coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Điều này sẽ/ phải được ngăn chặn tích cực từ trứng nước bởi giáo dục. Mà giáo dục thì không chỉ ở trường, mà phải cả từ gia đình, từ cộng đồng.

Có một “khoảng trống chết người” nào đó đang tồn tại – nói theo ý của một nhà tâm lý học nghiên cứu về tình trạng bạo lực học đường gần đây. Và, có một điều gì đó bất ổn trong giáo dục công dân khi các em thuộc bài, nhưng hành xử thực lại khác hẳn- như phát biểu của một Thứ trưởng Bộ Giáo dục tại hội thảo vừa diễn ra chưa lâu.

51,6% học sinh cho biết từng liên quan tới bạo lực học đường. Và khi gặp vấn đề, khoảng 1/3 đã chọn giải pháp im lặng, không phản ứng. Ai biết, có thể những hòn đá ác độc được ném vào xe khách không chỉ từ những kẻ bắt nạt, mà còn từ chính những nạn nhân im lặng?

Khoảng trống chết người ấy, không ai khác là những người lớn phải lấp. Và phải bắt đầu trước khi quá muộn. 

MỚI - NÓNG