Khốn khổ vì sổ điểm điện tử: Do giáo viên chưa hiểu công nghệ?

TP - Xác nhận phần mềm do Cty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường cung cấp mắc một số lỗi kỹ thuật và một phần do chất lượng đường truyền thấp, nhưng đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, có một phần lỗi do giáo viên một số trường chưa hiểu rõ về công nghệ khi lần đầu sử dụng phần mềm.

Thừa nhận hệ thống chập chờn

Sau khi báo Tiền Phong vào cuộc phản ánh việc hàng chục nghìn giáo viên hai cấp học THPT, THCS gặp khó do phần mềm sổ điểm điện tử liên tục dính lỗi, những ngày qua báo Tiền Phong đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên bày tỏ bức xúc khi phần mềm được áp dụng đại trà khi chưa trải qua các bước thử nghiệm cần thiết. 

Anh Trần Văn Nam nêu ý kiến: “Ngay từ đầu các chức năng trong phần mềm đã sử dụng khá khó rồi, cả tuần nay tôi mất ăn mất ngủ vì cái này, sắp Tết đến nơi rồi mà vẫn chưa nhập điểm xong, nên tôi đã buộc phải chuyển sang dùng phần mềm của một đơn vị khác để hỗ trợ, tôi mong các cơ quan liên quan nên có những chỉ đạo tốt hơn để giáo viên chúng tôi bớt khổ!”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trước khi sử dụng phần mềm quản lý của Cty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường, một số trường ở các quận trung tâm đã sử dụng phần mềm do Cty Quảng Ích cung cấp. Tuy nhiên, phần mềm này mới được thí điểm, không phải là phần mềm chính thống, phần mềm chỉ có chức năng hỗ trợ tính điểm và chia điểm, sau đó giáo viên vẫn phải chép ra sổ giấy.

Theo ghi nhận của PV, do phần mềm mới liên tục gặp sự cố, nên hiện vẫn có trên 100 trường học tạm sử dụng lại hệ thống cũ để đảm bảo tiến độ cập nhật và tổng kết điểm học kỳ I cho học sinh.

Theo giải thích của Sở GD&ĐT Hà Nội, phần mềm Sở đang sử dụng do Cty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường cung cấp miễn phí có ý nghĩa như phần mềm dữ liệu để theo dõi dân số, theo dõi nguồn lực lao động của toàn thành phố. Việc áp dụng được Sở triển khai theo đúng chỉ đạo của thành phố, sau khi phần mềm đã được các cơ quan chuyên ngành thẩm định. Việc thay thế phần mềm thí điểm bằng phần mềm chính thống là vì mục đích chung, không có việc thay đổi vì lợi ích cá nhân.

Vẫn theo vị này, khi phát hiện ra một số lỗi, Sở GD&ĐT đã yêu cầu cho chạy thử tại 10 trường THPT- THCS, mỗi trường thử nghiệm 10 lớp và nhận thấy hệ thống chạy ổn định. Tuy nhiên, khi triển khai rộng thì phát sinh tình huống một số trường mới lần đầu sử dụng phần mềm, nhiều giáo viên chưa quen vì công nghệ thông tin không phải ai cũng hiểu biết dẫn đến có nhiều ý kiến thắc mắc. 

Sau khi các trường phản ánh, Sở GD&ĐT đã kiểm tra và phát hiện có hiện tượng hệ thống chạy chập chờn do đông người truy cập cùng lúc. Để xử lý vấn đề trên, Sở đã yêu cầu tăng tốc độ đường truyền, đồng thời yêu cầu đơn vị cung cấp tiến hành sửa chữa. Cho đến nay, hệ thống đã hoạt động tương đối ổn định, một số lỗi lớn đã được khắc phục cơ bản.

Sau hàng loạt lỗi xảy ra, giáo viên một số trường đặt nghi vấn phần mềm đang áp dụng chỉ là bản thử nghiệm của đơn vị cung cấp. Chiều 4/1, PV đã đặt câu hỏi “phần mềm đang áp dụng là bản chính thức hay bản thử nghiệm?” đối với đại diện Cty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường. 

Tuy nhiên, đại diện công ty đã từ chối trả lời với lý do, “Công ty chỉ làm theo đơn đặt hàng của Sở TT&TT và Sở GD&ĐT Hà Nội, mọi vấn đề liên quan đến phần mềm đang áp dụng sẽ do hai cơ quan trên trả lời…”.

Cần thời gian thử nghiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hùng Việt, chuyên gia công nghệ thông tin FPT đã có những chia sẻ về quy trình triển khai một dự án phần mềm quản lý. Theo đó, trước khi triển khai dự án, đầu tiên là phải phân tích nhu cầu và yêu cầu của khách hàng. 

Sau đó phải làm bản đề xuất và kinh phí để thoả thuận (đối với các dự án lớn phải chứng minh năng lực tham gia). Qua các bước trên mới chuyển sang giai đoạn thiết kế hệ thống gồm có thiết kế hệ thống tổng thể và chi tiết. Tiếp đó là lập trình hệ thống và chạy thử phần mềm. Sau khi xong thiết kế phần mềm phải để người dùng thử và chấp nhận chương trình có đúng yêu cầu không.

Nếu khách hàng chấp thuận sẽ chuyển qua bước thử nghiệm. Đầu tiên chạy ở quy mô nhỏ để có đánh giá và điều chỉnh, sau đó mới mở rộng dần ra, chứ không có ai bung đồng loạt, bởi nó sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề, đăc biệt là khả năng chịu tải của hệ thống. 

“Thông thường, để triển khai dự án phần mềm quản lý, các đơn vị lập trình phải mất hàng năm để triển khai và thử nghiệm, trước khi đưa vào áp dụng đồng bộ. Đây là quy trình chung áp dụng đối với tất cả các đơn vị lập trình”, ông Việt phân tích.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.