Không phải hệ số “chọi” cao là khó trúng tuyển

Không phải hệ số “chọi” cao là khó trúng tuyển
TP - Em nghe các anh chị đi trước “truyền” kinh nghiệm lại rằng: Nên nộp hồ sơ cùng lúc vào nhiều trường với nhiều khối thi khác nhau... Rồi sau đó, căn cứ vào thông tin trên báo chí nếu trường nào có hệ số “chọi” cao thì  bỏ qua, chọn thi vào trường nào có hệ số “chọi” thấp.
Không phải hệ số “chọi” cao là khó trúng tuyển ảnh 1
Sau giờ thi

Như vậy, cơ hội trúng tuyển sẽ cao. Em đang rất băn khoăn, không biết “kinh nghiệm” trên  có đúng không? (V.H.Thanh, 091827630…)

Theo nguyên tắc, thí sinh muốn nộp bao nhiêu hồ sơ thì tùy. Mỗi hồ sơ được cấp một phiếu báo thi. Thực tế, hàng năm ở các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM, có thí sinh nộp đến 7 hồ sơ đăng ký dự thi với các trường và các khối khác nhau.

Thường, những thí sinh nộp nhiều hồ sơ là những học sinh không có sự chọn lựa ngành nghề dứt khoát, chưa lượng được sức học của mình. Cách đăng ký dự thi ôm đồm như thế này thì phải tốn khá nhiều tiền nhưng có khi vô bổ.

Bởi lẽ, với hình thức thi “ba chung” như hiện nay, các trường có cùng khối thi sẽ thi chung một ngày  nên dù có nộp nhiều hồ sơ đăng  ký dự thi, thí sinh cũng chỉ có thể dự thi một đợt, một trường mà thôi.

Có nghĩa là, thí  sinh dự thi tối đa là 3 trường, (2 ĐH và 1 CĐ) cho 3 đợt thi. Riêng về hệ số “chọi” thì chỉ có giá trị tham khảo, nhất là từ khi áp dụng điểm sàn.

Lấy ví dụ, ngành A của trường B có 300 thí sinh dự thi, chỉ tiêu là 150, hệ số “chọi” là 2 nhưng quá nhiều thí sinh đạt dưới điểm sàn thì hệ số “chọi” sẽ thay đổi.

Hơn thế, trong nhiều năm qua, khi việc chọn trường của thí sinh có sự phân hóa rất cao giữa các nhóm trường, ít thí sinh đăng ký dự thi vào các trường top trên, hệ số “chọi” các trường  này thấp nhưng không phải vì thế mà cơ hội trúng tuyển cao.

Cụ thể, trong những năm qua,  nhiều ngành  ở trường ĐH Bách khoa TPHCM, trường ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm TPHCM… có hệ số “chọi” thấp nhưng điểm chuẩn cao chót vót.

Ngược lại, các trường nằm ở nhóm giữa như ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm TPHCM… có hệ số “chọi” cao nhưng điểm chuẩn chỉ ngang hoặc cao hơn điểm sàn một ít.

Em có cảm giác “bội thực” vì quá nhiều thông tin tuyển sinh, quá nhiều trường, quá nhiều ngành nghề để lựa chọn. Sức học của em ở mức khá. Làm thế nào để chọn những trường vừa với sức? (P.T Ngân, 090734960…)

Đúng là chọn ngành nào có khả năng trúng tuyển cao luôn là băn khoăn hàng đầu của các thí sinh. Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nếu thí sinh biết tính toán, chọn ngành có điểm chuẩn phù hợp với sức học của mình thì vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Thực tế qua nhiều mùa tuyển sinh cho thấy, một số nhóm ngành luôn giữ điểm chuẩn thuộc nhóm trên như ngành y,  dược,  báo chí, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…

Đây là những ngành dành cho học sinh giỏi với mức điểm chuẩn trên 20. Nhiều nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, sư phạm... giữ mức điểm chuẩn ở top giữa, khoảng 17 đến 20 điểm.

Ngoài ra, nhiều  ngành mới mở, ngành đào tạo ở các trường ngoài công lập có mức điểm chuẩn ngang hoặc nhích đôi chút so với điểm sàn, khoảng 13 đến 16 điểm, cũng có thể gọi là nhóm cuối.

Tuy nhiên, việc chia nhóm như trên cũng chỉ là tương đối. Việc chọn ngành để thi không chỉ  căn cứ vào năng lực của mình mà còn dựa trên sở thích của bản thân nữa.

MỚI - NÓNG